Đường 38B là tuyến giao thông huyết mạch của ba xã, thị trấn là Ân Thi, Quang Vinh, Tân Phúc với chiều dài 8 km.
Tuy nhiên thời gian gần đây, đoạn đường này đã xuống cấp nặng nề do xe tải nặng ra vào công trường đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Các làng Thổ Hoàng Cả, ngã tư thị trấn Ân Thi; khu vực cây xăng Quang Vinh, đầu làng Đỗ Hạ, cổng chợ Đọ thuộc xã Quang Vinh và khu vực Cầu Sắt, Tân Phúc là những nơi đường hư hỏng nặng nhất và thường xảy ra hiện tượng ùn tắc, tai nạn.
Theo khảo sát của phóng viên Thanh Niên, mỗi ngày, nhất là cuối giờ chiều, có khoảng 300 - 400 lượt xe tải nặng chạy qua trục đường này.
“Đường bị cày xới bởi các xe tải nặng, chỉ nhìn qua ai cũng biết là chở quá tải, có xe phải đến 60 tấn, làm gì đường chẳng hỏng”, ông Trịnh Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Quang Vinh - nói.
Cũng theo ông Huy, mặt đường là những thùng vũng, ổ trâu, ổ voi sâu 20 - 30 cm, rộng 1 - 1,5 m. Ba cây cầu Phú Cốc, Gia Cốc và cầu Ấp Phú đi qua địa bàn xã này cũng hỏng, nhiều nhà dân bên đường bị rung, nứt chờ đổ.
Con đường xuống cấp khiến sinh hoạt của người dân nơi đây xáo trộn vì bùn lầy, bụi bặm, ùn tắc giao thông.
“Từ khi đoạn đường này xuống cấp, sinh hoạt của gia đình tôi cũng phải thay đổi theo. Mọi người trong nhà đều đi làm phải đi sớm 20 phút để trừ thời gian tắc đường”, bác Nguyễn Minh Đức, trú tại làng Đỗ Hạ, xã Quang Vinh chia sẻ.
Đặc biệt, sự xuống cấp của con đường còn làm tăng đột biến các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn.
Ông Trịnh Quang Huy cho hay: “Chỉ mấy tháng gần đây mà có đến 7 vụ tai nạn giao thông trên địa bàn xã, tính trung bình khoảng 2 vụ/tháng, chủ yếu là đo trượt, sụt lún hoặc phương tiện mất lái do đâm vào các thùng vũng trên đường”.
Theo anh Nghiêm Thái Hiệp, chủ quán cơm cạnh Cầu Sắt, xã Tân Phúc, trước quán nhà anh đã có nhiều xe lật do không vượt được qua những hố tử thần, những “ổ voi” khổng lồ. “Chỉ một ngày 17.7 vừa qua, có đến ba xe bị sa lầy, một xe bị lật ngay trước cửa nhà tôi”, anh Hiệp nói.
Để chung sống với “con đường đau khổ”, nhiều người dân tự tìm cách khắc phục bằng cách lấy thùng, xô đặt vào những chỗ đường xấu, “ổ trâu” lớn để thông báo cho người đi đường.
Cũng theo anh Hiệp, có những hôm trời nắng bụi quá, người dân xếp cả bàn ghế, xe máy ra giữa đường để ngăn cản xe tải đi qua. Mỗi gia đình còn tự trang bị những tấm bạt và máy bơm nước để tưới đường, hòng chống lại bụi bặm và tiếng ồn .
Thực trạng bức bối về con đường khiến người dân bức xúc và đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền các địa phương.
Ông Vũ Huy Nghiêm - Chủ tịch UBND thị trấn Ân Thi - cho biết: “Chúng tôi nhiều lần nhận kiến nghị của dân và cũng có nhiều văn bản gửi lên huyện để huyện yêu cầu nhà thầu khắc phục, nhưng sự phản hồi còn rất chậm. Mỗi lần dân và chính quyền địa phương kiến nghị, nhà thầu cũng có cho đổ cát, đá để san lấp nhưng cũng chỉ là “vét bùn sang ao”, mục đích chính là cho xe tải tiếp tục vận chuyển vật liệu, còn việc đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt của người dân thì dường như không có ai để tâm”.
Vũ Thị Thu
>> Con đường khổ ải
>> Mong mỏi một con đường
>> Con đường gập ghềnh
>> Con đường đầy bụi
Bình luận (0)