Thoạt trông cứ ngỡ là khô nhái nhưng không phải. Nhái chân không dài thậm thượt, xương không mềm rụm được. Chúng nhanh chân nhảy vào từng ngõ nhỏ.
>> Mùa nhái kêu... oan!
>> Ăn sùng nổ thật sung!
|
“Tội nghiệp! Thời buổi khó khăn, đám khô “mỹ nữ thân gầy” phải lăn lóc ra quán vỉa hè, mua vui cho thượng vàng hạ cám, chứ không còn diễm lệ tương ngộ khách sành ăn trong nhà hàng sang, như thời hoàng kim nữa.”, ông Lý Nhất Tiên, chủ một hệ thống nhà hàng lớn ở TP.HCM, nửa đùa nửa thật.
Chân dài giá cao
3 - 4 năm trước, dạng khô nhái “ăn kiêng” - chân dài... mỏi cổ, từng là hàng “hót” ở một số nhà hàng rất sang tại Sài Gòn. Giá mua vào từ 650.000 - 900.000 đồng/kg, lại chập chờn. Những lúc khan hàng, giá nhập vào tới 1.000.000 đồng/kg, cũng không thành vấn đề. Nay nó được rao bán đầy, trên các trang mạng chuyên hàng đặc sản hoặc được tiếp thị tận tay, với những gói nhỏ khoảng 100g, giá còn 400.000 - 500.000 đồng/kg.
Theo một số đầu bếp lâu năm, đã ngồi đếm từng con “nhái mà không phải nhái”, để định lượng đưa vào thực đơn, buổi đầu, ở TP.HCM, thật ra có 2 loại khô. Nhái đồng ta, chủ yếu được soi bắt và chế biến ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Tuy nhiên, trong đó, nổi lên trước hết là khô nhái Campuchia.
Có sự khác biệt lớn giữa 2 nhóm khô này. Còn nhớ, chúng tôi từng dùng tay thử đo xem chân nó dài cỡ nào: gấp rưỡi thân. Đặc biệt, phần bắp đùi, bắp giò ít thịt hơn hẳn nhái ta. Song khi đem chiên vừa vàng, nhai vào nghe giòn khứu, thịt dẻo - xương mềm quyện vào nhau tạo độ ngọt thanh dịu, thơm phức, rất hao mồi! Ngược lại, khô nhái ta, chân ngắn hơn, nổi rõ cơ bắp và xương cũng cứng hơn. “Nhái mình ban ngày đi xe tay ga, sáng sớm hoặc chiều tối chịu khó tập thể dục. Nhái người ta lội bộ suốt, quần quật ruộng - rừng nên ốm nhách!”, một anh bạn vui tính phỏng đoán.
Từ chất lượng quyết định giá cả: khô nhái ngoại luôn cao hơn khô nội ít nhất 150.000 - 200.000 đồng/kg. Đồng thời, nhờ có đường cao tốc, nhái An Giang nhảy nhanh tới thành phố Bác hơn nhái xứ chùa Tháp, nên giá cũng thấp hơn.
Bỏ qua khoảng cách địa lý, vậy loại nhái nước bạn làm dùng làm khô là loại nào? - Chắc chắn không phải nhái đồng. Có thể là nhóm “chằng hiu, chẩu chàng” thân hình ốm tong teo, ưa đeo trên cành lá thấp. Hoặc giả, chúng có bà con gần với loại ếch “khiêu vũ” của Ấn Độ, mới được phát hiện gần đây.
|
Ta có nhưng không nhiều
Anh Nguyễn Văn Bốn, ở giáp vườn quốc gia Lò Gò -Xa Mát, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, cho rằng, đó là con “hót cổ”, lưng có sọc xanh, sống trên cây hay dưới nước đều được. Mùa mưa, trời chạng vạng tối, chúng thường kêu bè, nghe rờn rợn như nhát ma người lạ: “nhá nhem... nhá nhem”.
Rảnh rỗi, bạn bè anh Bốn thường đi soi, bắt chúng về bằm nhuyễn làm chả trộn với rau càng cua ăn cơm hoặc phơi khô để dành lai rai.
Dụng cụ soi là cây vợt cán dài bằng tầm vông, cỡ 2.5 - 3m. Một đầu vợt được gắn vào lon sữa “con gái Hà Lan” lớn, thủng đáy. Phần đáy lon được bọc tiếp một túi vải mùng. Khi phát hiện nhái, ếch..., người soi rọi thẳng ánh đèn vào mắt chúng, nhằm... thôi miên, rồi nhanh tay chụp vợt xuống. Thế nhưng, số lượng “nhái người mẫu” ở đây, cũng không đủ để trở thành khô thương phẩm.
Với lại, con khô nhái Campuchia thường cứng mình hơn nhái miệt Bảy Núi. Có loại ướp sẵn gia vị gồm ít: muối hoặc nước mắm, bột ngọt, ớt giã. Có loại không tẩm ướp. Tại chợ Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP.HCM, chuyên bán đặc sản Biển Hồ, giá một ký khô nhái loại 2, đã tẩm ướp sơ là 400.000 đồng.
Bà Võ Thị Hồng, chủ một quán ốc gần Co.op Mart Nhiêu Lộc, đường Trường Sa, quận 3, TP.HCM cho biết: “Bán được lắm! Mỗi tối, tôi bán từ 1 - 1.5kg khô “nhái nhịp điệu”. Có bàn 4 người, kêu liền tù tì 3 dĩa, nhấm bia ngon lành. Quên kêu ốc luôn.” Đơn giản với món chiên vừa giòn, chấm tương ớt hoặc nước mắm me.
Còn anh Nguyễn Văn Toán, nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, phân tích rằng, khô nhái mộc (không son phấn) ít có hàng cũ. Do đang hút hàng và nếu bị ngả màu (tồn trên 10 ngày), khách sẽ phát hiện được ngay. Trong ngăn mát tủ lạnh nhà anh Toán, thường có vài ba gói khô “nhái Apsara” chính hiệu. Ngày nghỉ, anh đem trụng sơ qua nước sôi, rồi ướp vào tí nước mắm nhỉ, bột ngọt, chiên nhanh. Bày ra, cha con anh cùng bốc ăn chơi và cùng hồi hộp hay cười toe toét với các nhân vật trong phim hoạt hình.
Như đã nói, hiện có rất nhiều nơi rao bán khô nhái. Song đúng hàng ngon giá mềm, không nhiều. Anh Nguyễn Văn Dũng, ở P.7, quận Phú Nhuận, TP.HCM, đang chào bán dạng gói nhỏ 100g/50.000 đồng, chưa ướp gia vị. Theo anh Dũng, xả 1 gói khô nhái này, bằng 2 - 3 dĩa ở hàng quán, giá từ 55.000 - 79.000 đồng/dĩa. Lời chán!
Một số người am hiểu thị trường đoán rằng, dạng khô nhái “xách tay” này sẽ còn phóng xa.
Tạ Tri (thực hiện)
Bình luận (0)