Khó xử lý tội phạm buôn lậu sừng tê, ngà voi vì vướng luật Hình sự

21/10/2016 15:20 GMT+7

Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM nhận xét như vậy tại phiên thảo luận tổ sáng nay 21.10, về Dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự .

Theo ông Dương Ngọc Hải, điều 190 (Tội mua bán, sản xuất hàng cấm) có quy định hàng phạm pháp trị giá từ 100 - 300 triệu thì sẽ là dấu hiệu định tội, định khung. Tuy nhiên, thực tiễn vận dụng điều khoản này lại vướng ở khâu giám định.
“Luật quy định hàng cấm có giá trị như thế, nhưng khi trưng cầu giám định thì cơ quan giám định không thực hiện được vì hàng cấm không lưu hành trên thị trường nên không có cơ sở để so sánh, giám định. Từ đó không xác định được trị giá bao nhiêu tiền nên không xử lý hình sự được”, ông Hải nói.
Cho hay trên thực tế nhiều vụ mua bán ngà voi, sừng tê, sau khi cơ quan chức năng bắt giữ thì vướng ở khâu xử lý vì lý do trên, ông Hải cảnh báo: “Nếu tiếp tục quy định như vậy sẽ khó vận dụng trong thực tiễn”.
Ông Hải cũng bày tỏ đồng tình với quy định xử lý hình sự với trường hợp hàng phạm pháp từ 1.500 - 3.000 bao thuốc lá do nước ngoài sản xuất. Theo ông Hải, trước đây từng có quy định việc xử lý hình sự liên quan hành vi này, nhưng sau đó lại có quy định thuốc lá không phải hàng cấm nên không xử lý hình sự, gây thất thu lớn do buôn lậu.
Ông Hải cũng chỉ ra sau khi có Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì thuốc lá lại được coi là hàng cấm và phải xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đến năm 2015, luật Đầu tư lại quy định thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện chứ không phải hàng cấm, nên các vụ buôn lậu thuốc lá đều không xử lý hình sự được. Sau đó hầu hết các vụ buôn lậu thuốc lá sau khi khởi tố đều phải tạm đình chỉ. "Phương án sửa luật Hình sự về vướng mắc trên là hợp lý nhưng cần xem xét sửa trong luật Đầu tư nữa để tránh xung đột", đại biểu này lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội thì bày tỏ băn khoăn về những quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
Trước đó, tờ trình của Chính phủ cho biết dự luật sửa đổi, bổ sung theo hướng kế thừa quan điểm của bộ luật Hình sự 1999 là người từ đủ 14 - 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng chỉ giới hạn trong một số tội danh cụ thể, nhằm bảo đảm tính nhất quán trong chủ trương nhân đạo hóa chính sách hình sự đối với người từ đủ 14 - 16 tuổi.
Theo đại biểu Đức, các quy định tại dự thảo sửa đổi sẽ rất khó cho việc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Trong khi đó, thống kê của Bộ Công an cho biết, trong giai đoạn từ 2011 đến tháng 6.2015, toàn quốc có trên 34.600 vụ phạm tội, trong đó có hơn 59.000 người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội, gồm cả những tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, như ma tuý, giết người. “Quy định giới hạn tuổi 14 - 16 như vậy sẽ rất khó trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm”, ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, chính sách hình sự giám sát, giáo dục, hòa giải, khiển trách đối với người phạm tội vị thành niên ở các nước có nền giáo dục tốt, ý thức pháp luật của người dân cao thì chỉ cần khiển trách trước cộng đồng là người phạm tội đã vô cùng xấu hổ. “Nhưng ở Việt Nam, nếu các nhà làm luật tham gia các đội 141 một tối sẽ thay đổi quan điểm. Người chưa thành niên đèo ba, đèo bốn, đem hung khí, xăm trổ, thái độ vô văn hoá, chửi cán bộ, chống đối... Nếu chỉ khiển trách không thôi thì không ổn mà cần nhiều biện pháp đồng bộ”, ông Đức đề nghị.
Mở rộng trách nhiệm hình sự pháp nhân sẽ tiếp tay cho tội phạm có tổ chức
Liên quan đến quy định về tránh nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, đại biểu Đức cho biết, ở nhiều nước chỉ quy định pháp nhân chủ yếu với 2 nhóm tội: tội trốn thuế và các tội về môi trường, do đây là hai vấn đề quan trọng.
Ở Việt Nam có chuyện tập thể trốn thuế cũng như chuyện cả doanh nghiệp công khai hoặc ngấm ngầm thống nhất xả thải gây ô nhiễm, thì việc đặt trách nhiệm hình sự với pháp nhân là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Đức, việc mở rộng trách nhiệm hình sự pháp nhân tới 31 điều là quá rộng và có thể vô tình tiếp tay cho tội phạm có tổ chức.
"Đặt ngược vấn đề: nếu có người đứng ra thành lập các công ty, doanh nghiệp rồi sau đó núp bóng để thực hiện hành vi phạm tội như buôn lậu, thì tội phạm buôn lậu dưới danh nghĩa công ty khi bị xử lý sẽ đổ lỗi cho trách nhiệm pháp nhân, dẫn đến việc không áp dụng được triệt để trách nhiệm hình sự”, ông Đức phân tích.
Đại biểu này cũng bày tỏ không đồng tình với quy định “đình chỉ vĩnh viễn” đối với pháp nhân vi phạm, vì đình chỉ vĩnh viễn đồng nghĩa với giải thể doanh nghiệp, điều này dẫn đến việc một số lượng công nhân, người lao động phải chịu hậu quả do sai phạm của một nhóm người đứng đầu. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội bên trong pháp nhân đó như công đoàn, tổ chức đảng... cũng bị ảnh hưởng.
Một vấn đề khác ông Đức đặt ra là việc tố tụng hình sự với pháp nhân khi sửa bộ luật này. Ai là người tham gia tố tụng hình sự? Tổng giám đốc, Giám đốc hay Chủ tịch Hội đồng Quản trị sẽ là người tham gia trong vụ án giải quyết trách nhiệm hình sự với pháp nhân?
“Nếu ông Tổng giám đốc một công ty nhà nước, là thành ủy viên chẳng hạn, dưới góc độ về Đảng thì phải xử lý về Đảng trước rồi mới xử lý hình sự được. Vậy ông Tổng giám đốc đó hàng ngày phải đi thực hiện các hoạt động tố tụng theo triệu tập của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát thì vấn đề đó đặt ra như thế nào?”, ông Đức nêu tình huống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.