Chế tài gồm: Cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát... trong xử lý ô tô đậu không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm TP.
tin liên quan
Người dân có được quay clip CSGT xử phạt mình?Mới đây Phòng CSGT (Công an tỉnh Nghệ An) đã quyết định xử phạt tài xế Nguyễn Triều Dương (ngụ Thái Bình) 25 triệu đồng trong đó có lỗi: tuyên truyền thông tin nhằm xúc phạm tổ chức, danh dự cá nhân. Như vậy, trong trường hợp nào người dân ghi hình CSGT đang làm nhiệm vụ là hợp pháp?
Cụ thể, ngày 29.12.2016, UBND TP.HCM có công văn gửi các sở ban ngành, UBND các quận, huyện chỉ đạo về việc thực hiện công tác quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn. Theo đó, UBND TP yêu cầu các sở ban ngành như GTVT, Công an, Ban An toàn giao thông... và UBND các quận, huyện tập trung quyết liệt, nghiên cứu các giải pháp nhanh chóng khắc phục và làm chuyển biến tình hình, tái lập trật tự lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn TP trong thời gian tới. Công an TP tổ chức kiểm tra, rà soát và có biện pháp giải quyết tình trạng ô tô dừng, đậu không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm TP. Nghiên cứu đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức chế tài xử lý vi phạm dừng, đậu xe trái phép như: cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển kiểm soát…, xử phạt qua hình ảnh hoặc thông qua công tác đăng kiểm phương tiện, trình UBND TP trong quý 1/2017.
Làm nghiêm để xử tài xế chây ì!
Theo Sở GTVT TP.HCM, đến cuối năm 2016, tại khu vực trung tâm TP (Q.1, Q.3) đang tổ chức cấm đậu xe 77 tuyến đường; cấm đậu xe theo giờ 20 tuyến đường; cấm dừng đậu xe 23 tuyến đường; cấm dừng đậu xe theo giờ 5 tuyến; cấm đậu xe theo ngày chẵn, lẻ 20 tuyến; cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí 25 tuyến. Tuy nhiên, mức thu phí đậu xe dưới lòng đường thấp và chỉ tính theo lượt với mệnh giá 5.000 đồng/lượt và không giới hạn thời gian đậu xe. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra xử phạt chưa kiên quyết nên vẫn xảy ra tình trạng đậu xe tràn lan dưới lòng đường tại khu vực trung tâm TP, dẫn đến ùn tắc giao thông.
tin liên quan
Người dân cười tươi rói khi được CSGT đưa qua đườngĐang bối rối không biết qua đường như thế nào giữa dòng xe hối hả đổ về Bến xe miền Đông, một người dân bất ngờ được CSGT nắm tay đưa qua đường. Người này đã cười tươi rói vì hành động đẹp của anh CSGT.
Điều đáng nói, không ít trường hợp đậu xe sai quy định, khi lực lượng chức năng tới kiểm tra, xử lý thì tài xế bỏ đi nơi khác, không hợp tác. “Theo tôi, những trường hợp này cần biện pháp mạnh để đảm bảo trật tự giao thông”, ông Nguyễn Văn Xuân (P.Bến Thành, Q.1) đề xuất. Theo ông Xuân, biện pháp mạnh ở đây có thể là cẩu xe về cơ quan công an, hoặc khóa bánh xe để buộc tài xế phải xuất hiện, giải quyết. “Tôi ủng hộ biện pháp khóa bánh xe. Nhiều nước họ đã dùng biện pháp này. Nếu tài xế cố tình chây ì, không xuất hiện, lực lượng chức năng khóa bánh xe lại. Trên khóa có số điện thoại hoặc địa chỉ của cơ quan chức năng. Tài xế sau đó liên lạc để giải quyết, đóng phạt. Biện pháp này không can thiệp tài sản của người vi phạm như trường hợp cẩu xe, tháo biển số xe, qua đó tránh những tình huống tranh cãi có thể xảy ra như người bị cẩu xe kêu mất tài sản khi xe bị đưa đi nơi khác...”, ông Xuân phân tích.
Anh Nguyễn Văn Phúc (tài xế taxi) đồng tình việc CSGT dùng các biện pháp mạnh để xử lý tình trạng ô tô cố tình dừng đậu sai quy định, gây kẹt xe, nhưng băn khoăn về biện pháp “khóa bánh xe”. “Ở những đoạn đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, nếu CSGT phát hiện ô tô vi phạm và dùng xích khóa lại thì chỉ làm tình trạng kẹt xe thêm nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tùy trường hợp mà áp dụng biện pháp xử lý phù hợp. Theo tôi, những trường hợp này cần cẩu xe đi nơi khác để giải tỏa lòng lề đường”, anh Phúc nói.
Áp dụng nhiều biện pháp
Trong khi đó, anh Trịnh Đình Thảo (ngụ P.Thảo Điền, Q.2) “không ủng hộ việc tháo biển số ô tô. Vì nếu sau khi bị tháo biển số, chiếc xe vi phạm tiếp tục tham gia giao thông, gây tai nạn và bỏ trốn thì rất khó cho người dân nhận diện và cơ quan công an xác minh”. Với biện pháp xích bánh xe vi phạm, anh Thảo đặt vấn đề: Hiện TP rất thiếu chỗ đậu ô tô có phép, vì vậy số lượng xe đậu sai quy định rất nhiều, liệu khi tuần tra CSGT có mang nổi hàng trăm ki lô gam dây xích theo để khóa bánh xe vi phạm? Theo một cán bộ CSGT, đúng là xe vi phạm nhiều, nhưng hầu hết tài xế đều chấp hành, hợp tác khi lực lượng chức năng tới xử lý. “Chỉ một số lượng không nhiều chây ì, bất hợp tác thì mới cần biện pháp mạnh”, ông này nói.
|
Theo một lãnh đạo của Đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), với xe dừng đậu sai quy định, hiện PC67 đang triển khai thực hiện 2 biện pháp: CSGT phối hợp công an địa phương cẩu phương tiện vi phạm đi nơi khác; quay camera phục vụ phạt nguội. “Trường hợp phương tiện dừng đậu sai quy định trên tuyến đường trung tâm có nguy cơ dẫn đến ùn tắc, kẹt xe thì cẩu; còn trường hợp dừng đậu ở tuyến đường không ảnh hưởng đến phương tiện khác lưu thông thì có thể quay phim phạt nguội”, vị này nói, đồng thời cho biết PC67 đã nắm được nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM và sẽ có những đề xuất phù hợp trong thời gian tới.
Đà Nẵng phạt nguội, Hà Nội cẩu xe
Theo trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng áp dụng 2 hình thức xử phạt nguội đối với người tham gia giao thông vi phạm.
Một là qua hệ thống camera tự động lắp đặt thí điểm trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Cẩm Lệ. Hai là lực lượng làm nhiệm vụ trên đường nếu phát hiện phương tiện dừng đậu sai quy định sẽ dùng thiết bị ghi hình và dán thông báo trên phương tiện hẹn người vi phạm đến giải quyết. Nếu người vi phạm không chấp hành thì Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng phối hợp Sở GTVT thông báo đến Trung tâm đăng kiểm phương tiện, kết nối Cục Đăng kiểm để thông báo về phương tiện vi phạm không chấp hành. Khi đó, chủ phương tiện không nộp phạt thì sẽ không được đăng kiểm phương tiện trên phạm vi toàn quốc.
Trong khi đó, một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.Hà Nội cho biết nếu phương tiện dừng đậu không đúng quy định mà chủ phương tiện hoặc người điều khiển không có mặt tại hiện trường thì lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện. Trước khi tạm giữ, tổ công tác lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, có nhân chứng là chính quyền địa phương hoặc hai nhân chứng trực tiếp ký vào biên bản vi phạm đó; lập biên bản niêm phong tình trạng của phương tiện (niêm phong cốp xe, các cánh cửa xe, nắp capo...) tại thời điểm đó... Sau đó, phương tiện được xe cẩu chuyên dụng đưa về trụ sở công an hoặc nơi tạm giữ phương tiện theo quy định. Cơ quan chức năng sẽ tra cứu thông tin liên quan rồi viết giấy mời gửi chủ phương tiện tới làm việc và ra quyết định xử phạt. (Nguyễn Tú - Minh Sang)
|
Bình luận (0)