NHỮNG CHUYÊN GIA GIẢNG DẠY TÂM HUYẾT
Dự án đã đến các tỉnh thành như: Bình Thuận, Bình Phước, Hà Giang, Khánh Hòa, Đắk Nông… để chia sẻ và giảng dạy những kỹ năng liên quan đến giới tính cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa.
Đội ngũ sáng lập dự án gồm thạc sĩ tâm lý Võ Hồng Tâm (được học sinh thương yêu gọi là cô Sala Tâm) và thạc sĩ tâm lý Phạm Đình Khanh, công tác tại Trường cao đẳng FPT. Thạc sĩ Khanh cũng là chuyên gia giảng dạy chính của dự án. Các chuyên gia được dự án mời đào tạo cho học sinh cũng đều có chuyên môn là thạc sĩ tâm lý như Lê Thị Mỹ Duyên đang giảng dạy tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Huỳnh Trần Hoài Đức là giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…
Học sinh sau khi được đào tạo kiến thức kỹ năng cơ bản sẽ tự thuyết trình về bình đẳng giới trên sân khấu trước toàn trường. Đồng thời, dự án thành lập và điều hành Câu lạc bộ (CLB) kỹ năng I Believe In Me ở các trường thụ hưởng. Chính điều này đã giúp dự án I Believe In Me tạo ra sức ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.
"EM ĐÃ LÀM ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU MÀ LÂU NAY CHỈ NUÔI DƯỠNG TRONG ĐẦU"
Em Quỳnh Mai, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Tuy Phong, Bình Thuận), là một trong 20 học sinh được đào tạo từ dự án. Sau gần 6 tháng, Quỳnh Mai dẫn dắt CLB dưới sự hướng dẫn của thầy cô đã chia sẻ: "Em là một đứa rất quan tâm đến những vấn đề trong xã hội, vấn đề về môi trường..., vì thế em thích làm những công việc thiện nguyện, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, em chưa bao giờ thực sự tìm được một nhóm bạn hoặc một cộng đồng nào có cùng chí hướng giống như mình. Thế nên khi tham gia CLB, em đã thực sự tìm được một cộng đồng dành cho mình, đã làm được những điều mà lâu nay em chỉ nuôi dưỡng trong đầu".
Em Nguyễn Đình Trọng, học sinh Trường THPT chuyên Bình Long (tỉnh Bình Phước), viết thư chia sẻ cảm nghĩ về khóa học như sau: "Trong tất cả bài em học được cách tìm điểm mạnh của bản thân, thấu hiểu được và kiểm soát cảm xúc, cũng như xác định được những mục tiêu cho bản thân trong tương lai. Em đã tự tin hơn một xíu, yêu bản thân hơn một xíu, tốt lên nhiều xíu. Và khoảnh khắc em sẽ không thể nào quên chính là khi em có được sự tự tin đứng trước sân khấu ngày biểu diễn. Bây giờ em tin rằng mỗi người đều có thể là chính mình".
Riêng Hoàng Yến, học sinh Trường THCS-THPT Linh Hồ (H.Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), viết: "Có rất nhiều khoảnh khắc vui nhộn cùng với dự án, những buổi học 5 tiết đói lả cả bụng hay là những buổi học trầm lắng lẫn vui nhộn. Em đã không nghĩ rằng mình có thể học được nhiều điều về bình đẳng giới như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên em tham gia một CLB vừa được học lý thuyết, vừa thực hành, vừa được chơi và tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng".
Em Anh Thơ, học sinh Trường THPT Gia Nghĩa (TX.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), ngày chia tay đã nói với thầy cô: "Nhờ dự án, nhờ khoảnh khắc đứng trên sân khấu mà em thật sự tự hào về bản thân mình".
Giúp các em được là chính mình
Mục tiêu của dự án nhằm giúp các em được là chính mình, xóa bỏ mọi định kiến giới, khuôn mẫu giới thông qua hệ thống kỹ năng mềm và giá trị sống. Từ ngày 30.4.2022 - 30.9.2023, nhóm I Believe In Me thực hiện chuỗi hành động liên quan đến giới - bình đẳng giới và đặt tên là: Chiến dịch "Trao tặng kiến thức - nâng cao nhận thức về bình đẳng giới".
Chuỗi hoạt động này bao gồm các nội dung: Trao tặng miễn phí 300 quyển sách về giới tính cho học sinh; chia sẻ về giới - bình đẳng giới, giáo dục hướng nghiệp, hoãn kết hôn sớm - tránh mang thai sớm; đào tạo kỹ năng mềm cho 20 học sinh nòng cốt.
Thực tế đào tạo cho thấy kiến thức học sinh được chỉ là lý thuyết, chỉ khi được thực hành mới trở thành chất liệu của chính các em, đó là lý do mà thạc sĩ tâm lý Võ Hồng Tâm đã đặt ra tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra của dự án chính là cuộc thi thuyết trình về bình đẳng giới trước toàn trường. Các em không chỉ thuyết trình mà còn diễn kịch, những vở kịch có nội dung rất thực tế được đúc kết từ những điều các em quan sát ở chính gia đình và trường học. Sau đó, các em còn vận dụng tất cả kiến thức mình đã học để vận hành CLB, nơi các em được thể hiện tài năng, giá trị của bản thân.
Thạc sĩ tâm lý Võ Hồng Tâm, người sáng lập kiêm quản lý dự án, chia sẻ thêm: "Kiến thức về bình đẳng giới sẽ do chính các học sinh sau khi được học kỹ năng mềm tìm kiếm, sàng lọc và thuyết trình trước toàn trường. Chính các học sinh sẽ trở thành những nhà tuyên truyền viên về giới - bình đẳng giới. Sẽ không có sự tác động nào sâu rộng, lâu dài hơn khi chính các học sinh - thế hệ tương lai của đất nước tự lên tiếng".
Bình luận (0)