Đội ngũ khoa học gia do giáo sư Rajiv Sethi (Đại học Columbia, Mỹ) và Tackseung Jun (Đại học Kyung Hee, Hàn Quốc) dẫn đầu đã phát hiện sự liên hệ giữa thiên tai và chiến tranh trong lúc nghiên cứu một tài liệu vô giá.
Có tên Samguk Sagi, tức “Tam quốc sử ký”, đây là bản ghi chép lịch sử cổ nhất của cư dân trên bán đảo Triều Tiên được lưu truyền đến ngày nay.
Tài liệu chữ Hán ghi chép lịch sử của 3 triều đại Cao Lâu Ly, Bách Tế và Tân La, trị vì trên bán đảo Triều Tiên từ năm 18 trước công nguyên đến năm 660.
Bộ sử này được biên soạn theo lệnh của vua Injong (Nhân Tông, trị vì 1122-1146) của thời Cao Ly, do sử gia Kim Busik (Kim Phú Thức) dẫn đầu nhóm các học giả, và được hoàn tất năm 1145.
|
Trong quá trình phân tích các cuộc xung đột và những sự kiện thời tiết cực đoan được ghi chép trong “Tam quốc sử ký”, các nhà khoa học ngày càng phát hiện thêm nhiều dữ liệu trước khi rút ra sự tương quan giữa chiến tranh và thiên tai.
Được đăng trên chuyên san Proceedings of the National Academy of Sciences, báo cáo tựa đề “Các sự kiện thời tiết cực đoan và xung đột vũ trang xuyên suốt 7 thế kỷ của người Triều Tiên thời cổ đại” cho thấy các quốc gia nếu phải chống chọi với các thảm họa thời tiết như hạn hán hay mưa bão thì nguy cơ phải cùng lúc lâm vào một cuộc xung đột vũ trang với lân bang sẽ tăng lên gấp đôi.
Bên cạnh đó, kết quả phân tích phát hiện những cú sốc do thiên tai mang lại nhiều khả năng đẩy một quốc gia vào tình trạng bị ngoại xâm.
Bất ổn về an ninh lương thực do thời tiết cực đoan cũng là nguyên nhân then chốt khiến các vương quốc thời xưa bị nạn xâm lăng.
Với việc công trình làm sáng tỏ thêm một góc nhìn mới về liên quan tiềm tàng giữa thay đổi khí hậu và chiến tranh, các nhà nghiên cứu tin rằng hiểu biết này một ngày nào đó sẽ trở nên hữu ích, giúp xác định những khu vực trên thế giới dễ xảy ra xung đột liên quan đến khí hậu nhất.
Bình luận (0)