Surviving Death (tựa Việt Thoát chết) dựa trên quyển sách cùng tên của nhà báo điều tra Leslie Kean, hiện làm việc cho tờ The New York Times. Bộ phim chứa đựng những thông tin về trải nghiệm cận cái chết (thời điểm con người đứng trước bờ vực sinh tử), những buổi lên đồng, cầu cơ, các cuộc săn ma và những ký ức về “tiền kiếp”. Thông qua đó, tác giả và đạo diễn muốn chứng minh rằng có thế giới sau khi chết.
Trải nghiệm cận cái chết
Surviving Death điểm qua một loạt các hiện tượng siêu linh. Tập đầu tiên đề cập đến những trải nghiệm cận kề bờ vực sinh tử. Những người được phỏng vấn kể lại chuyện họ đuối nước, tim ngừng đập sau khi bị dị ứng, chảy máu sau sinh... Tất cả đều kể lại họ hoàn toàn biết được chuyện gì đang xảy ra với mình, dù máy móc cho thấy sóng điện não đã ngừng. Trong khoảng thời gian này, có người “gặp” người thân đã qua đời, nhìn thấy quầng sáng rực rỡ hoặc một đường hầm, trong khi một số người nhìn thấy cảnh tượng đội ngũ y bác sĩ đang tìm cách cứu sống họ.
Những trải nghiệm cận cái chết là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của giới khoa học, và không ít báo cáo trình bày các phát hiện về vấn đề này. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thời khắc cái chết đang đến không phải là chuyện dễ dàng, và không ai có thể đưa ra chứng cứ xác thực, chứng minh được cơ chế đằng sau các trải nghiệm cận kề cái chết. Bác sĩ Sam Parnia, Giám đốc Khoa Chăm sóc và hồi sức đặc biệt của Trung tâm y khoa Langone (Đại học New York, Mỹ), từng tiến hành khảo sát những người sống sót sau khi tim ngừng đập. Kết quả cho thấy trong số 140 người được hỏi, 46% có cảm giác vẫn tỉnh trong lúc được cấp cứu, 10% kể lại thời điểm sắp chết.
Thậm chí có một người cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài cơ thể, và mô tả chính xác những sự kiện trong suốt 5 phút được các bác sĩ hồi sức cấp cứu cho mình, theo báo cáo đăng trên chuyên san Resuscitation. Bác sĩ Parnia vô cùng ngạc nhiên về trường hợp đặc biệt này, vì vỏ não thường ngừng hoạt động trong vòng từ 2 đến 20 giây kể từ khi bị ngắt dưỡng khí.
Cần tiếp cận thận trọng và cân nhắc
Theo báo cáo sơ bộ được trình bày tại hội nghị của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm 2019, 44 bệnh nhân được cứu sống và 21 người tham gia phỏng vấn. Trong số này, 4 người kể lại chuyện gặp thân nhân đã qua đời, nghe người xung quanh nói chuyện. Vì thế, bác sĩ Parnia không cho rằng những trải nghiệm chỉ là ảo giác của bệnh nhân, mà phải là cái gì đó phức tạp hơn nhiều. “Chúng ta cần nghiên cứu điều này một cách khách quan”, ông nhấn mạnh.
Dù đến nay vẫn chưa rõ những cơ chế đằng sau trạng thái cận kề cái chết, các sự kiện được đề cập ở trên phải mang một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn, trong Surviving Death, phía nhà sản xuất phỏng vấn một người tắt thở do sốc phản vệ. Bệnh nhân cho hay gặp lại người cha đã chết, trước khi được các bác sĩ cứu sống. Khi tỉnh lại, bệnh nhân mang theo cảm giác bình an, và nhà tâm lý học David Wilde của Đại học Nottingham Trent (Anh) cho hay không ngạc nhiên khi có những người thay đổi tâm tính kể từ thời điểm quay về từ cõi chết, cho phép họ có khởi đầu hoàn toàn mới.
Giáo sư Richard Wiseman của Đại học Hertfordshire (Anh) cho rằng dù có lẽ khoa học sẽ chẳng bao giờ có thể chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của thế giới bên kia, các chuyên gia cần tiếp cận những hiện tượng này một cách thận trọng và cân nhắc.
Bình luận (0)