Khoa sản - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

Tất cả chú ý. Sáng nay khoa mình được 'súc miệng' bằng một ca mổ chùa. Cháu gái sếp. Chửa ngoài tử cung đã vỡ, mất nhiều máu không biết cứu nổi không. Tất cả chuẩn bị đi.

- Ngày mồng một đã gặp ngay ca khó, lại còn mổ chùa thì cả tháng hên phải biết.
Di chập chờn chợp mắt trong phòng sinh khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh. Máy monitor đang chạy, tiếng tim thai đập thình thịch vang khắp căn phòng. Di để tay lên bụng chờ khoảng năm phút lại lay mạnh đánh thức con theo lời nhắc nhở của bác sĩ. Di giật mình bởi tiếng rên rỉ của một vài thai phụ đang lên cơn đau chuyển dạ chờ cổ tử cung mở từng cm. Tiếng trẻ sơ sinh thỉnh thoảng lại ọ ọe ở góc phòng. Di đưa mắt về phía chiếc giường tầng, nơi người ta đặt những đứa trẻ vừa chào đời nằm ở đó chờ người nhà đến đón. Tuyệt thật, chưa bao giờ nhìn trẻ con Di lại thấy đáng yêu đến thế. Con Di rồi cũng sẽ nằm ở đó sau cuộc chuyển dạ đau đớn có thể diễn ra vào đêm nay hoặc sáng mai. Di bị cạn nước ối nên được yêu cầu nhập viện đã ba ngày. Cứ ba tiếng lại vào phòng sinh nghe tim thai một lần, thấp thỏm mỗi khi máy monitor trục trặc kêu tin tít. Nhìn những người đàn bà vừa hoàn thành xong cuộc vượt cạn khó khăn Di cứ tự hỏi bao giờ mới đến lượt mình.
Chờ đợi ở nơi này chẳng khác gì một thứ cực hình. Thấp thỏm lo âu trong cảnh dật dờ vạ vật. Ở cửa phòng sinh, gia đình sản phụ ngó nghiêng tìm kiếm người thân. Tiếng bác sĩ gắt gỏng nhắc nhở họ át cả tiếng mấy sinh viên thực tập hỏi nhau sáng nay ăn ngô luộc hay bánh rán? Ở cuối phòng bác sĩ nam cau mày tỏ vẻ khó chịu “Đã bảo cởi quần nằm lên bàn sao cứ loay hoay mãi? Có biết còn bao sản phụ khác đang ngồi chờ không hả?”. Rồi bỗng nhiên tiếng ai đó reo lên “Chị Tâm ơi nhìn xuống dưới sân mà xem, có loại hoa chị thích kia kìa”. Nữ bác sĩ bắc ghế nhìn qua cửa kính, thảng thốt kêu “Đẹp thật đấy nhưng hình như người ta mang cúng. Khói hương nghi ngút. Từ hôm qua đến giờ khoa mình có vụ nào tử vong không?”. Tiếng ai đó thản nhiên đáp lại “Có. Vụ thai nhi bị dị tật buộc phải bỏ”. “Kể cũng lạ, trước giờ mấy ai mang hoa sen để cúng?”. Di nhắm mắt, trước khi chìm sâu vào nỗi hoang mang còn nghe thấy người ta nói dưới sân khoa sản bây giờ vương vãi những cánh sen hồng. Tựa như những chiếc thuyền chở linh hồn bé bỏng về miền cực lạc. Da em bé hẳn thơm như hương sen. Linh hồn em hẳn cũng tinh khiết như hoa vậy…
Khoa sản quá tải mà phòng yêu cầu cũng không còn chỗ nên suốt ba ngày đêm Di phải vạ vật ngoài ghế đá. Các phòng đông cứng người, giường nào cũng ghép đôi ghép ba. Thật khủng khiếp khi người ta ghép một người mổ đẻ, một đứa trẻ sơ sinh với một bà bầu bụng to vượt mặt nằm trên chiếc giường đơn chật chội. Người nhà nằm la liệt từ gầm giường đến hành lang. Mấy chiếc quạt trần ì ạch chạy không đủ mát cho từng ấy con người. Trẻ sơ sinh thi nhau khóc váng vất suốt đêm như một dàn đồng ca. Chúng khóc vì nóng, vì đói, vì sữa mẹ chưa về. Di không nỡ nằm chen cùng giường người đẻ và cũng không dám ngủ vì chỉ sợ nhịp tim bé bỏng của con sẽ ngừng lại lúc nào không biết. Kết quả siêu âm đo chỉ số nước ối mỗi ngày mỗi giảm. Nhưng các bác sĩ vẫn chưa chỉ định mổ. Di sốt ruột hỏi lần nào cũng nhận được câu trả lời “Thì vẫn theo dõi thôi. Tuy nhiên ở bệnh viện đã có dịch vụ mổ theo yêu cầu. Vừa nhanh gọn đỡ phải lo lắng lại vừa được chọn giờ đẹp. Em cứ về bàn với gia đình”. Di để ý thấy từ sáng có tám đứa trẻ ra đời thì có đến sáu ca đẻ mổ theo yêu cầu. Bệnh viện khuyến khích còn sản phụ cũng chẳng muốn thấp thỏm chờ đợi khi nước ối đã vỡ mà không có cơn đau đẻ. Khi qua ngày dự sinh cả chục ngày mà vẫn chưa thấy hiện tượng chuyển dạ. Khi những cơn đau đẻ đủng đỉnh chợt đến chợt đi đã vài ngày mà cổ tử cung vẫn chưa mở rộng. Di cảm tưởng các bác sĩ đang muốn thi gan với bệnh nhân. Như trường hợp của Di cứ ngày bốn lần siêu âm, hai lần chạy monitor chưa kể ngồi nhìn kim đồng hồ chờ đến giờ xếp hàng nghe tim thai. Chị bác sĩ cau có khi Di hỏi sao có bảo hiểm mà vẫn phải đóng tiền dịch vụ? “Thì sử dụng nhiều chứ sao, bảo hiểm nào chịu chi trả cho em nhiều thế?”. Nước ối lại cạn thêm. Di sốt ruột gặng hỏi bác sĩ thêm lần nữa. “Mổ à? Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ chỉ định mổ nhưng bao giờ thì chưa biết. Nếu gia đình sốt ruột thì bàn nhau mổ dịch vụ đi”. Huy kéo tay áo lau mồ hôi trên trán Di, quả quyết “Mổ. Chờ thêm nữa biết đâu lại chẳng được gặp con”. Bác sĩ thấy Di đến đăng ký mổ thì đon đả bảo “Em quyết định đúng đấy. Ngồi chờ chị chút đi”.
Ba tờ cam kết được đặt trước mặt. Huy đọc lướt qua đẩy trả chúng về phía bác sĩ hỏi:
- Chúng tôi mất tiền mua dịch vụ mà sao bệnh viện lại đẩy toàn bộ trách nhiệm về phía bệnh nhân? Nếu các bác sĩ làm việc tắc trách, non kém trong nghiệp vụ gây nguy hiểm đến tính mạng vợ con tôi thì sao? Chẳng nhẽ chúng tôi cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và không có quyền khiếu nại sao?
- Anh phải yên tâm rằng tỷ lệ tai biến là rất nhỏ.
- Yên tâm ư? Chị bảo tôi làm sao có thể yên tâm khi vợ chưa lên bàn mổ đã thấy được ý thức trách nhiệm của bệnh viện chẳng hơn gì một gã lang băm?
Di huých tay chồng giục cứ ký bừa đi, người ta cũng ký cũng mổ đấy thôi có chết đâu mà sợ. Nói mạnh mồm thế thôi chứ Di run lắm. Mẹ vẫn nói “gái chửa cửa mả”. Lỡ có chuyện gì… Di vòng tay ôm bụng tự trách mình sao tự nhiên yếu đuối nghĩ ngợi vẩn vơ. Huy càu nhàu gì đó bên tai nhưng Di không nghe rõ. Di bước đi vô thức giữa đám người nhốn nháo cho đến khi thấy loa gọi tên mình. Cũng may đã sát giờ sinh mổ theo yêu cầu nên Di ít thời gian để hoang mang. Cầu thang máy liên tục bận, bác sĩ dẫn Di đi cầu thang bộ sang tòa nhà B. Di không làm sao quên được hình ảnh mẹ xách đồ lếch thếch theo sau. Bác sĩ vừa bước nhanh vừa giục, Di và chồng cũng rảo bước theo sau. Thỉnh thoảng Di ngoảnh lại tìm mẹ giữa hành lang bệnh viện người đi đứng, nằm ngồi la liệt. Dáng mẹ gầy khắc khổ nặng trĩu lo âu. Mắt Di nhòe đi khi bác sĩ bấm nút, thang máy đóng sập lại mà mẹ thì đang hớt hải chạy theo. Dù biết mẹ có lên cùng thì cũng bị bảo vệ đuổi xuống ngay, nhưng Di vẫn thấy không đành lòng khi bỏ rơi mẹ lại phía sau.
Di nằm nhìn đồng hồ đếm thời gian trong phòng chờ mổ suốt gần hai tiếng. Lần lượt những bệnh nhân khác đều đã được chuyển đi. Gần mười một giờ trưa, Di hỏi y tá sao sắp hết khung giờ mổ theo yêu cầu mà vẫn chưa được mổ? Y tá nhìn đồng hồ bảo Di cứ yên tâm, gây mê rồi mổ năm phút là xong. Cửa phòng mổ mở, bác sĩ trưởng khoa bước vào, đèn mổ bật lên. Lúc khom lưng để bác sĩ tiêm thuốc tê Di bỗng nhiên nhớ đến Hương. Cảm giác đơn độc và sợ hãi này Hương đã từng trải qua khi nằm gây mê để các bác sĩ chọc trứng chuẩn bị cho quá trình thụ tinh trong ống nghiệm. Hương nói lúc ấy chỉ biết gọi thầm hai tiếng “Mẹ ơi”. Trước khi chìm vào cơn mê man Hương chỉ còn nhìn thấy hình ảnh mẹ đứng ở cổng đợi mình. Lồng ngực Hương thắt nghẹn, khẽ nấc lên một tiếng. Hương sợ mình không còn được gặp mẹ. Như Di lúc này cũng sợ mình không được gặp lại mẹ, không nhìn thấy mặt con. Người Di bắt đầu rét run cầm cập. Bác sĩ vừa mổ vừa kể chuyện xây nhà mới bốn tầng, chuyện đứa con gái đòi cắt tóc như Tóc Tiên, chuyện sáng nay ăn phải gói xôi đầy sạn. Di thấy bụng mình bị gí thật mạnh. Rồi hình như có tiếng khóc cất lên. Di nghe không rõ lắm vì tiếng khóc nhỏ và khàn. Vì tiếng nói chuyện chợ búa rau cỏ của các bác sĩ át đi. Di cứ nằm nghe ngóng từng tiếng động phát ra từ cơ thể mình. Cho đến khi bác sĩ bế con đến trước mặt dịu dàng bảo: “Nhìn con đi em. Con nặng 3,5 kg. Sinh lúc 11 giờ em nhé”. Di nhìn con thở phào nhẹ nhõm. Ơn giời con khỏe mạnh chào đời. Di nhắm mắt tưởng tượng từng mũi kim đang xiên qua da thịt mình. Nhộn nhạo.
* * *
Mổ xong Di nằm trong phòng hồi sức hơn hai tiếng đồng hồ. Rét và khát nước. Thuốc tê bắt đầu hết tác dụng, bệnh nhân nằm bên cạnh rên rỉ kêu đau. Nhìn người đàn bà nằm bên đống dây dợ lằng nhằng, lòng Di thắt lại. Mẹ rồi cũng già như thế, biết đâu bệnh tật sẽ bủa vây. Sẽ có ngày mẹ một mình nằm trong phòng mổ, sợ hãi khi nhìn quanh không thấy ánh mắt người thân. Mẹ giờ này chắc đang đứng chờ Di ở dưới kia. Hành lang bệnh viện mùa này nắng như thiêu đốt. Mẹ gầy lắm, cơm bệnh viện lại khó nuốt. Mấy ngày qua mẹ chỉ ăn uống linh tinh. Di ứa nước mắt, cổ họng thì khô như than củi. Đồng hồ như cũng bị cái nắng nóng vắt kiệt sức lực, ì ạch nhích từng chút một. Hai giờ chiều Di được đưa trở về khoa sản. Ánh nắng ngoài hành lang hắt thẳng vào mặt, Di cố mở mắt tìm kiếm mẹ. Mẹ đứng đó vai rất gầy, hai bàn tay đen sạm. Mẹ cười với Di, nụ cười đầy thương cảm xót xa. Di trào nước mắt không biết vì tủi thân hay tại cái nắng chói chang. Lúc nhắm chặt mắt Di còn nghe thấy rất rõ tiếng chân mẹ líu ríu chạy theo cáng đẩy. Tiếng Huy cười đâu đó phía sau.
Di được phân về phòng số 2. Hai bà bầu đang nằm tráo đầu thở khó nhọc đành uể oải đứng dậy ôm gối đi chỗ khác nhường chỗ cho Di. Mấy chục con người lố nhố nằm ngồi nhớp nháp mồ hôi trong cái nắng nóng đỉnh điểm của mùa hè. Đàn bà khép nép, đoan trang ở đâu không biết. Chứ một khi đã vào khoa sản thì chẳng còn biết ngượng ngùng. Giường bệnh chật nằm kiểu gì cũng vẫn hớ hênh. Di gác chân lên tường mặc kệ váy áo xộc lệch hở hang. Đàn bà thì giống nhau cả thôi còn đàn ông vào đây đâu phải để ngắm nhìn. Mấy đêm trước nằm ghế đá không ngủ được, các bà bầu xúm lại nói chuyện chơi. Đàn bà ngồi ngó nhau bỗng thốt lên xót xa “Tụi mình xấu nhất khi mang bầu. Nhìn ai da cũng sạm, mũi to, bụng rạn. Ì ạch vác cái bụng chềnh ềnh trước mặt chẳng còn đâu nét đẹp ba vòng. Đến mình còn chán mình huống hồ đám đàn ông”. Rồi ngồi thử đoán xem nếu không mang bầu thì ai trong số họ sẽ là mỹ nhân đây? Đàn ông cởi trần nằm ngồi ngổn ngang dọc hành lang bàn luận sôi nổi về Cúp C1. Có gã nghỉ giải lao giữa những cơn đau đẻ của vợ, nằm vật xuống sàn vừa thở hổn hển vừa hỏi kết quả trận đấu giữa Atletico Madrid với Barcelona. Gã nói không ngớt về tiền đạo Griezmann. Nói cho đến khi vợ hắn lên cơn đau kế tiếp gào lên gọi tên chồng. Hắn uể oải vục dậy dìu vợ đi lại cho dễ đẻ. Còn Huy, từ lúc đón mẹ con Di từ phòng mổ về vội tắm giặt thơm tho hẹn bạn đi uống nước mía cho hạ nhiệt. Mẹ bế cháu, Di thì nằm co một chỗ. Các sản phụ khác đã được bồi dưỡng ăn uống để lấy lại sức. Di vẫn nằm chờ chồng đến tận chín giờ tối mới thấy xách về một hộp cháo mua dưới cổng bệnh viện. Cháo nóng hổi nhưng móng giò đã bị thiu. Di không nói gì cố gắng nuốt vài thìa cháo.
Đàn bà trong cùng một nỗi đau thường rất dễ cảm thông và thương xót lẫn nhau. Cả phòng có hai mươi sản phụ là có trên hai mươi câu chuyện để kể cho nhau nghe. Một người đau đẻ là cả phòng vừa mừng vừa lo. Thấy ai đó vào phòng sinh là từng ấy con người thấp thỏm, ngó nghiêng chờ đợi. Rồi cả phòng đón bé, đón mẹ trở về sau cuộc vượt cạn thành công. Chúc mừng mẹ, nựng nịu con. Niềm vui trước một đứa trẻ chào đời khiến mọi người tạm quên đi cái nóng. Di nằm mê mệt chịu đựng giữa những cơn đau của vết mổ. Thỉnh thoảng lại quặn bụng kìm nén một cái hắt hơi, một cơn ho bất chợt. Liếc mắt nhìn những sản phụ khác thấy họ cũng đang đau mỏi giống mình. Thời tiết đầu giờ chiều càng trở nên nóng nực. Mồ hôi bết trên mớ tóc dài rối mù. Chiếu dưới lưng nhặm nhượi và dính dấp khiến Di liên tưởng đến hàng chục, hàng trăm sản phụ khác từng nằm trên chiếc giường này. Di thấy ghê sợ chính cơ thể mình với từng ấy sự chung đụng mà không có cách nào tẩy rửa. Chiếc chiếu Di nằm bóng nhoáng mồ hôi và bốc lên thứ mùi khăn khẳn. Nói đúng hơn cả căn phòng lúc nào cũng bốc mùi. Mùi của thuốc kháng sinh, mùi cơ thể từng ấy con người, mùi của đủ loại thức ăn rơi vãi. Kinh khủng hơn cả là mùi tanh nồng của sản dịch không được thay rửa thường xuyên. Những ông chồng đi nuôi vợ thường cắm đầu vào điện thoại chơi game. Hoặc tuồn xuống sân bệnh viện tìm kiếm một bóng cây, một chiếc ghế đá để ngả lưng cho đỡ chán. Nếu không cũng trải chiếu nằm lăn ra đất ngủ một giấc ngon lành. Họ có đủ lý do để bận bịu nên xao nhãng việc thay rửa vệ sinh cho vợ. Bỏ mặc vợ nằm đó chịu đựng và chờ đợi. Họ mới mổ đến ngồi dậy còn khó khăn thì nói gì đến việc lết cả một quãng dài đến nhà vệ sinh chung. Mà lạ thay, Di để ý thấy hầu hết các bà vợ đều ngại nhờ vả chồng mình. Như thể người đàn ông ngồi bên cạnh không phải là người đầu ấp má kề. Vẫn là những người mẹ cặm cụi thay rửa cho con. Cả đêm thức trông cháu mà mờ sáng lại lọ mọ về nhà nấu nồi cháo nóng mang vào bệnh viện. Nửa đêm Di tỉnh giấc khi tác dụng của thuốc giảm đau đã hết, ngước mắt nhìn thấy mẹ ngồi gà gật một tay chống cằm một tay quạt cho con cháu.
Di đẻ mổ bị mất sữa. Con nhất định không chịu bú mẹ để kích thích tuyến sữa. Nó khóc thét lên từng cơn không cách nào dỗ nổi. Di nằm một chỗ nước mắt ứa ra vì xót con và thấy mình vô dụng. Những đứa trẻ khác đã bắt đầu được ăn từng giọt sữa non của mẹ. Tiếng Huy vẫn cằn nhằn bên tai không ngớt, mặt nặng như chì. “Anh chưa thấy ai vụng về như em. Đến bế con cũng lóng ngóng”. “Bảo em cứ cho con nhai ti em không nghe. Nó khóc cũng phải kiên trì”. “Em phải ngồi dậy mà tập đi. Đau cũng phải đi. Mổ ngày thứ hai là phải tự đi lại được rồi”. “Mẹ đừng cho cháu bú bình no quá. Nó sẽ trớ mà xem”. “Mẹ bế cháu cao lên một chút. Mẹ quấn tã kiểu gì mà tung tóe thế này”. Mẹ nuôi ba đứa con, nuôi hai đứa cháu giờ cũng thành vụng về trong mắt anh con rể quá kỹ tính. Di biết là mẹ giận khi đưa trả cháu về tay bố nó. Đây không phải là lần đầu Di xấu hổ vì chồng. Cảm giác tủi thân ứ đầy trong cổ họng dù đã quá quen với tính cách của chồng. Di cố gắng để không khóc nhưng càng cố gắng nước mắt càng giàn giụa. Khẽ quay người nằm nghiêng, Di thèm nghe dòng sữa tìm về bầu ngực đang lép kẹp của mình. Mẹ hình như cũng nghèn nghẹn khi ân cần hỏi nhỏ “Con uống nước cam không, mẹ vắt?”.
* * *
Di nằm giường số 20. Mổ đẻ ngày thứ hai còn nằm như con cua bấy trên chiếc giường đơn chật chội. Một sản phụ với một đứa trẻ sơ sinh cũng đã đủ cực khổ vậy mà y tá đã ghép thêm một người nữa chung giường. Di không biết phải xoay xở thế nào để ba con người cùng có chỗ nằm nên nhăn nhó, hậm hực. Di ghét cái ả y tá mặt cong cớn lúc nào cũng như cầm lệnh bài của hoàng đế trong tay, chỉ vào ai là người đó phải lặng im chịu trận. “Chật chội cũng phải chịu. Không nằm thì xuống đất mà nằm. Ở đây có lúc đông bệnh nhân còn bốn người một giường. Ai còn thắc mắc cứ gặp tôi”. Tiền vẫn phải đóng. Càng đông bệnh nhân thì bệnh viện càng thu lợi. Bộ mặt của bệnh viện cũng giống hệt cái mặt cong cớn của cô y tá. Di bỗng chốc trở nên cáu bẳn. Hắt ánh nhìn bực bội về phía cô gái đang ôm chăn gối đứng lơ ngơ giữa phòng. Cô ấy chắc bằng tuổi em út của Di. Mặt mày tái xanh, uể oải tìm một chỗ ngồi ké bên giường khác. Di chỉ mong ánh nhìn của mình đủ sức mạnh để đẩy bật cô ta ra ghế đá hoặc đi bất cứ đâu. Giường Di nằm quá chật. Con Di vừa mới sinh còn non nớt biết chừng nào. Làm sao có thể nằm chung với hai người lớn trên cùng một chiếc giường bé xíu. Chỉ cần một cái cựa mình đứa nhỏ cũng có thể bị đau. Bản năng của người mẹ trong Di bỗng chốc như loài báo. Sẵn sàng giơ móng vuốt về phía bất cứ người nào định lại gần con mình. Sau một hồi dùng mắt môi tấn công kẻ khác, Di bỗng nhiên đuối sức. Lòng tự hỏi sao bỗng nhiên mình lại trở thành con người ích kỷ và hằn học? Cô gái ấy hình như cũng chẳng đành lòng ôm chăn chiếu đến nằm cạnh mẹ con Di. Cô ấy đâu có tội tình gì. Hẳn cũng như Di mấy đêm trước. Bị đuổi hết giường này đến giường khác, chỉ thèm có một chỗ ngả lưng cho bớt đi cực nhọc.
Cô gái nhỏ tên Huế. Nói giọng miền Trung nhỏ nhẹ. Huế ngồi ké giường đối diện với giường Di. Thỉnh thoảng dựa lưng vào tường ngủ gật. Lúc bác sĩ vào tiêm, tất cả người nhà đều được mời ra ngoài. Di lóng ngóng đánh rơi hộp thuốc cá nhân bắn tung tóe ra đất. Vì còn đau chưa thể đi lại được nên Di cố nhoài người ra mép giường với tay nhặt lại. “Chị để em nhặt giúp”. Giọng nhỏ nhẹ, Huế vội vã nhặt lại thuốc cho Di. Chiều đó Di tập mon men đi lại quanh phòng. Mẹ đưa cháu đi tiêm phòng viêm gan B. Huy có lẽ đã tìm được một chỗ mát mẻ ngủ ngon lành. Vết mổ còn rất đau, bước chừng năm bước thì Di không thể nào chịu đựng được hơn. Rúm ró trong cơn đau rát đứng không nổi mà ngồi cũng không xong. Di cố nhích từng bước nhỏ về giường nhưng không thể nữa rồi. Chỉ còn biết đứng im bất động cắn răng chịu đựng. Huế lao ra “Để em dìu chị”. Sự dịu dàng và ân cần khiến cơn đau của Di vợi bớt. Tối đó Di cố gắng thu vén một chỗ nằm sao cho tiết kiệm diện tích nhất rồi gọi Huế về ngủ. Nhưng chẳng ai chợp mắt được chút nào. Hồ sơ bệnh án treo phất phơ trên đầu giường đã nói cho Di biết Huế vừa hút thai xong. Người mẹ trẻ này vừa tàn nhẫn tước đi quyền được sống của một sinh linh bé nhỏ trong cung lòng mình. Tại sao thế Huế ơi? Đến giọng nói của em còn lành hiền như tiếng gió mà? Di không trách cũng không khinh bỉ mà trong lòng tràn ngập nỗi xót xa. Chắc là Huế cũng khổ tâm nhiều. Di đọc được nỗi đớn đau dằn vặt trong đôi mắt trũng buồn như dòng sông ấy. Màn hình điện thoại của Huế nhấp nháy sáng. Di kịp nhìn thấy trên hình nền là một cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Một vẻ đẹp căng tràn sức sống. Nó khác hẳn với hình ảnh tiều tụy của Huế trong thực tại. Đàn bà ơi đàn bà? Ngay cả lúc đớn đau này Huế cũng chỉ có một mình. Cũng phải thôi, đàn ông thường vắng bóng.
Đêm đó Huy về nhà tắm giặt nghỉ ngơi. Mẹ sau khi đã à ơi ru cháu ngủ thì trải chiếu nằm co ro giữa lối đi. Trong phòng vẫn ầm ĩ như ban ngày. Người pha sữa, người nịnh trẻ, người cằn nhằn nhau những chuyện đời thường. Di nằm sau lưng Huế. Đã mấy lần định đưa tay đặt lên bờ vai gầy guộc vẫn đang trằn trọc ấy. Rồi lại tự trách mình sao đã có lúc nhỏ nhen tiếc em một chỗ nằm ở cái nơi mà nếu đàn bà còn không thương nổi nhau thì còn ai thương nữa…
Nếu Huế đọc được câu chuyện này thì hãy nhận của Di một lời xin lỗi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.