Hẻm Sài Gòn nơi có nhiều người mất vì Covid-19, bà con giờ sống thế nào?

26/11/2021 10:09 GMT+7

Các hẻm dọc cầu Calmette (Q.4, TP.HCM) trong cao điểm của đợt bùng dịch thứ 4 từng là nỗi ám ảnh của người dân vì gần như nhà nào cũng nhiễm, phong tỏa kéo dài, có hẻm nhiều người tử vong, có hẻm 19 người mất vì Covid-19 . Người dân ở các hẻm này hiện đang sống thế nào, quay lại cuộc sống ‘bình thường mới’ ra sao?

Gần 2 tháng “bình thường mới”, TP.HCM nới lỏng nhiều hoạt động, dịch vụ, người dân dần quay lại với nhịp sống bán buôn, công việc trong bối cảnh khoảng 1.000 ca F0/ngày. Không còn quá sợ hãi, cuộc sống của người dân TP.HCM, đặc biệt người dân trong một số hẻm có nhiều ca nhiễm, nhiều người mất vì Covid-19 hiện giờ sống thế nào, họ thích ứng với dịch bệnh ra sao?

Sở Y tế TP.HCM trình 6 chiến lược lớn để kiểm soát Covid-19

Khẩu trang mọi lúc mọi nơi

Các hẻm trên đường Đoàn Văn Bơ (P.9, Q.4) được người dân địa phương gọi là “lô” thay vì hẻm. Hỏi ra mới biết là do các nhà đều được phân lô với diện tích 3mx7m giống hệt nhau. Nhà nhỏ san sát, hẻm không quá to, mấy lô liên tiếp nhau vừa trải qua đợt dịch quá sức tưởng tượng.

Bà Quách Tú Anh, Chủ tịch UBND P.9, Q.4 cho biết trong đợt dịch thứ tư, toàn phường có 122 người mất vì Covid-19, trong đó có 84 người thực tế sống tại địa phương.

Hai nhà đối diện nhau nói chuyện cũng luôn đeo khẩu trang

Vũ Phượng

Trời nhá nhem tối, trong hẻm 98, bà Phi Hồng Vân mang chiếc ghế nhựa ra trước nhà ngồi nói chuyện cùng chị em bà Võ Thị Phương Mai (61 tuổi) nhà đối diện. Cả 3 người đều đeo khẩu trang, thỉnh thoảng người trong nhà bước ra hay ai đi bộ ngang qua cũng luôn có khẩu trang trên mặt. Đó là sự khác biệt lớn nhất sau dịch ở con hẻm này.

Hẻm có khoảng 60 hộ dân, từ ngày đầu tháng 7 bị giăng dây vì phát hiện 1 gia đình có ca nhiễm Covid-19. Những ngày sau là liên tiếp các ca khác của hàng xóm xung quanh, tính ra trong vòng vài tuần, cả hẻm gần như bị dương tính hết, chỉ vài người hiếm hoi không sao.

Hẻm 98 đường Đoàn Văn Bơ có 7 người mất vì Covid-19 (2 người ở hẻm nhánh)

Vũ Phượng

Bà Vân nhớ lại: “Tôi đứng trên lầu, nhìn người ta cứ bốc số mà sợ luôn. Chứng kiến nhiều người được y tế đưa đi cách ly, nhìn ai nặng ai nhẹ đoán được ngày về. Hôm trước chồng chị Mai còn 2 tay xách 2 giỏ đồ ra xe cấp cứu, quay vô dìu chị ra nữa, vợ chồng tôi nhìn nhau lo, nói chắc chị Mai không qua khỏi. Nhưng không ngờ, chị Mai về được, chồng mất”.

Nghe hàng xóm nhắc lại chuyện buồn, bà Mai nước mắt chực trào nói: “Lúc ở nhà, ổng nghe tiếng xe cấp cứu hú còi, tiếng rầm rập của nhân viên y tế mặc bảo hộ đến lấy mẫu xét nghiệm mà sợ. Đi cách ly chung được một hôm thì tôi chuyển đi nơi khác, hôm sau chồng mất mà mọi người giấu tôi hết. Con trai cách ly tại nhà nghe tin cha mất thì bỏ ăn, bỏ uống cũng mất 2 ngày sau đó. Tới khi tôi về cả nhà mới cho biết, suy sụp hoàn toàn”.

Hôm qua 25.11, TP.HCM có 1582 ca F0 được phát hiện. Theo chiến lược điều trị mới mà Bộ Y tế thông tin hôm qua sẽ tập trung giảm số lượng ca F0 bệnh nặng nhập viện, hoặc tử vong

PC - Covid-19

Tới giờ, quán cơm trong hẻm thường bán cho nhân viên ngân hàng của vợ chồng bà Mai vốn tấp nập khách vẫn chưa mở cửa trở lại. Khách tới hỏi thăm mấy lần, đều ngỡ ngàng khi nghe tin ông chủ quán không còn.

Xe bánh cuốn của dì Năm hơn 30 năm trước hẻm 20 đường Đoàn Văn Bơ

Vũ Phượng

“Lúc ở nhà, ổng nghe tiếng xe cấp cứu hú còi, tiếng rầm rập của nhân viên y tế mặc bảo hộ đến lấy mẫu xét nghiệm mà sợ. Đi cách ly chung được một hôm thì tôi chuyển đi nơi khác, hôm sau chồng mất mà mọi người giấu tôi hết. Con trai cách ly tại nhà nghe tin cha mất thì bỏ ăn, bỏ uống cũng mất 2 ngày sau đó. Tới khi tôi về cả nhà mới cho biết, suy sụp hoàn toàn”.

Bà Lê Kim Mai

Dọc con hẻm, xe máy đậu dài trước dãy nhà, vài người tuổi xế chiều bắc ghế nhựa ra phần lối đi chung nói chuyện, một ông bố trẻ bế con nhỏ đi lòng vòng trong hẻm, từ già đến trẻ đều đeo khẩu trang kín bưng.

Bà Mai thở dài: “Rồi ai sống vẫn phải sống, mọi người đi làm trở lại nhưng ai ở nhà nấy, không ra ngoài nói chuyện xôm tụ như trước. Chỉ có nhà tôi và nhà bà Vân đối diện nên ai ngồi bên nhà nấy rồi hỏi qua hỏi lại thôi. Cả hẻm theo tôi nhớ thì mất 7 người thì nhà tôi hết 2 người, trống vắng lắm. Dù vẫn ám ảnh và chịu những mất mát vì dịch Covid-19 nhưng tôi ủng hộ mở cửa thế này để con cái làm ăn sinh sống, chứ đóng cửa miết thì sao mà sống được. Chấp nhận sống thích ứng với dịch, mọi người tự bảo vệ mình là chính, sau mùa dịch 2020 có đeo khẩu trang đâu, nhưng sau đợt dịch này khẩu trang bất di bất dịch”.

Bà Mai bật khóc khi nhắc lại sự khốc liệt của Covid-19

Vũ Phượng

Bà Vân cũng cho hay, thích nghi với cuộc sống bình thường mới, bà vẫn ra trước nhà ngồi hóng gió nhưng luôn đeo khẩu trang; đi chợ về là xịt khuẩn lên các tờ tiền và rửa tay với xà phòng. “Chích 2 mũi vẫn có thể nhiễm Covid-19 nên tôi không dám chủ quan đâu”, bà khẳng định.

Số F1 đang cách ly phòng dịch Covid-19 tại TP.HCM tăng cao

Không dám tụm năm, tụm ba nữa

Hẻm 20 đường Đoàn Văn Bơ có 101 hộ dân san sát nhau, hầu hết các hộ đều có ca F0, hẻm bị phong tỏa liên tục 2 tháng trời ròng rã vì ca này nối tiếp ca khác. Cách 2 – 3 ngày lại nhận tin có người mất vì Covid-19, qua thời điểm căng thẳng, con hẻm nhỏ mất nhiều người vì Covid.

Việc bán buôn làm không khí trong hẻm bớt u ám

Vũ Phượng

Ông Đào Văn Thành (56 tuổi) cho biết, trước khi dịch bùng phát ông phụ cháu bán quán ăn, tới nay quán mở lại nhưng vắng khách nên ông vẫn tạm thất nghiệp. Thời điểm đỉnh dịch, cả nhà ông 7 người đều là F0, triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà.

“Một số người mất phần đông là người trên 60 tuổi, có bệnh nền, các nhà khác rải rác 1 – 2 người. Sau 2 tháng mở phong tỏa, bình thường mới con hẻm vắng tanh luôn, thiếu nhiều tiếng cười nói của hàng xóm”, ông Thành kể.

Chỉ sang tấm ván còn dựng phía chân cầu, ông Thành nói nửa đùa nửa thật: “Đó, nhìn thấy nó là còn ám ảnh. 60 ngày vừa rào vừa dùng ván che không biết ở ngoài sao luôn, cứ đếm số ca nhiễm, số ca mất thôi”.

Q.4 có tỷ lệ người nhiễm Covid-19 cao một phần là do quận có diện tích nhỏ nhưng mật độ dân số cao nhất TP, nhất là hệ thống hạ tầng, giao thông, đường sá tại quận phần lớn là hẻm nhỏ, hẻm sâu. Ngoài ra, phần đông người dân trên địa bàn quận là lao động nghèo, sống trong không gian chật chội, nhận thức về phòng chống dịch bệnh còn hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh. Sau đợt dịch căng thẳng, người dân trong các hẻm cũng tự giác thực hiện 5K để bảo vệ mình và người xung quanh.

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND Q.4

Tiếng rao quen thuộc từ xe bán hàng rong trong hẻm

Vũ Phượng

Bà Lê Thị Kim Mai (60 tuổi) cũng chia sẻ, thường giờ chiều, công việc xong xuôi, rảnh rang cả xóm hay tụm năm, tụm ba nói chuyện, cả con hẻm rộn ràng. Nhưng sau dịch, mọi người bỏ hết thói quen này, gặp nhau ngoài đường thì gật đầu chào chứ không ai qua nhà ai hay tụm lại nữa.

“Đợt mới có 1 nhà F0, phong tỏa cả hẻm mọi người còn nói chuyện với nhau. Sau đó tăng số ca, rồi bắt đầu có hàng xóm chết thì cả xóm không ai nói chuyện với ai nữa. Giờ bình thường mới mà cứ sập tối là nhà nào đóng cửa nhà nấy, 7 giờ tối cả con hẻm đã đìu hiu rồi”.

Bà Lê Kim Mai

Có một tủ thuốc lá nhỏ bán buôn ở đầu hẻm, bà Mai cảm nhận rõ rệt sự thay đổi của nơi mình sinh sống sau đợt dịch căng thẳng vừa qua. Bà nhận xét: “Cũng là vị trí này nhưng sau dịch lâu lâu mới có khách ghé mua, những khách quen không biết còn sống không mà không thấy họ xuất hiện. Thiệt là sau dịch còn được gặp nhau đã là một may mắn”.

Việc bán buôn của bà Mai cũng thay đổi đôi chút vì lúc nào cũng có chai xịt khuẩn để trên tủ để cả người bán và khách cùng sử dụng, ai kỹ có thể xịt thêm lên tờ tiền, gói thuốc.

Bà Mai nhớ lại: “Đợt mới có 1 nhà F0, phong tỏa cả hẻm mọi người còn nói chuyện với nhau. Sau đó tăng số ca, rồi bắt đầu có hàng xóm chết thì cả xóm không ai nói chuyện với ai nữa. Giờ bình thường mới mà cứ sập tối là nhà nào đóng cửa nhà nấy, 7 giờ tối cả con hẻm đã đìu hiu rồi”.

Trời sập tối, hẻm vắng tanh

Vũ Phượng

Khác với hẻm 98 gần đó, hẻm 20 tôi dừng lại hơn 1 giờ đồng hồ nhưng không thấy ai ra ngoài, thỉnh thoảng chiếc xe ba gác sáng đèn với tiếng rao quen thuộc: “Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào đê” vang lên văng vẳng. Đầu hẻm phía đường Đoàn Văn Bơ, xe bánh cuốn hơn 30 năm của dì Năm cũng có vài lượt khách vãng lai tới ăn và mua mang đi. Chỉ một vài tiếng rao quen thuộc và hoạt động bán buôn như vậy nhưng đem lại sức sống cho cả con hẻm.

Chiến lược điều trị mới: Giảm F0 tử vong

Tại Hội nghị trực tuyến cả nước do Bộ Y tế chủ trì vào hôm qua 25.11, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết đến ngày 30.11, chúng ta chắc chắn đạt được bao phủ vắc xin với 70% dân số từ 18 tuổi được tiêm đủ liều.

“Bây giờ chúng ta đánh giá ca mắc không dựa trên xét nghiệm diện rộng nữa, mà dựa trên những trường hợp có những nghi ngờ hoặc khi truy vết các F1 liên quan đến F0. Việc quan tâm hiện nay là giảm tỷ lệ BN Covid-10 chuyển nặng, giảm tỷ lệ BN nhập viện và giảm BN tử vong. Có thể trong thời gian tới sẽ lấy những vấn đề này làm tiêu chí đánh giá mức độ dịch”, ông Sơn nói.

Bà Mai bày tỏ: “Sợ nhất là giai đoạn dịch Covid-19 ở TP.HCM bùng mạnh, chưa tiêm vắc xin, còn giờ ai cũng tiêm rồi nên phải sống chung để còn kiếm tiền xài, tự mỗi người 5K để bảo vệ mình và người xung quanh”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.