Khoảng 25 năm nữa Việt Nam vào giai đoạn dân số già

Liên Châu
Liên Châu
04/10/2024 19:58 GMT+7

Ước tính, năm 2038 Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già với 20% dân số trên 60 tuổi. Tuổi thọ trung bình cao nhưng tuổi thọ bình quân khỏe mạnh thấp đặt ra các yêu cầu về nhân lực y tế trong chăm sóc, điều trị người cao tuổi.

Hội nghị Lão khoa quốc gia được Bệnh viện Lão khoa (Bộ Y tế) tổ chức trong 2 ngày 4 - 5.10, tại Hà Nội. Cùng với các vấn đề chuyên môn sâu trong điều trị bệnh lý người cao tuổi, các đại biểu tham dự cùng thảo luận về phát triển nhân lực y tế cho ngành lão khoa, trước thực tế Việt Nam còn chưa đến 25 năm bước vào giai đoạn dân số già.

Phát biểu khai mạc hội nghị chiều nay 4.10, PGS-TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa T.Ư, cho biết trong vòng 10 năm trở lại đây, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011.

Khoảng 25 năm nữa Việt Nam vào giai đoạn dân số già- Ảnh 1.

Ngành lão khoa thiếu hụt nhân lực y tế, đại biểu dự hội thảo cùng đóng góp ý kiến về xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ, phát triển nhân lực trẻ chuyên ngành lão khoa tại Việt Nam

ẢNH: THẢO HƯƠNG

Theo PGS Trung Anh, già hóa dân số làm gia tăng nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi, đặc biệt là điều trị các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường và các bệnh về thần kinh. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện và cơ sở y tế, khi số lượng người bệnh tăng lên mà khả năng đáp ứng về nhân lực và trang thiết bị còn hạn chế.

Ngoài ra, chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng ngày càng tăng, gây áp lực tài chính lên hệ thống bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Cùng với đó, việc thiếu hụt các bác sĩ chuyên ngành lão khoa và dịch vụ chăm sóc dài hạn là một thách thức lớn, đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế dành cho người cao tuổi.

Giám đốc Bệnh viện Lão khoa cho biết thêm, tại Việt Nam, tuổi thọ trung bình đạt 73,4 tuổi, bình quân mỗi người cao tuổi có khoảng 14 năm với bệnh tật. Với người trên 60 tuổi, mỗi người có trung bình 2,6 bệnh; trên 80 tuổi, số bệnh tật trung bình là 6,9 loại. Người cao tuổi của chúng ta phải sống với các bệnh tật, trong tình huống "chưa giàu đã già".

"Với cơ quan nội tạng suy yếu, thu nhập thấp, mang theo nhiều bệnh tật, người cao tuổi Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề chăm sóc, điều trị, đặc biệt khi già, cuối đời. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành, toàn xã hội chung tay chăm lo người cao tuổi, để cuộc sống tốt hơn", chuyên gia về lão khoa nêu quan điểm.

Tại hội nghị, tiến sĩ, bác sĩ Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nhận định tốc độ già hóa dân số của chúng ta nhanh gấp 2 - 3 so với các nước phát triển. Dự báo, năm 2038 Việt Nam bước vào giai đoạn dân số già với 20% dân số từ 60 tuổi trở lên. Trong khi đó, người cao tuổi, mỗi người mắc ít nhất 1 - 2 bệnh, đòi hỏi chăm sóc trọn đời, không chỉ gắn với cơ sở y tế mà gắn với gia đình, cộng đồng. Vì vậy, áp lực rất lớn về an sinh, kinh tế, trước yêu cầu chăm sóc, điều trị cả đời với người cao tuổi.

Ông Đức nêu thực tế các bệnh rất thường gặp ở người cao tuổi, cần uống thuốc cả đời như: tăng huyết áp, đái tháo đường; hoặc bệnh cơ xương khớp cũng đòi hỏi chăm sóc cả đời. Do đó, già hóa dân số và dân số già đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống y tế, an sinh xã hội, nhân lực y tế.

Về định hướng hệ thống y tế cho chuyên ngành lão khoa, PGS Trung Anh cho biết, thời gian tới, các trường đại học y sẽ thống nhất chương trình chung về đào tạo chuyên ngành lão khoa, tích cực đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho chuyên ngành lão khoa bao gồm các bác sĩ, điều dưỡng, các kíp kỹ thuật viên, các nhân viên xã hội và người chăm sóc. 

"Ngoài ra, chúng tôi cũng tham mưu Bộ Y tế sửa một số thông tư để phù hợp hơn với thực tế yêu cầu về dịch vụ y khoa trong điều trị, chăm sóc y tế người cao tuổi. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ ngành như Y tế, LĐ-TB-XH, các chế độ an sinh xã hội, các chính sách cho người cao tuổi sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới", PGS Trung Anh cho biết.

Hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ 5 năm 2024 có sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước như Mỹ, Úc, Đức và Nhật Bản về lĩnh vực lão khoa, tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp, thần kinh, cấp cứu, hô hấp, ung thư, ngoại khoa, điều dưỡng… 

Các phiên báo cáo sẽ tập trung vào chính sách về xây dựng và phát triển hệ thống lão khoa và cập nhật những hướng đi mới trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thảo luận chuyên sâu trong lĩnh vực lão khoa và các chuyên ngành liên quan về dự phòng, điều trị và chăm sóc các bệnh lý mạn tính và cấp tính của người cao tuổi như sa sút trí tuệ, đột quỵ, động kinh, parkinson.

Hội nghị cũng trao đổi, thảo luận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong việc xây dựng khung chương trình đào tạo bác sĩ, phát triển nhân lực trẻ chuyên ngành lão khoa tại Việt Nam; thảo luận về hướng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người cao tuổi với sự tham gia của công tác xã hội và điều dưỡng lão khoa. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.