Đó là thông tin được TS Jacpues Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, chia sẻ tại buổi hội thảo bàn về kinh tế, quản lý và kinh doanh trong bối cảnh có đại dịch Covid-19.
Theo TS Jacpues Morisset, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương trong bối cảnh toàn cầu chật vật ứng phó với đại dịch Covid-19.
Các quy định phong toả chống dịch Covid-19 được gỡ bỏ từ cuối tháng 4. Nhưng theo ghi nhận thì đại dịch vẫn tác động rất lớn đến đời sống người dân, các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có trên 7 triệu hộ gia đình bị giảm thu nhập trong các tháng 7 và tháng 8 so với thời điểm tháng 6 và tháng 7. Trong đó, có khoảng 0,5 triệu gia đình bị giảm từ 50% thu nhập trở lên.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, dù được mở cửa hoạt động trở lại nhưng theo ước tính có 50% doanh nghiệp chỉ đủ tiền mặt để hoạt động trong 2 tháng trở lại. 16% các doanh nghiệp có nợ khó đòi và 31% dự kiến sẽ phát sinh nợ khó đòi trong vòng 6 tháng tới.
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, 47% doanh nghiệp đã tăng cường ứng dụng các nền tảng số vào các dịch vụ bán hàng và phương thức thanh toán.
Cũng theo TS Jacpues Morisset, nhìn ở góc độ tích cực, đại dịch Covid-19 tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam, khi nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể đẩy nhanh sự chuyển dịch của một số công ty đa quốc gia từ nước khác sang Việt Nam.
Thành tựu nổi bật của Việt Nam trong hoạt động phòng và chống dịch Covid-19 là lực đẩy mạnh mẽ nhất để các công ty đa quốc gia đưa một số hoạt động sang Việt Nam, khi nhà máy của họ bị đóng cửa ở các nước khác.
Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 thúc đẩy tốc độ cải cách ở trong nước, đặc biệt là về số hóa và môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Theo đó, Ngân hàng thế giới dự báo Việt Nam sẽ có tăng trưởng GDP tích cực trong giai đoạn 2020 - 2022.
Bình luận (0)