Thúc đẩy nền kinh tế 'không tiếp xúc'

10/11/2020 07:30 GMT+7

Vấn đề triển khai chính phủ điện tử, chuyển đổi số để cắt giảm thủ tục hành chính, thúc đẩy sự phát triển kinh tế được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đối với các thành viên Chính phủ.

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Cho rằng việc ứng dụng dịch vụ công và thủ tục hành chính trực tuyến thời gian qua đã chứng minh được tính hiệu quả, đại biểu (ĐB) Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết kế hoạch và lộ trình triển khai vấn đề này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Trả lời câu hỏi của ĐB, ông Dũng khẳng định, việc thực hiện nền kinh tế không tiếp xúc, giao dịch không tiếp xúc là rất quan trọng trong bối cảnh chúng ta vẫn đang đối mặt với đại dịch Covid-19. Ông Dũng thông tin, triển khai cổng thông tin điện tử quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tới nay đã có 2.220 dịch vụ công của các bộ, ngành và địa phương được thực hiện thông qua cổng này.
“Tới nay, người dân ngồi một chỗ có thể kê khai tất cả các thủ tục và hoàn thành các thủ tục thanh toán như thuế, nộp tiền vi phạm phạt giao thông đường bộ... Ngay cả vấn đề đăng ký, xe biển số xe Bộ Công an cũng đã tham gia tích cực và vẫn đang thí điểm tại Hà Nội và TP.HCM”, ông Dũng nói.
Ông Dũng cũng cho biết, việc liên thông thủ tục hành chính cũng đã giải quyết nhiều bất cập mà người dân và báo chí phản ánh, chẳng hạn tình trạng người dân đến cơ quan nhà nước phải khai thông tin trùng lặp, đi lại nhiều lần mới làm xong thủ tục hay chuyện người chết vẫn có tên trong danh sách cử tri đi bầu trưởng thôn, xóm.
“Như vậy thì người dân chỉ cần đến một nơi là UBND xã và chỉ nộp một bộ hồ sơ để thực hiện 3 thủ tục hành chính liên thông”, ông Dũng nói và cho biết trong số 353.846 thủ tục hành chính, đã giải quyết được 350.400 thủ tục; còn nợ đọng 2.352 thủ tục, quá hạn là 0,67%. “Nếu chúng ta làm được thế này thì đến nay, sơ bộ ta tiết kiệm được khoảng 38,8 tỉ đồng/năm”, ông Dũng nói và đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm, thúc đẩy việc này.
Trả lời chất vấn của ĐB Bùi Văn Xuyền yêu cầu cho biết việc xây dựng chính phủ điện tử có tác động thế nào tới tổ chức bộ máy, đặc biệt là biên chế, ông Dũng khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh tế vì tháo gỡ rất nhiều cho doanh nghiệp, người dân. “Riêng đối với cổng thông tin quốc gia phục vụ cho doanh nghiệp là mỗi năm tiết kiệm tới 6.700 tỉ”, ông Dũng thông tin, đồng thời cho biết ngoài hiệu quả kinh tế rất rõ, việc triển khai các đề án chính phủ điện tử không làm tăng biên chế nào và cũng không tăng thêm đơn vị nào.

Thí điểm xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa

Trong khi đó, trả lời chất vấn về vấn đề chuyển đổi số, gắn liền với chính phủ điện tử nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, Bộ đã ban hành một khung về nội dung chuyển đổi số và dựa trên khung này các bộ, các địa phương sẽ xây dựng đề án chuyển đổi số của mình. “Đến nay, có 20 bộ, ngành và địa phương đã ban hành chương trình chuyển đổi số của mình. Có một số địa phương rất nhanh, rất sớm, như TP.HCM và Thừa Thiên - Huế, thậm chí có một số tỉnh thì tỉnh ủy đã ra một nghị quyết chuyên đề”, ông Hùng thông tin.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời tại Quốc hội Ảnh: Gia Hân

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời tại Quốc hội

Ảnh: Gia Hân

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, Bộ TT-TT cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam triển khai xây dựng, làm chủ các nền tảng số cho việc chuyển đổi số. Đến nay, các doanh nghiệp đã cho ra mắt trên 30 nền tảng số Việt Nam. Cũng theo Bộ trưởng Hùng, trong đề án chuyển đổi số, vùng sâu vùng xa được coi là ưu tiên.
“Vừa qua, Bộ TT-TT đã triển khai thí điểm một số xã thông minh ở vùng sâu, vùng xa. Cuối năm 2020 sẽ tổ chức sơ kết triển khai thí điểm xã thông minh và sau đó thì nhân rộng”, ông Hùng khẳng định và dẫn chứng, xã Vi Hương (Bắc Kạn), nhờ việc đưa công nghệ số để quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại, thu nhập của bà con trong hợp tác xã đã tăng từ 1 - 1,5 triệu thành 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Đến lúc chú trọng thực sự tới văn hóa

Vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức gia đình xuống cấp tới mức báo động cũng được nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. “Hiện nay vấn đề xuống cấp đạo đức xã hội là thực trạng đáng báo động, con giết cha, cha giết con, tình trạng xâm hại phụ nữ, trẻ em, bạo lực học đường làm băng hoại giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam. Xin Bộ trưởng cho biết chức năng quản lý nhà nước của Bộ và Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ để khắc phục tình trạng này”, ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết đây là câu hỏi ông nhận được rất nhiều lần và đã trả lời nhiều lần. “Tôi thấy còn rất nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết”, ông Thiện nói. Sau khi nêu rất nhiều biện pháp liên quan tới ban hành chính sách, Bộ trưởng Thiện khẳng định, trong đợt đại dịch Covid-19 và lũ lụt thiên tai vừa qua, có rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, nhiều tấm lòng nhân ái, nghĩa cử cao đẹp. "Đó là những tấm gương rất sống động góp phần vào việc giáo dục đạo đức, lối sống”, ông Thiện khẳng định.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: "Sẽ công khai kết quả vụ việc ở trường Tôn Đức Thắng cho toàn dân biết"

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng dành phần lớn thời gian phần trả lời của mình cho vấn đề đạo đức, văn hóa xã hội xuống cấp ở tình trạng đáng báo động mà nhiều ĐB nêu. Theo ông Đam, vấn đề đạo đức xã hội xuống cấp mà các ĐB nêu là có thật. “Nhiều hội thảo và nhiều tài liệu đánh giá xuống cấp đáng báo động, một số mặt nghiêm trọng”, ông Đam nhấn mạnh, song cho rằng đạo đức xã hội Việt Nam vẫn có nhiều điểm đáng tự hào.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiến nghị, phải thật sự chú trọng các vấn đề xã hội nói chung, trong đó có vấn đề đạo đức, văn hóa xã hội. “Đây là nhược điểm phổ biến của tất cả các nước đang phát triển. Khi bị sức ép về tăng trưởng kinh tế thì những vấn đề về xã hội, những vấn đề về văn hóa và đạo đức nhiều khi bị coi nhẹ”, ông Đam nói và cho rằng trong điều kiện xã hội đã khấm khá lên như hiện nay, sẽ có điều kiện hơn để chú trọng thực chất đến các vấn đề nền tảng.

Chính phủ trình bà Nguyễn Thị Hồng giữ vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Lúc 17 giờ ngày 9.11, sau khi Quốc hội kết thúc phiên chất vấn tại hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 50 cho ý kiến về nhân sự, trong đó có ứng viên cho vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nhân sự thẩm phán TAND tối cao. Trước đó, theo chương trình kỳ họp, sáng 11.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ đối với Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh (hiện là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội); và Thống đốc NHNN Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng (đã được phân công làm Chánh văn phòng T.Ư Đảng), nhưng chưa có lịch trình phê chuẩn nhân sự thay thế ông Hưng.
Với việc Chính phủ đã kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, nhiều khả năng việc phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Thống đốc NHNN Việt Nam sẽ diễn ra ngay trong kỳ họp này. Theo Trưởng ban Công tác ĐB Trần Văn Túy, nhân sự được giới thiệu là bà Nguyễn Thị Hồng, hiện là Phó thống đốc NHNN Việt Nam. 

Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ĐB Nguyễn Chiến (Hà Nội) đã lật lại vấn đề chứng chỉ, cho biết bao giờ Bộ trưởng sẽ thực hiện lời hứa bỏ các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không cần thiết để cử tri không phải “thi nhau” đi học?
Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, nghị định hiện nay của Chính phủ đã quy định những người tốt nghiệp các bằng cấp chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT, ví dụ như ngoại ngữ thuộc về trình độ bậc 3, thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa. Tương ứng, đối với tuyển sinh đại học, thi nâng ngạch, mà những đối tượng được miễn tin học, ngoại ngữ, thì không cần phải nộp chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Tuy nhiên, trong nghị định vẫn giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức ban hành thông tư hướng dẫn về tiêu chuẩn của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó có quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: "Sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa"

Để tiến tới bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi tiêu chí về ngạch công chức, viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính.
Bên lề Quốc hội, Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định trong thẩm quyền của mình, ông sẽ yêu cầu bỏ các chứng chỉ rườm rà, không cần thiết. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.