Khoảng cách thế hệ ngày càng xa

30/03/2015 06:08 GMT+7

Giữa phụ huynh với con cái, thầy cô với học sinh ngày càng cách biệt bởi điều kiện sống, lối suy nghĩ, giá trị sống... thay đổi. Cái đáng lo ngại là cả hai phía ít khi chịu khó tìm cách rút ngắn khoảng cách ấy.

Giữa phụ huynh với con cái, thầy cô với học sinh ngày càng cách biệt bởi điều kiện sống, lối suy nghĩ, giá trị sống... thay đổi. Cái đáng lo ngại là cả hai phía ít khi chịu khó tìm cách rút ngắn khoảng cách ấy.

Cô gái này phản ánh một số mâu thuẫn, khác biệt về quan điểm sống giữa người trẻ và phụ huynh tại buổi tọa đàm 'Mẹ và con gái' diễn ra gần đây tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Cô gái này phản ánh một số mâu thuẫn, khác biệt về quan điểm sống giữa người trẻ và phụ huynh tại buổi tọa đàm "Mẹ và con gái" diễn ra gần đây tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM - Ảnh: Như Lịch
Ưu tư của người cha
Năm nay đã 60 tuổi nhưng có con mới 10 tuổi, ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ P.12, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) nhìn nhận giữa cha con ông có một khoảng cách rất lớn. Đó là do khác biệt về tuổi tác, tính cách, sự hiểu biết, lối sống, suy nghĩ... Ông day dứt: “Điều tôi cảm thấy khó khăn nhất là khi truyền đạt những điều tốt đẹp, mong muốn hạnh phúc, niềm tin với con. Tôi rất muốn trao cho con những kinh nghiệm, kiến thức mình thu thập được nhưng nó không có khả năng và cũng không có hứng thú lĩnh hội”. Ông và con cũng còn nhiều bất đồng khác. Chẳng hạn đứa con đang học lớp 4 sử dụng máy tính để tính toán, ông Tuấn không chịu. Ông cho rằng như vậy “sẽ tạo cho con thói quen lười suy nghĩ, không tự làm được phép tính do lệ thuộc quá sớm vào máy tính”. Trong khi đó con ông lại nghĩ đây là việc bình thường, chẳng có gì mà ầm ĩ.
Những ưu tư của một người hành nghề gia sư như ông Tuấn không chỉ dừng lại ở đó. Ông nhận xét, từ khi có những công nghệ hiện đại như internet, điện thoại di động, iPad..., sự kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên rất lỏng lẻo. Bố đi làm về 7 giờ tối là bật ti vi xem, còn đứa con bên cạnh cũng xem phim hoạt hình, chơi game trên điện thoại di động. Không ai chú ý đến ai.
Tâm sự của người con
Trong khi đó, ở góc độ đứa con, Nguyễn Thị Thùy Diệu (23 tuổi, quê Lâm Đồng, cựu sinh viên Trường CĐ Bách Việt) thẳng thắn nhìn nhận giữa bạn và cha mẹ bạn đang tồn tại khoảng cách lớn, với nhiều điều khác biệt.
Diệu giải thích: “Em không sống gần cha mẹ đã lâu do đi học xa trong khi cha mẹ em suốt ngày lo làm vườn. Cha mẹ tuy có trách nhiệm với em nhưng sự gắn kết yêu thương thì ít. Hơn nữa, gia đình em giáo dục theo kiểu phong kiến, con cái không bao giờ được cãi lời. Em nói ra điều gì, mẹ đều phản đối…”.
Theo Diệu, cách giáo dục áp đặt từ trên xuống dưới, người nhỏ tuổi phải nghe mệnh lệnh của người lớn tuổi hơn đã không còn phù hợp. Trong gia đình, ba mẹ đừng buộc con mình phải làm theo những quy tắc cũ. Thay vào đó cần sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Diệu bày tỏ: “Cha mẹ em hay bảo tụi em phải cố gắng học, vì nhà mình nghèo. Thực sự khi nghe nhắc hoài như vậy, tụi em cảm thấy không thoải mái. Em muốn bản thân mình có sự tự giác, tự nhận thức về hoàn cảnh của mình để cố gắng”.
Mặc dù từ nhỏ đến lớn sống chung với cha mẹ nhưng Hoàng Nguyên (Q.12, TP.HCM) cũng cảm thấy lạc lõng ngay trong gia đình mình. Nguyên cho biết cha mẹ luôn kiểm soát chặt chẽ thời gian của Nguyên. Đặc biệt, ba Nguyên tuyệt đối không mắc internet với những lý do: “Mày không thể học dốt khi không có mạng”, hoặc “Sau này ra trường đi làm, không ai đuổi mày vì mày không có internet đâu!”... Sau một thời gian dài gò bó và mệt mỏi, Hoàng Nguyên học hành sa sút hẳn. Cô liên tục nói dối ba mẹ tham dự hoạt động trên trường sau giờ học nhưng thực chất là đi chơi, đi quán bar.
Không chỉ có Diệu, Nguyên mà nhiều bạn trẻ khác đã đăng tải trên Facebook những tâm tư, bức bối về cuộc sống, thậm chí về người thân nhưng cha mẹ không hề hay biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.