Khoảng cách thương mại Trung - Mỹ đang được thu hẹp

13/02/2018 08:40 GMT+7

Tuy nhiên, sự cải thiện này sẽ không thể làm giảm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lý do là trong khi thâm hụt thương mại Trung - Mỹ trong tháng 1.2018 giảm 14,5%, khoảng 3,7 tỉ USD, so với tháng 12.2017, nhưng khi so với cùng kỳ năm ngoái con số này lại tăng 2,3%, tương đương khoảng 500 triệu USD, South China Morning Post dẫn số liệu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố hôm 8.2 cho biết.
Hơn nữa, số liệu cũng cho thấy tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 1.2018 đã giảm tới 60% so với tháng trước đó.
Một năm sau khi Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng, thương mại song phương giữa Washington và Bắc Kinh vẫn là một mâu thuẫn lớn. Theo thông tin từ một số chuyên gia thương mại hàng đầu của Mỹ, nhiều khả năng chính quyền ông Trump sẽ sớm đưa ra các quyết định thương mại mang tính trừng phạt đối với Trung Quốc.
“Tổng thặng dư của Trung Quốc nhìn chung đã giảm, nhưng khoảng cách này với Mỹ khó có thể thu hẹp. Điều này cho thấy sự mất cân bằng thương mại với Mỹ là một vấn đề về cơ cấu và nó sẽ vẫn ở đó ngay cả khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà hồi phục”, Zhou Hao, chuyên gia kinh tế cao cấp của Commerzbank tại Singapore, nhận định.
Việc điều chỉnh cơ cấu đó và tìm kiếm các điểm đến thay thế cho hàng hóa sẽ mất nhiều thời gian của Trung Quốc, trong khi không rõ Mỹ có thể sẽ chờ đợi được trong bao lâu nữa. “Ông Trump gần đây đã thay đổi lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc”, ông Zhou nói.
Song, mặc dù việc đưa ra một số động thái “ồn ào” của chính quyền ông Trump khi cán cân thương mại Trung - Mỹ mất cân bằng là điều không thể tránh khỏi, nhưng cơ hội để cuộc chiến thương mại giữa hai nước thực sự bùng nổ là không nhiều.
“Các hành động và phản ứng qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tồn tại trong suốt một thập niên qua và tôi không thấy có dấu hiệu rõ ràng nào về một cuộc chiến thương mại sẽ xảy ra trong năm nay”, Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng của ANZ, cho biết.
Gần đây, Tổng thống Trump đã thực hiện một số bước đi cứng rắn hơn nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Cụ thể, tháng trước ông đã mạnh tay đánh thuế mới đối với các tấm pin năng lượng mặt trời và máy giặt nhập khẩu. Việc áp thuế lên đến 30% đối với các tấm pin năng lượng mặt trời được xem là một cú đánh đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Yeung điều này “trên thực tế lại thực sự có lợi cho Trung Quốc vì nó giúp giảm sự dư thừa trong ngành”. Ngoài ra, số lượng tấm pin năng lượng mặt trời xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 0,6% trong tổng lượng hàng xuất khẩu của Đại lục.
Được biết, hôm 4.2, Bắc Kinh đã đưa ra một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp nhằm vào lúa miến nhập khẩu từ Mỹ, một hành động được cho là động thái đáp trả của chính quyền quốc gia tỉ dân, gây tác động ngay lập tức lên nhu cầu của mặt hàng này.
Mỹ từ lâu đã cáo buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới về những hành vi thương mại không lành mạnh, nhưng Bắc Kinh nhấn mạnh thặng dư thương mại của Trung Quốc là kết quả thực của kinh tế và không hề có bất cứ âm mưu nào.
Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 1.2018 cho biết, thâm hụt thương mại giữa hai nước đã tăng lên mức kỷ lục 375 tỉ USD trong năm 2017, cao hơn so với mức 347 tỉ USD được ghi nhận một năm trước đó. Song, trong khi Bắc Kinh cũng đồng ý rằng thặng dư của họ với Mỹ trong năm qua đã lên mức cao mới, nhưng lại đưa ra con số thấp hơn rất nhiều, ở mức 275,8 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.