|
Một buổi sáng tháng 4.2013, theo xa lộ Hà Nội chúng tôi đến thăm Nghĩa trang Nhân dân Bình An. Ngã ba đường vào nghĩa trang mang tên: Thống Nhất - 30 Tháng 4 như gợi lên một bước ngoặt của lịch sử dân tộc. Nghĩa trang rộng khoảng 25 ha, ít người viếng nên càng trở nên mênh mông.
“Đoàn tụ”
Tại khu I, mộ phần trung sĩ Trần Văn Tám vừa được xây mới. Đây là khu đất dành cho những quân nhân tử trận năm 1970. Khi đó, chị Trần Hồng Nga (ngụ Q.4, TP.HCM) chỉ mới 3 tuổi. Hình ảnh về người cha đã mất của chị chỉ còn loáng thoáng trong ký ức; lúc đó chị còn quá nhỏ để hiểu hết nỗi đau mất cha.
Nghe mẹ kể lại, khi cha mất được vài ngày thì gia đình mới nhận được giấy báo tử. Rồi chiến tranh, loạn lạc, cả nhà chỉ còn biết cách lập bàn thờ, thắp nén nhang cúng giỗ ông hằng năm mà không ai biết được thân xác ông nằm đâu.
|
Cậu chị Nga, cũng là một quân nhân, khi tử trận thì được thông báo chôn cất tại nghĩa trang này. Hằng năm, thỉnh thoảng chị cùng gia đình người cậu vẫn lên đây tảo mộ. Một điều chị không ngờ đến đó là mộ phần của cha chị cũng đang nằm đây, cách ngôi mộ người cậu không xa.
Thời gian đằng đẵng trôi để rồi trước Tết Quý Tỵ 2013, một cách tình cờ, chị gặp ông Đỗ Ngọc Ẩn (hay còn gọi là chú Út, 73 tuổi), người coi sóc mộ phần trong nghĩa trang.
Chú Út từng là một người lính thuộc Tiểu đoàn 6, Thủy quân lục chiến (VNCH) đóng tại rừng Sác, Cần Giờ. Khi đất nước thống nhất, khoảng năm 1977-1978 về nhà không việc gì làm, chú Út “bén duyên” với nghĩa trang này. Ông dọn dẹp mộ phần, hương khói, rồi hướng dẫn thân nhân tìm kiếm. Công việc gắn với ông suốt từ đó đến nay.
|
Trong cuộc gặp gỡ tình cờ, chị Nga đã nói tên tuổi, năm mất của cha mình cho chú Út để ông tìm giúp. Thông thạo, quen thuộc đường đi nước bước tại đây, mỗi ngày chú Út ra dò tìm từng hàng mộ nhỏ để rồi trước Tết, ông có tin cho chị Nga. Sau bao năm, chị Nga cảm thấy an ủi phần nào khi làm tròn chữ hiếu. Hôm đó, cả nhà sau khi hỏi han kỹ ban quản trang về chuyện có giải tỏa, di dời gì hay không, đã quyết định lập mộ, dựng bia.
Hôm chúng tôi đến, vợ chồng chị Nga cùng hai đứa con gái đang đứng bên mộ phần khang trang của cha mình. Đó là ngày đầu tiên gia đình chị lên nhận bàn giao ngôi mộ mới. Tròn 43 năm ngày trung sĩ Trần Văn Tám tử trận, gia đình ông đã được “đoàn tụ”. Không chỉ thắp nhang cúng lễ cho cha, chị Nga còn phân công các con thắp nhang, đặt lễ vật lên những phần bia mộ không người viếng xung quanh.
“Nhiều người không biết đến nghĩa trang này đâu chú ơi. Ai cũng nghĩ đã bị giải tỏa hoặc chuyển đến nơi nào rồi. Gia đình tôi là số ít tìm được mộ người thân. Mọi chuyện đã qua rồi, tất cả đã nằm xuống, các chú có viết báo thì viết cụ thể rõ ràng để người thân họ biết mà tìm đến”, chị Nga nhắn nhủ.
Đã bớt hoang vắng
Hôm đó, ngoài gia đình chị Nga, người vui nhất có lẽ là chị Phan Kim Liên (51 tuổi, ngụ Q.4, TP.HCM). Là hàng xóm và nghe chị Nga chỉ dẫn, chị Liên cũng nhờ chú Út tìm mộ. Chính hôm đó, chú Út đã dẫn chị Liên đến đúng mộ phần của người anh hai tên Phan Văn Thành (tử trận ngày 24.4.1973).
Mộ phần ông Thành hoang tàn, tấm bia phai mờ theo thời gian, chỉ còn lại vài dòng tên tuổi, ngày tháng mất và tên thánh. So sánh từng cái đều trùng khớp, chị Liên rưng rưng gọi điện về báo tin cho gia đình.
|
Ở phía xa, một gia đình từ Nha Trang đang bốc mộ người thân đưa về quê. “Nhiều người ở Quảng Trị vào đây bốc mộ đem về quê. Ở xa quá, nếu không cải táng thì phải 10-15 năm họ mới có dịp vào đây thăm viếng cha chú họ”, chú Út kể.
Ngoài chị Liên, chị Nga cũng đã giới thiệu và giúp cho nhiều gia đình cùng xóm với mình biết đến nghĩa trang này và tìm được mộ phần người thân. Theo lời chú Út thì hơn 30 năm gắn bó ở đây, ông đã giúp cho hàng ngàn trường hợp tìm được mộ phần người thân.
Theo trí nhớ của chú Út, nghĩa trang được lập vào ngày 17.6.1968 khi mộ phần của một người lính vô danh ở Gò Vấp được chuyển về đây. Đến tháng 3.1975, những mộ phần cuối cùng được lập và tồn tại đến bây giờ. “Mộ nào xây trước đó thì còn có bia ghi tên họ rõ ràng, càng gần 1975 thì đa số được dựng vội, chỉ là một nấm đất lạnh lẽo”, chú Út cho biết.
Theo thống kê trước đây của chế độ VNCH thì toàn bộ nghĩa trang có khoảng 16.000 ngôi mộ, nhưng theo lời chú Út thì phải có đến khoảng 25.000 - 26.000 và trong đó số mộ vô chủ chiếm rất nhiều.
Tại đây, còn có khu mộ dành cho các tướng lĩnh của VNCH ngày trước, đa phần đều đã được bốc. Theo lời chú Út thì cách đây chừng 5-6 năm, vợ của Đại tướng VNCH Đỗ Cao Trí cũng đã tìm đến đây để bốc mộ của ông. Tại nơi đây, có một ngôi mộ được chỉnh trang, cải tạo tươm tất nhưng bia mộ đã không còn ghi cấp hàm trong quân đội VNCH của người chết.
Một gia đình đang tiến hành bốc mộ người thân về quê
Nghĩa trang Nhân dân Bình An từ mấy năm qua đã được giao cho
chính quyền địa phương quản lý
Trong ký ức của chú Út, trước đây khu này gần như bị bỏ hoang và rất ít bóng người. Khoảng 5-6 năm nay, nghĩa trang được xây lại, dựng tường bao bọc, trồng cây phủ bóng mát, tình hình an ninh trật tự ổn định và người thân của những người nằm xuống tại đây đã bắt đầu tìm đến. “Có nhiều người tìm đến cũng là mong mỏi lớn nhất của tôi”, chú Út nói.
Trời trưa, hửng nắng. Nghĩa trang như bớt âm u, hoang vắng khi có thêm nhiều toán thợ hồ vào để xây cất, làm mộ mới. Hàng ngàn ngôi mộ vô chủ không biết chừng nào sẽ có thân nhân tìm đến? Chúng tôi lại nhớ đến lời nhắn nhủ của chị Nga.
Kể từ sau ngày 30.4.1975, nghĩa trang quân đội Biên Hòa được giao cho Quân khu 7 thuộc Bộ Quốc phòng quản lý. Tháng 11.2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 1568/QĐ - TTg chuyển khu nghĩa trang sang sử dụng vào mục đích dân sự. Hiện nay nghĩa trang được đổi tên thành Nghĩa trang Nhân dân Bình An do Công ty Công trình công cộng thị xã Dĩ An quản lý (trực thuộc UBND thị xã Dĩ An). Quyết định "dân sự hóa" nghĩa trang quân đội Biên Hòa này khi đó được dư luận đánh giá như một bước đi đầy ý nghĩa của công cuộc hòa giải, hòa hợp dân tộc. Ở bài viết sắp tới, chúng tôi sẽ cung cấp câu trả lời rõ ràng: Có hay không việc giải tỏa một phần Nghĩa trang Nhân dân Bình An? |
Thành Trung
Ảnh: Độc Lập
Bình luận (0)