Nguy cơ lùm xùm tiền công đức
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, cho rằng đã có nhiều vụ lùm xùm liên quan tiền công đức của các chùa. Một nhà sư hoàn tục đòi mang 300 tỉ đồng về theo. Một nhà sư khi bị dân làng "đuổi" khỏi chùa làng, lại mang theo ô tô đứng tên mình mua bằng chính tiền công đức của làng, dẫn đến cơn thịnh nộ của người dân. "Tiền công đức thường được đóng góp với lòng tin và mục tiêu hỗ trợ công việc tôn giáo, tu bổ, phát huy giá trị của di tích. Việc sử dụng tiền này cho những mục đích cá nhân không phù hợp có thể gây ra sự không hài lòng và phản đối từ phía người dân là điều dễ hiểu. Hoặc trường hợp tiền bị sử dụng tu bổ sai, rồi phải đập đi làm lại cũng gây lãng phí nguồn lực", PGS-TS Sơn nói.
Tuy nhiên, hiện tại theo quy định pháp luật, việc quản lý dòng tiền công đức đang "kẹt". Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho biết hiện mới chỉ có Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.
Thông tư này cũng có yêu cầu mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Về tiếp nhận tiền mặt, thông tư yêu cầu cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung…
Mặc dù vậy, một chuyên gia tôn giáo cho rằng vấn đề nằm ở chỗ mỗi cơ sở tôn giáo không phải là một pháp nhân, việc "lẫn" giữa tiền của cơ sở và một cá nhân quản lý tại đó rất dễ xảy ra. Các vụ việc tiền cúng chùa, nhưng sư dùng mua ô tô lại mang tên sư là ví dụ dễ thấy nhất. Chưa kể, tại một di tích, cũng có trường hợp vừa có ban quản lý di tích (nhà nước) và nhà tu hành trụ trì. Khi đó, việc phân chia các khoản tiền do người dân cung tiến phức tạp một, việc kiểm đếm các khoản tiền người dân muốn tặng nhà tu hành hay ban quản lý lại phức tạp gấp đôi.
Hành lang pháp lý và minh bạch
Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng về lý thuyết pháp lý, việc minh bạch tài chính các khoản công đức là bắt buộc. "Tôi cúng là để xây dựng chùa, để vận hành chùa, chứ nếu anh đi kinh doanh, đi mua đất thì tôi đâu có đồng ý việc đó. Về lý thuyết pháp lý, anh đã huy động tiền của đại chúng thì phải minh bạch cho đại chúng. Việc minh bạch không chỉ chứng tỏ uy tín mà còn do phải chịu trách nhiệm với những người đã góp tiền cho anh. Ví dụ, tôi muốn góp cho một bảo tàng, tôi nói muốn bảo tàng dùng tiền đó để phát triển văn hóa Hà Nội, nhưng bảo tàng lại mang tiền đó đi phát triển văn hóa ở một tỉnh khác thì đương nhiên tôi không đồng ý. Còn nếu đã huy động tiền của công chúng thì phải công khai, một đồng cũng phải công khai", ông Đức cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Đức, ở VN các quy định liên quan quỹ ủy thác tín thác chưa đầy đủ. Nếu chúng ta có pháp luật về quỹ ủy thác nghiêm túc, thì kể cả chiếc xe đứng tên ai chăng nữa, khi người dân thấy nhà sư không sử dụng để phục vụ chùa mình, nhà sư cũng mất quyền sử dụng nó. "Đấy là khoảng trống pháp lý mà người trong ngành luật nhìn thấy từ lâu rồi", ông Đức nói.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, nên thiết lập thêm các quy định để điều chỉnh việc trao đổi và nhận tiền công đức. Những quy định này có thể do các tổ chức tôn giáo hoặc Chính phủ đề xuất và áp dụng. PGS-TS Sơn lấy ví dụ, một số quốc gia có thể quy định về việc đăng ký và quản lý các tổ chức tôn giáo, bao gồm cả việc giám sát các hoạt động tài chính của họ. Ở Mỹ, các tổ chức tôn giáo phải đăng ký với chính quyền liên bang và tuân thủ các quy định về thuế và luật pháp tài chính. Các tổ chức tôn giáo cũng cần tuân thủ quy tắc liên quan việc sử dụng tiền công đức và hoạt động từ thiện. Ở Anh, cơ quan từ thiện và cơ quan quản lý từ thiện có trách nhiệm giám sát các tổ chức tôn giáo từ thiện, đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý tài chính và hoạt động từ thiện của họ. Trung Quốc đã thiết lập quy định chặt chẽ về việc đăng ký và quản lý các tổ chức tôn giáo trong nước, cũng như giám sát tài chính của các tổ chức tôn giáo để đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật.
PGS-TS Sơn nói: "Như vậy, dù việc nhận tiền công đức thường là một công việc dân sự và mang tính cá nhân trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, nhưng trong một số tình huống cụ thể, chúng ta có thể xem xét thiết lập các quy định dưới luật để điều chỉnh hoạt động này, nhất là khi liên quan đến các hoạt động tài chính trong cộng đồng, của nhân dân".
Trước mắt, ông Sơn cho rằng các tổ chức tôn giáo nên đặt chuyện tiền công đức trong xu thế chung là những người làm thiện nguyện càng ngày càng ý thức hơn về việc tiền của mình được sử dụng ra sao. "Khi người tham gia và nhà hảo tâm biết chính xác tiền công đức của họ được sử dụng vào những hoạt động gì, họ sẽ cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong việc đóng góp và hỗ trợ các hoạt động từ thiện. Việc minh bạch cũng nâng cao hiệu quả sử dụng tiền công đức, phòng tránh các hành vi gian lận và lạm dụng tiền công đức", ông Sơn nói.
Bình luận (0)