Hắn hét lớn:
- Con mẹ mày đâu, bước ra đây tao bảo, mau ra đây!
Giọng hắn hườm hườm nơi cuống họng, tay hắn lăm lăm con dao thái rau. Hắn quét ánh nhìn khắp lượt, đôi mắt hằn lên những tia đỏ.
Vợ hắn nằm thin thít dưới gầm giường, nép sau mấy chiếc bao đựng áo quần cũ. Hắn đi tới đi lui tìm kiếm, mắt sục vào các góc tối, chân đạp túi bụi lũ chum vại nằm sát vách. Tìm chán, chửi chán, hắn lăn ra ngủ.
Hắn nằm lèo phèo nửa trên nửa dưới, mồm ngoác ra. Tiếng thở phò phò rồi êm dần. Vợ hắn sau một hồi không thấy động tĩnh, lồm cồm bò ra khỏi chỗ nấp. Thị bỏ chiếc dép còn lại ra, kéo ống quần rồi sửa hai chân hắn cho ngay ngắn, xong buông mùng. Rồi ngồi mãi nơi đuôi giường nhìn hắn, nước mắt trào ra ướt đầm khuôn mặt xương xẩu.
Hắn chả nghề ngỗng gì, bạ đâu làm đấy. Tiền kiếm được không đủ cho hắn nướng vào các cuộc nhậu. Vợ hắn, người thấp bé, khuôn mặt sạm nắng khắc khổ. Nói đáng tội, nhìn thị chẳng có chút hương sắc đàn bà, cứ trơ khốc, cằn cỗi. Ấy mà lạ, hắn mượn rượu để xả những cơn ghen vô cớ lên đầu thị.
Thị xuống đồng về muộn, hắn đạp từ ngoài ngõ mắc vào bờ rào, hỏi mày theo thằng nào không về cơm nước cho tao. Thị khóc lóc kể lể với hàng xóm thì y như rằng hôm ấy no đòn. Hắn lùng sục tất cả những nơi thị có thể trốn được, từ xó bếp đến chái củi.
Nhiều đêm mấy mẹ con đang say giấc thì hắn đạp cửa xông vào như tên cướp. Cả nhà được một phen náo loạn khi hắn châm lửa đốt nhà để tìm thị. Hắn lôi thị xềnh xệch lên giường trước tiếng khóc thất thanh của bọn trẻ.
Hắn quét mắt nhìn lũ con đang rú lên kinh hãi:
- Khôn hồn thì ngủ hết đi, đứa nào hó hé, tao g.i.ế.t!
Ban đầu hàng xóm còn qua can ngăn, nhưng cứ mỗi lần có ai lên tiếng, hắn lại mạnh tay mạnh chân. Riết rồi ai cũng ái ngại, xót xa nhìn những vết bầm thay nhau đổi màu trên da thịt thị.
Nhiều người xúi thị lên báo chính quyền. Được mấy hôm, đâu lại vào đấy. Hắn ra đòn hiểm hơn, lời lẽ cay nghiệt hơn, và tệ hơn, hắn thỏa mãn thú tính không dè dặt trước mặt bầy trẻ.
Thị đâm đơn li dị. Hắn quỳ lạy van xin, hắn khóc như mưa, hắn đưa bộ mặt tội nghiệp trước tòa. Thị lại thua hắn.
Thị sống như chết rồi, tuyệt vọng.
Đêm, tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng thạch sùng săn mồi, tiếng ngáy đều đều của gã chồng sau cơn nát rượu, thị đưa tay kéo lại chiếc áo vừa bị xé rách bươm. Chiếc áo mấy lần vá khéo vẫn không che được cái ê chề của phận đàn bà bị chà đạp.
Đã mấy lần thị cầm chai thuốc diệt cỏ trên tay, muốn giải thoát cho chính mình, kết thúc chuỗi đời đau khổ. Nhưng cứ mỗi lần dợm uống, hình ảnh các con lại hiện ra. Chúng có tội tình gì, chúng có muốn được sinh ra trong cái gia đình này đâu. Mà không có thị đời chúng sẽ ra sao, chúng sẽ sống thế nào. Nghĩ cảnh các con bơ vơ, thị không đành lòng.
Giống vừa xuống đồng hắn đã bán lúa non. Nhìn hắn khệ nệ bưng bát lòng xào với chai rượu trắng qua nhà hàng xóm, vẻ mặt vênh vênh ra dáng người có tiền, thị ức không chịu được.
Thằng Mỹ, con trai lớn của hắn, mười sáu tuổi đã phải theo người ta kiếm sống. Hắn bảo không tự nuôi sống được thì đừng về. Thị van xin thì bị hắn đạp cho mấy cái thừa sống thiếu chết. Thằng Mỹ uất ức, đỡ mẹ dậy mà hai đáy mắt như hai hòn lửa. Nhìn đôi tay nắm chặt lại của thằng bé, từng đường gân yếu ớt hằn lên làn da bủng beo, thị vuốt ngực con dỗ dành.
***
Thằng Mỹ đi được năm tháng thì về, người đen nhẻm góc cạnh. Trông nó đã ra dáng một cậu thanh niên. Thị hoảng kinh khi thấy con trai ngồi nhậu ngang hàng với chồng. Cứ cái đà rót rượu rồi tu ừng ực thế kia kiểu gì cũng có chuyện.
Y như rằng một lúc sau, có tiếng vỡ loảng xoảng. Tiếng ai đó rú lên kinh hãi, thằng Mỹ, tay lăm lăm con dao Thái cán vàng, mắt long lên sòng sọc. Đôi tay nó nổi những đường gân như rít. Bố nó cũng không vừa, một tay cầm chân ghế, tay kia ngoắc ngoắc nhử nó nhào vô. Thị lao vào ôm chầm lấy con:
- Mẹ cắn rơm cắn cỏ lạy con, mẹ van con, con thương mẹ, con để cho mẹ sống với.
Thằng Mỹ hất tung mẹ ra:
- Mẹ sống à, mẹ đang sống à! Có thật mẹ đang sống không?
Thị câm nín không nói được lời nào. Năm tháng qua, thị phải trốn chui trốn nhủi, lúc chuồng trâu, lúc chái bếp, lúc chuồng lợn, lúc ngoài bãi cát sau nhà, ngay khu nghĩa địa. Có đêm nào mẹ con thị được ngủ một giấc trọn vẹn đâu. Sau những cuộc rượt đuổi, sau những trận phá nhà đập đồ, rượu ngấm hẳn, bố nó lăn ra ngủ, lúc ấy mấy mẹ con mới lò dò về nhà, nép mình trong góc buồng mà chờ trời sáng.
Có đêm mưa lâm thâm rây rây, đám lân tinh ngoài khu nghĩa địa dọa bọn trẻ sợ chết khiếp. Muỗi đốt, côn trùng vo ve làm bạn. Lũ em nó mặt dại đi vì mệt và sợ.
Như hôm thị trốn sau chái chuồng lợn, hắn lại về với luận điệu cũ, tay lăm lăm chai rượu, hắn tu ừng ực, miệng gào lên liên hồi. Vung vẩy chán chẳng tìm thấy thị đâu, tiện tay, hắn ném chai rượu vào bóng đêm hằn học. Bốp! Tiếng vang chát chúa khiến thị điếng người bịt miệng. Xui cho thị, trán hứng trọn đít chai, máu mặn chát tanh nồng. Thị vơ vội chiếc áo lao động bẩn treo nơi chái chuồng lợn rịt vào vết thương, mắt hoa lên, mờ dần.
Thị bò được một đoạn thì nằm gục. Cũng may chó sủa inh ỏi kéo hàng xóm dậy và thị được cứu.
Thằng Mỹ được mọi người can ngăn, nó dịu xuống nhưng lòng đầy hậm hực. Nó ném con dao, giọng dọa nạt:
- Ông mà còn ăn hiếp mẹ thì tôi với ông một mất một còn!
Thằng Mỹ đi biệt tích, căn nhà toang hoác gió. Hai đứa em nó không kịp đợi tuổi, lần lượt rời nhà tìm đất sống. Còn lại hai vợ chồng đi ra đi vào đụng mặt. Hắn lại buồn tay buồn chân, lại muốn động đậy.
Có người mách nước, thị khăn gói ra phố làm ô sin cho nhà người ta. Lặng lẽ gói mấy chiếc áo còn lành lặn, chiếc khăn mặt đã sờn, giấy tờ tùy thân nhòe nhoẹt ố vàng. Thị chờ đêm trôi qua, như chờ một ngày mai tươi sáng, đằng đẵng, dằng dặc.
Thị nhìn hắn, như thể nhìn lần sau cuối. Mọi người từng khen thị may mắn, người bé hạt tiêu, nhỏ thó như cái kẹo lại vớ được anh chồng ngon!
Chắc người ta nhìn cái chênh lệch ngoại hình mà phán vậy.
Bình minh chưa kịp ló rạng, thị len lén mở cửa ra đi, bước chân không chạm đất. Lũ chó sân nhà hàng xóm im thin thít chẳng buồn sủa lấy một tiếng. Sau một đêm dài thức canh cửa chắc chúng đã mệt nhoài. Tự nhiên tủi thân, nước mắt thị lăn dài.
***
Lâu lắm rồi mấy mẹ con thị không về, căn nhà lạnh tanh chẳng buồn lên sợi khói. Cây dại ăn lấn cả vào mảnh sân, như nhà hoang. Chuồng lợn trống huơ, mấy thửa ruộng cỏ đan dày. Ở quê giờ chẳng còn ai, người trẻ lên phố tìm việc, người già chăm cháu cho các con đi làm ăn xa.
Mấy mẹ con vẫn cố giữ liên lạc, thi thoảng gặp nhau ở một quán ăn bình dân nào đấy vào dịp cuối tuần. Còn thì giỗ chạp mới về quê nhưng chưa khi nào đông đủ.
Những đồng lương ít ỏi thị vẫn cóp nhặt gửi về quê cho hắn. Các con biết được liền mắng, bảo gửi làm gì rồi cũng chỉ chìm trong các cuộc rượu, cứ mặc xác ông ấy.
Thị cười buồn tênh:
- Có nát rượu cũng cha chúng con, đừng hỗn mà bất hiếu. Ấy là tội lớn nhất trong các tội đấy biết không.
Thằng Thiêm cười hô hố:
- Nay mẹ nói chuyện văn vẻ thế!
Thằng Út đấm vào vai anh rồi háy mắt trêu mẹ:
- Lên phố có khác, sang hẳn ra. Chả bù cho bọn mình.
Nói rồi nó cười phớ lớ.
Thị bật cười trước lời trêu của con.
***
Mà thế thật, từ ngày lên ở cho nhà chủ, đêm đêm thị được nghe kinh Đại Bi, ngày ngày bên cạnh bà chủ mở máy nghe thuyết pháp. Được nghe những lời hay, ý đẹp, được sống trong một không gian văn minh, an lành, thị thấy lòng bình yên.
Chữ nó khiến con người ta khai thông trí huệ, bớt oán ghét giận hờn, thêm từ bi hỉ xả. Thị thấy cuộc đời mình là sự sắp đặt của số mệnh, và chồng thị, cũng chỉ là thứ nghiệp chướng tích tụ từ đời kiếp nào. Những tháng ngày một mình lầm lũi cô quạnh của hắn ở quê, không vợ con, không người thân cũng đã là bản án cho một đời người.
***
Hàng xóm điện thoại lên báo hắn ốm nặng. Hình như chưa bao giờ hắn ốm cả. Hắn từng tuyên bố, thằng này trời đánh không chết, mà thế thật. Hai lần sét đánh ngoài đồng hắn đều lồm cồm bò về, mình mẩy đen nhẻm. Mọi người hoảng kinh nhìn hắn thách thức với trời.
Thị cuống cuồng báo cho các con. Bọn chúng ừ ừ, thị càng rối. Xin chủ nghỉ được mấy hôm, thị lọc cọc ra bến xe.
Chiếc xe đò đòng đưa rời phố, thị nhấp nhỏm như ngồi chảo lửa. Thị thấy ghét cả việc xe dừng bắt khách dọc đường, dù điều đó thật vô lý. Rồi thị tự trấn an mình.
Nhớ ngày đầu rời quê, cũng trên chiếc xe này nhưng là một sớm dày sương, lòng mong tìm một cuộc sống an yên tránh những cú song cước ác hiểm của chồng.
Trên chuyến xe cuối ngày này, cảm xúc thị ngổn ngang khó tả. Dù gì, con có cha cũng nhà có nóc. Thị tự nhủ lòng rồi kéo vạt áo thấm hai giọt nước mắt vừa ứa ra.
Đâu hay phía sau, hai thằng con của thị cũng đang gò người sau chiếc ba lô trên chiếc xe máy cũ nhắm thẳng hướng quê.
Ngoài kia, phố nhập nhoạng những bóng người lướt qua kính xe, hối hả. Không biết có ai như thị, mong kịp tìm về để níu chút hoàng hôn cuối.
Bình luận (0)