Trưa 9.9, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND H.Tam Nông (Phú Thọ), cho biết ông đang ở hiện trường vụ sập cầu Phong Châu.
Theo ông Hùng, vụ sập cầu Phong Châu xảy ra khoảng hơn 10 giờ cùng ngày. Ở thời điểm sự cố xảy ra, cầu vẫn đang cho người và phương tiện lưu thông bình thường.
“Hiện địa phương đang phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức công tác tìm kiếm các nạn nhân. Do cầu bất ngờ bị cuốn trôi 1 nhịp nên chưa xác định được cụ thể số lượng các nạn nhân là bao nhiêu”, ông Hùng cho biết thêm.
Khoảnh khắc kinh hoàng sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ sau bão số 3 (Yagi)
Một nguồn tin khác của Thanh Niên cũng cho biết, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng nối liền H.Lâm Thao và H.Tam Nông (Phú Thọ) vừa bị sập. Do mực nước sông Hồng lên rất cao và chảy xiết khiến cầu Phong Châu bị sập. Thời điểm cầu sập, có nhiều phương tiện lưu thông.
"Hiện lực lượng chức năng đang trích xuất camera để xác định xem có nạn nhân không", nguồn tin cho hay.
Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết đã chỉ đạo lực lượng CSGT các tỉnh, thành: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và 3 đơn vị thuộc Cục CSGT gồm: Thủy đoàn 1; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát đường bộ, đường sắt; Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng chống tội phạm trên đường thủy nội địa phối hợp tham gia cứu hộ cứu nạn trong vụ cầu Phong Châu bị sập.
Sập cầu Phong Châu ngay trước mắt: Rợn người vì cách Thần Chết chỉ vài mét
Nạn nhân rơi xuống sông Hồng kể lại giây phút được cứu
Anh Bùi Quý Trọng (32 tuổi), người bị rơi xuống sông Hồng, vẫn còn sợ hãi khi kể lại khoảnh khắc cầu Phong Châu bị sập.
“Tôi đang đi trên cầu khoảng 5 m nữa đến đoạn cuối, bỗng thấy cầu rung nên khoảnh lại thì thấy cầu sập một đoạn. Lúc ấy, không biết bám víu vào đâu tôi và người bạn đi cùng xe máy rơi tự do xuống".
Anh Trọng may mắn rơi xuống ngay phần bê tông cầu, nên được mọi người ở trên bờ xuống kéo lên. Tuy nhiên, xe máy anh Trọng vẫn còn nằm dưới sông.
Vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến vụ sập cầu, chia sẻ với Thanh Niên ông Nguyễn Tuấn Hùng (49 tuổi) kể, trong lúc lái ô tô chở vợ đi qua cầu khoảng 10 giờ kém, hướng từ H.Lâm Thao sang H.Tam Nông đi làm, ông thấy nước sông dâng cao, chảy xiết.
"Lúc đó, tôi nói với vợ nhìn nước cuồn cuộn nhìn kinh thế. Vừa chạy qua cầu vài trăm mét, cầu sập. Lúc đó vợ chồng tôi toát mồ hôi lạnh. May mắn cho vợ chồng tôi thoát chết", ông Hùng kể.
Theo ông Hùng, thời điểm cầu bị sập, các vẫn di chuyển qua cầu bình thường. Sau đó, ông quay trở lại khu vực cầu. Người đàn ông kể rất nhiều người dân đã tập trung đông ở cầu chứng kiến vụ việc.
Trải qua vụ việc lần này, người đàn ông cho biết bản thân vô cùng may mắn vì nếu di chuyển vào đúng thời điểm cầu sập thì không biết chuyện gì xảy ra. Ông cũng hy vọng tai nạn sẽ không gây thiệt hại nào về người.
Sập cầu Phong Châu: Công an Phú Thọ phân luồng giao thông
Công an tỉnh Phú Thọ phân luồng giao thông
Do cầu Phong Châu bị sập, Công an tỉnh Phú Thọ thông báo người dân các tỉnh Hoà Bình, Sơn La; các huyện Thanh Thuỷ, Thanh Sơn, Tân Sơn qua H.Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì có thể lựa chọn các tuyến đường để di chuyển như sau:
Các phương tiện qua H.Tam Nông để đi Lâm Thao, Việt Trì di chuyển theo tuyến: QL32 (Tam Nông) → đi đường Hồ Chí Minh → qua cầu Ngọc Tháp hoặc qua QL2 → đi Lâm Thao, Việt Trì. Hoặc QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà → đi Hà Nội → đi cầu Văn Lang → đi Việt Trì, Lâm Thao.
Các phương tiện từ hướng Lâm Thao đi Tam Nông, theo chiều ngược lại.
Các phương tiện qua H.Tam Nông để đi Hà Nội, Vĩnh Phúc di chuyển theo tuyến: QL32 (Tam Nông) → đi cầu Trung Hà hoặc đi cầu Đồng Quang → đi Hà Nội, Vĩnh Phúc; hoặc đi theo tuyến QL2 và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Cầu Phong Châu là cây cầu bắc qua sông Hồng trên QL32C, nối liền 2 huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu có kết cấu bằng thép, dài gần 380 m, được khánh thành hồi tháng 7.1995.
Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.
Khoảnh khắc thót tim suýt chết vì sập cầu Phong Châu sau bão số 3 (Yagi)
Khoảnh khắc kinh hoàng sập cầu Phong Châu
Bình luận (0)