Hành trang các thầy cô mang theo chính là lòng yêu nghề và tình thương đối với học trò nghèo. Nụ cười lạc quan giữa khó khăn của các thầy cô đã được Thanh Niên thông tin. Câu chuyện về tình yêu nghề, yêu trò của các thầy cô trẻ cũng được họ chia sẻ thêm.
Mưa lớn dài ngày khiến nước suối dâng cao, nhiều giáo viên các cấp tại huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn vượt lũ để đến nơi công tác. Khó khăn, vất vả là thế nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu nghề, tận tụy với học trò của mình.
Lỡ thương nghề “gieo chữ”
Hình ảnh các thầy cô giáo vượt lũ đến trường đã nhận về “mưa tim” từ cộng đồng mạng. Chị Trần Thị Kiều Oanh (35 tuổi) là một trong những giáo viên có mặt trong hành trình đầy ý nghĩa đó. Hiện nay chị đang là giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Hướng Sơn, dạy lớp 1, 2 ở điểm Cát Trỉa.
[CLIP]: Khoảnh khắc vượt qua dòng nước xiết của các thầy cô.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, chị Oanh cho biết, chị công tác tại vùng sâu, vùng xa cũng đã được gần 10 năm. Do mưa lũ kéo dài, đường đến trường của các thầy cô giáo gặp rất nhiều khó khăn. Có những đoạn nước chảy siết, cả người và xe đều không thể đi qua được.
“Dù đói và mệt rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi tiếp, không thể dừng chân nghỉ do nước lên nhanh lắm. Lúc qua suối, vì người tôi nhỏ, nước lại chảy quá mạnh nên được đồng nghiệp cõng qua. Một số cô giáo khác đi cùng thì được người dân hỗ trợ”, chị Oanh kể lại.
Từ ngày gắn bó với các em học sinh ở đây, chị Oanh chưa từng nghĩ đến chuyện từ bỏ. Dù khó khăn nhưng bản thân chị cũng như các thầy cô khác đều “lỡ thương lấy cái nghề gieo chữ”. Học sinh chính là động lực của chị. Các em ở đây ngoan và thích đi học, có cái gì ngon cũng để dành cho thầy cô. Các bậc phụ huynh thì quan tâm, luôn sát cánh, đồng hành mọi lúc.
“Đã có lúc, tôi muốn về xuôi vì con cái còn nhỏ, chồng cũng hay đi làm xa. Để con ở nhà cho bà ngoại chăm, tôi cũng thương và xót lắm. Nhưng ở đây, tôi có một thứ tình cảm không thể nào dứt được, với nghề, với học trò...”, chị Oanh xúc động.
Cô giáo Kiều Oanh và đồng nghiệp phải dùng gậy chống vì đường quá trơn.
NVCC
Chị Võ Thị Duyên (35 tuổi, Quảng Trị) là bạn học cấp 3 của chị Oanh, cũng có chồng là giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa nên hiểu và khâm phục trước nỗ lực của các thầy cô giáo. Chị Duyên cho hay, chị Oanh là cô giáo nhỏ nhắn, dễ thương, ai cũng yêu quý.
Có lần, chị Duyên lên vùng cao thăm chồng mới biết trên đó không có điện, không có nhà vệ sinh, đường xá thì vô cùng nguy hiểm. “Thầy cô ở vùng cao rất tuyệt vời, phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ vĩ đại mới vượt qua được khó khăn. Thật thương và nể những người gieo chữ”, chị Duyên bộc bạch.
Cùng học sinh “vượt khó”
Vào mùa mưa lũ, con đường đến trường của các thầy cô lại càng trở nên khó khăn, nguy hiểm. Anh Hồ Văn Thành (43 tuổi), là thầy giáo đã cõng cô Oanh vượt qua cơn lũ chia sẻ anh đã có 18 năm công tác tại vùng sâu. Tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng anh luôn nghĩ đến học sinh, thấy thương các em ở miền núi. “Đây là nghề của chúng tôi, tôi luôn có ý thức trách nhiệm với nghề, với học trò của mình”, anh Thành nói.
Nhiều năm gắn bó với vùng núi Hướng Hóa, anh Thành luôn cố hết sức để mang con chữ đến với các em, khuyến khích các em đến trường, mong các em có tương lai tươi sáng.
Người đồng bào cũng hỗ trợ cho thầy cô nhiệt tình, dù không hề quen biết nhưng thấy nước chảy xiết cũng chạy đến cõng các cô giáo, hỗ trợ các thầy đẩy xe máy qua dòng nước lũ.
Thầy Nguyễn Đình Sâm - Hiệu trưởng trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hướng Sơn cho biết, những thầy cô giáo ở đây có lẽ đều đã “trơ” với khó khăn, vất vả. “Thầy cô luôn cố gắng, quyết tâm hơn nữa để vun trồng nên những bông hoa giữa mảnh đất khô cằn, tưởng chừng không thể”, thầy Sâm nói.
Thầy Sâm thông tin thêm, nhà trường luôn căn dặn quý thầy cô giáo dù tâm huyết, yêu nghề nhưng cũng cần đảm bảo an toàn. Nếu mưa to, nước lũ cao không đến trường được thì sẽ dạy bù cho học sinh vào buổi khác. Khi gặp khó khăn, thầy cô hãy thông báo cho nhà trường và chính quyền địa phương để được kịp thời hỗ trợ.
Bình luận (0)