Khốc liệt biến đổi khí hậu: Dữ dội biển phá bờ

24/04/2015 07:07 GMT+7

Tình trạng nước biển dâng liên tục phá nát bờ khiến nhiều địa phương ven biển Quảng Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Tình trạng nước biển dâng liên tục phá nát bờ khiến nhiều địa phương ven biển Quảng Nam phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề.

Bờ biển Núi Thành cũng đang sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa điểm Bờ biển Núi Thành cũng đang sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa điểm - Ảnh: Hoàng Sơn

Sạt lở ở Cửa Đại

Giữa tháng 4.2015, có mặt tại biển Cửa Đại (TP.Hội An), PV Thanh Niên được nhiều nhân viên tại một khu resort ven biển cho biết do ảnh hưởng của sóng lớn từ cuối năm 2014 bờ biển khu vực này đã bị sóng biển “nuốt chửng” hàng chục mét. Đặc biệt, chỉ trong hai ngày 7-8.10.2014, bờ biển Cửa Đại bị nước xâm thực đến 20m khiến nhiều khu resort tại đây như “ngồi trên đống lửa”, một số quầy bar đã đổ ụp xuống biển do sạt lở. Một ngư dân lắc đầu cho biết thêm, trong vòng 5 năm qua, diễn tiến sạt lở bờ biển Cửa Đại ngày càng trầm trọng và đã bị mất ít nhất 50m. Cuối tháng 3.2015, biển Cửa Đại tiếp tục bị sạt lở do ảnh hưởng của sóng biển xuất hiện cùng lúc với diễn tiến thời tiết bất thường. UBND TP.Hội An đã phải huy động hàng trăm dân quân khẩn trương kè chống xâm thực. Mỗi lần mưa to gió lớn, chỉ cần đứng 5 phút trước bờ biển này nhiều người sẽ không khỏi rùng mình khi chứng kiến cảnh nhiều đợt sóng cao “liếm” mạnh vào bờ. Đất cát cứ thế theo sóng nước sạt mạnh xuống biển gây nên độ chênh cao nhất khoảng 2m giữa bờ và mực nước biển.

Những năm gần đây, dưới tác động của BĐKH và những tác động của con người khiến bờ biển bị xói lở, bồi tụ ngày càng cực đoan hơn. Tình trạng bên lở, bên bồi diễn ra không tự nhiên như khoảng thời gian hàng chục năm về trước

TS.Lê Đình Mầu, Viện Hải dương học Nha Trang

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, hiện Cửa Đại đang bị cát bồi lấp đến 600m. Bờ biển Cửa Đại dài hơn 3km cũng đang bị sạt lở nặng nề khiến các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng bị uy hiếp, một số dự án xây dựng phải bỏ hoang. Tuyến đường Âu Cơ trước đây cách biển Cửa Đại hơn 200m nhưng nay chỉ cách biển khoảng 40m. Nhiều bãi tắm bị sóng cuốn mất, hàng loạt khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại bị uy hiếp. Theo TS.Lê Đình Mầu (Viện Hải dương học Nha Trang) những năm gần đây, dưới tác động của BĐKH và những tác động của con người khiến bờ biển bị xói lở, bồi tụ ngày càng cực đoan hơn. Tình trạng bên lở, bên bồi diễn ra không tự nhiên như khoảng thời gian hàng chục năm về trước. Một cảnh báo khác cũng khiến người dân địa phương giật mình về tình trạng BĐKH, đó là đến năm 2020, khu vực ven biển có địa hình thấp ở Hội An sẽ ngập sâu, toàn thành phố bị xâm thực hơn 27% diện tích. Tiếp đó, là các địa phương: Điện Bàn hơn 26%, Duy Xuyên gần 16 %, Núi Thành hơn 15%...

Thủy điện là thủ phạm chính?

Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân chính của tình trạng bờ biển Cửa Đại sạt lở mạnh và nhanh chóng là do thay đổi cán cân bùn cát trên sông Vu Gia - Thu Bồn. Theo đó, thủy điện được xây dựng dày đặc đầu nguồn 2 hệ thống sông này chính là thủ phạm gây ra việc suy giảm lượng bùn cát cung cấp về hạ lưu. Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo VN, trong khoảng 10 năm gần đây, các đập thủy lợi và thủy điện xây dựng trên thượng nguồn các con sông đổ ra khu vực bờ biển Hội An, đặc biệt là sông Thu Bồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát do sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển, hiện tượng xói lở đã và đang xảy ra dữ dội tại khu vực Hội An. Cũng theo PGS Vũ Thanh Ca, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, cho dù chịu tác động của BĐKH trong thời giản khoảng 20 năm vừa qua thì các điều kiện về sóng gió vùng biển Cửa Đại cũng không thay đổi đáng kể. Ngoài ra, mực nước biển dâng do BĐKH tại Cửa Đại cũng không quá lớn tới mức tạo ra thay đổi đột biến trong cán cân bùn cát. Do vậy nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Hội An chủ yếu là do thủy điện chặn dòng. “Nguồn chính cung cấp cát cho vùng bờ biển Hội An là hệ thống công Vu Gia - Thu Bồn… Trong 3 năm gần đây có sự gia tăng đột biến của các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Thu Bồn nên cũng gia tăng đột biến về lượng bùn cát bồi lắng trong hồ…”, PGS Ca phân tích thêm. GS.TS Hitoshi Tanaka, Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản) cũng cho rằng, nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng sạt lở hiện nay tại Cửa Đại là do sự suy giảm lượng bùn cát. Ông cũng giải thích tình trạng sạt lở là do việc xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện ở thượng lựu khiến bùn cát lắng đọng lại.

TS Lê Đình Mầu khi “chẩn bệnh” cho tình trạng sạt lở ở Cửa Đại còn lưu ý đến việc áp lực phát triển kinh tế lên dải ven biển ngày càng tăng như xây dựng các khu nghỉ dưỡng, hệ thống kè bảo vệ bờ biển… đã làm cường hóa quá trình xói lở bờ biển. Cụ thể, các công trình bảo vệ được thiết kế không dựa trên cơ sở khoa học tin cậy về điều kiện thủy thạch động lực…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.