Thị trường bán lẻ VN trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết khi hàng loạt thương hiệu nước ngoài và trong nước cùng xuất hiện.
VinMart được kỳ vọng trở thành đối trọng của các thương hiệu bán lẻ ngoại - Ảnh: Bạch Dương
|
350 cửa hàng tiện lợi ngoại tại VN
|
Có thể thấy, trung tâm Q.1 (TP.HCM) hiện đang tràn ngập các cửa hàng tiện lợi với tốc độ cực nhanh. Mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2008 trên đường Lê Thánh Tôn, đến nay Circle K (Mỹ) đã có tới 105 cửa hàng tại TP.HCM, trong đó riêng Q.1 có tới 46 cửa hàng. Khu vực phố Tây Phạm Ngũ Lão tập trung tới 15 cửa hàng, đặc biệt trên một con đường ngắn chừng 1 km là Bùi Viện có 5 cửa hàng.
Vào VN trước Circle K chừng 3 năm, đến nay hệ thống Shop & Go đã phủ kín TP.HCM và Hà Nội với 126 cửa hàng. Trong chiến lược phát triển của mình, thương hiệu bán lẻ của Singapore này còn tiếp tục mở rộng hệ thống trên phạm vi toàn quốc. Không chỉ bán những hàng hóa cần thiết lên tới 2.000 mặt hàng, Shop & Go còn bán cả thẻ cào điện thoại hoặc đặt máy rút tiền tự động của các ngân hàng nên rất được lòng khách hàng.
Năm 2011, một liên doanh giữa doanh nghiệp (DN) VN và Nhật Bản thành lập để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi tại VN có tên Family Mart. Hai năm sau, Family Mart đã có 42 cửa hàng ở TP.HCM. Tuy nhiên, giữa năm 2013, các cửa hàng Family Mart dần đổi thương hiệu thành B’s mart vì đã được bán lại cho ông chủ người Thái Lan. Kể từ khi sang tên cho doanh nghiệp Thái, B’s mart đã tăng lên tổng cộng 97 cửa hàng tại TP.HCM, phủ đều ở 19 quận huyện. Ngoài ra, C Express (một thương hiệu thuộc siêu thị Big C) cũng đã có chừng 10 cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Tính chung hiện nay đã có khoảng 350 cửa hàng tiện lợi của nước ngoài ở VN.
Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu VN rất ít ỏi. Nổi bật nhất cũng chỉ có hai thương hiệu đều của nhà nước là Co.op Food (Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Sài Gòn) và Satrafoods (Tổng công ty thương mại Sài Gòn), nhưng số lượng không nhiều và mới chỉ có ở TP.HCM. Cụ thể, Co.op Food hiện có 56 cửa hàng và Satrafoods có 45 cửa hàng. Một điều dễ dàng nhận thấy, các địa điểm mà hai hệ thống này đặt cửa hàng đều không mấy “tiện lợi” so với những thương hiệu nước ngoài.
Tại Hà Nội, đến nay chưa có nhiều thương hiệu cửa hàng tiện lợi nước ngoài xuất hiện, nhưng dự báo sắp tới sẽ có cuộc đổ bộ của những tên tuổi đã khẳng định vị trí ở TP.HCM. Các cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội hiện tại có hệ thống Hapro (Tổng công ty thương mại Hà Nội), tuy nhiên số lượng không nhiều với 20 cửa hàng Hapromart và 13 cửa hàng, quầy hàng Haprofood.
Kỳ vọng vào các nhà bán lẻ "tay ngang"
Thua trắng ở phân khúc cửa hàng tiện lợi, phân khúc siêu thị cũng lép vế khi hàng loạt các ông lớn nước ngoài như Big C, Lotte liên tục mở rộng. Trong năm 2014, thị trường có thêm nhiều thương hiệu bán lẻ ngoại lớn tham gia qua hình thức mở mới hoặc mua lại các thương hiệu trong nước. Đơn cử như sau khi khai trương hai trung tâm mua sắm lớn tại Hà Nội và TP.HCM trong năm 2014, đầu tháng 3.2015 tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan, Central Group - sở hữu chuỗi siêu thị Robinson Department Store, tuyên bố mua lại 49% cổ phần Trung tâm điện máy Nguyễn Kim của VN. DN này còn có hệ thống bán lẻ ở VN có tên Robins (hiện đã khai trương hai trung tâm tại TP.HCM và Hà Nội). Nhà bán lẻ đến từ xứ sở mặt trời mọc, Tập đoàn Aeon sau khi mở hai đại siêu thị lớn tại TP.HCM và Bình Dương năm 2014, đến cuối tháng 1.2015, theo tạp chí Japan Times đưa tin, đã quyết định đầu tư vốn vào hai chuỗi siêu thị bán lẻ lớn tại VN là Fivimart và Citimart. Theo đó, Aeon sẽ mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart. Hiện Fivimart đang có 20 siêu thị tại Hà Nội và Citimart có 27 siêu thị, chủ yếu tại TP.HCM. Còn chuỗi siêu thị đến từ Hàn Quốc Lotte Mart, cuối năm 2014 đã khai trương siêu thị thứ 10 tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Metro Cash & Carry hiện đã mở 19 siêu thị tại VN.
Có thể thấy, sức nóng của thị trường bán lẻ đang bị đẩy lên cực cao. Điều đáng nói là trong khi các DN chuyên bán lẻ trong nước có phần yếu thế thì sự tham gia của các DN “tay ngang” trong ngành bán lẻ nội địa lại đang tạo ra kỳ vọng có thể làm đối trọng với các DN nước ngoài. Đầu tiên là Vingroup. Sau một tháng khai trương siêu thị VinMart đầu tiên tại Q.Thủ Đức, Vincom Retail - đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ VinMart - tiếp tục khai trương siêu thị VinMart Đồng Khởi ngay tại Trung tâm thương mại Vincom (Q.1, TP.HCM). Sự xuất hiện của đại gia Vingroup trong thị trường bán lẻ được kỳ vọng sẽ tạo đối trọng với các thương hiệu nước ngoài trong thời gian tới.
Chưa hết, cũng trong tháng 3 này, loạt hơn 10 cửa hàng tiện tích mang thương hiệu VinMart+ cũng được Vincom Retail triển khai tại các khu vực dân cư trọng điểm của các quận: 1, 2, 4, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Thủ Đức, và H.Nhà Bè... Thông tin từ Vincom Retail cho thấy, ngoài chuỗi VinMart (bao gồm các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi), DN này có tham vọng triển khai hai thương hiệu bán lẻ điện tử (VinPro) và trung tâm thương mại tổng hợp (VinDS) cũng trong năm nay.
Bên cạnh VinMart, sắp tới thị trường bán lẻ TP.HCM chào đón sự xuất hiện của một DN nội khác cũng từng thành công trong lĩnh vực bất động sản là Tập đoàn SSG. SSG quen thuộc với các dự án căn hộ, biệt thự lớn như Saigon Pearl, Thảo Điền Pearl. Mới đây, SSG công bố chính thức gia nhập thị trường bán lẻ sôi động của VN bằng việc sẽ đưa vào hoạt động dự án Trung tâm thương mại Pearl Plaza với tổng diện tích sàn lên đến gần 27.000 m2, nằm trong khu phức hợp Pearl Plaza (Q.Bình Thạnh) vào tháng 8 tới.
Theo cam kết khi gia nhập WTO, từ ngày 1.1.2015, VN sẽ chính thức cho phép các công ty bán lẻ có 100% vốn nước ngoài hoạt động kinh doanh tại VN. Vì vậy có thể nói, đây là giai đoạn nóng nhất của thị trường có trị giá hàng tỉ USD này.
Bình luận (0)