Hồ sơ lưu trữ cho thấy hiện có 9 văn bản có thể coi là chiếu, chiếu lệnh và chỉ dụ của vua Duy Tân, trong số đó có 2 bức chiếu đặc biệt quan trọng: Bức chiếu ngày 5.5.1915 do vua Duy Tân trực tiếp viết và bức chiếu kêu gọi khởi nghĩa, đề ngày 29.4.1916 do Trần Cao Vân khởi thảo, nhiều người bổ chú và vua Duy Tân duyệt lãm, ký ban hành.
Về bức chiếu thứ nhất, từng được đề cập qua tài liệu L'Agitation antifrançaise dans les pays Annamites de 1905 à 1918 song ít ai có dịp tiếp cận trực tiếp nó. Di cảo của vua Duy Tân trong cuộc khởi nghĩa tháng 5.1916 còn lại không nhiều, việc phát hiện bức chiếu ngày 5.5.1915 này là một đóng góp quan trọng và độc đáo. Bản gốc bức chiếu được viết bằng mực đỏ, do chính tay vua Duy Tân viết, rồi sao ra đem ra Cửa Tùng, cột vào chân chim để thả bay đi.
Về bức chiếu này, theo lời khai của Tôn Thất Đề: "Một hôm, Đức vua trao cho chúng tôi một phong bì có đóng dấu ấn Hoàng gia, trong có tờ giấy trắng để mang theo mình. Tôi đã chôn nó ở Hoàng cung".
Chiếu viết: "Hỡi các thần dân can trường bất khuất của Vương quốc. Tất cả các ngươi đều là những thần dân dũng cảm, giàu lòng ái quốc, sục sôi bầu nhiệt huyết cao quý. Nếu các ngươi muốn thấy gia đình, dòng tộc được bền vững dài lâu và còn muốn bảo vệ Đức vua của nước Đại Nam, các ngươi hãy cùng tụ hội về lãnh địa làng Văn Xá, phủ Thừa Thiên. Đó là nơi vốn có một ngọn núi nhỏ. Trẫm chỉ định các thần dân dưới đây được lãnh trọng trách làm tướng: Một người là ông Nguyễn Đức Công ở tỉnh Hà Tĩnh. Một người là ông Bùi Lễ (*) ở tỉnh Quảng Nam. Một người là ông Trần Phu ở tỉnh Hà Tĩnh. Một người là ông Vũ Đình Xán ở tỉnh Nghệ An. Trẫm phong cho ông Nguyễn Đức Công làm Tả quân chính đạo, thống lãnh toàn thể các đạo quân; phong các ông Lễ, Phu, Xán làm Thủ toán, chỉ huy các đạo quân". Theo Khâm sứ Trung kỳ thì: "Bức chiếu kêu gọi những người yêu nước tham gia cuộc chiến đấu chống lại ách đô hộ của Pháp, phong một số nhân vật làm tướng, để chỉ huy các cuộc chiến đấu ở khắp miền và một số tỉnh" và "Vào tháng 8 năm 1915, trong khi đi nghỉ mát ở Cửa Tùng, vua Duy Tân đã cho cột bản chiếu chỉ vào chân một số chim để thả bay đi…".
Về chiếu kêu gọi khởi nghĩa, đề ngày 29.4.1916, Trần Cao Vân cho biết chính vua Duy Tân đề nghị ông và Thái Phiên dự thảo bức chiếu này: "Ông Thị vệ Đề bảo chúng tôi hãy tự thảo chiếu chỉ để trình Hoàng thượng duyệt".
Sau khi Trần Cao Vân soạn xong thì "Ông Thị vệ mang bản gốc của chiếu chỉ này về trình bày cho vua Duy Tân, sau đó trở lại nói thêm, trong này chưa thấy ghi nhiệm vụ của những người chỉ huy". Bản chiếu chỉ được đóng dấu Văn lý mật sát và ấn Ngự tiền chi bửu.
Nội dung bức chiếu có những đoạn thể hiện tấm lòng yêu nước của nhà vua, mục tiêu, tôn chỉ của cuộc khởi nghĩa: "Từ tuổi nhỏ ngồi lên ngai vua đến nay, Trẫm tính đã có mười năm trị vì. Nhìn cảnh đất nước Trẫm thật xiết bao đau buồn, tình thế của vương triều càng đem lại cho Trẫm nỗi thống khổ khôn xiết. Tấm lòng của Trẫm ưu sầu vì nhân dân đã trải qua thử thách nặng nề thời gian qua và hai vị vua đã không trở về. Mong muốn phục quốc gia luôn cháy sáng trong tâm can Trẫm, là nỗi trăn trở ngày đêm đối với Trẫm nhưng Trẫm vẫn chưa tìm thấy một con đường giải quyết thuận lợi. Ý Trời cũng vừa tỏ ra thuận theo mong muốn của Trẫm, đã cổ xúy tất cả những người cùng chung nguyện vọng, vào đúng lúc thời cơ tốt đang đến".
Cùng với bức chiếu trên, lực lượng khởi nghĩa cũng ban hành bản Tuyên ngôn kêu gọi toàn dân tham gia khởi nghĩa mà người chấp bút là Võ Hàng, được Lê Ngung và các đồng chí tại Quảng Ngãi góp ý, rồi chuyển ra Đà Nẵng để Thái Phiên, Trần Cao Vân xem lại và Mai Dị là người chỉnh lý cuối cùng.
Tuyên ngôn có những lời lẽ rất đanh thép: "Bọn bảo hộ người Pháp rất ngang ngược, bề ngoài thì họ giả dạng người bảo hộ, nhưng bên trong là nọc rắn độc, lòng lang dạ sói. Chúng có đầy tham vọng độc ác, xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ nước ta, đối xử tàn bạo với nhân dân ta, áp đặt đủ loại thuế khóa để chiếm đoạt hết tài nguyên, của cải của dân ta. Chúng dung thứ bọn quan lại tham nhũng nên công sở đã biến thành nơi mua quan bán chức. Chúng sử dụng những kẻ ngu dốt và dễ bảo để gây nên đố kỵ, hòng dễ bề sai khiến. Chúng không khai sáng trí óc người bản xứ, mà giấu kín văn chương và khoa học của nước Pháp văn minh. Tự do ngôn luận và tính cộng đồng bị cấm đoán. Đặc biệt, chúng khinh rẻ Hoàng gia, bạc đãi những người trung thành với Nhà vua. Thượng hoàng bị truất ngôi mà không hề có lỗi. Mộ của vua Tự Đức bị đào xới mà không lý do. Việc đày đọa những người tù ở Côn Đảo chẳng khác nào tội ác "phần thư khanh nho" của Tần Thủy Hoàng ở nước Trung Hoa thời cổ. Những ngược đãi ở nhà tù Lao Bảo có khác nào ở nhà ngục Bastille nước Pháp mới đây"…
Các bức chiếu trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân và bản Tuyên ngôn là những văn kiện quan trọng, thể hiện đầy đủ tinh thần, trí tuệ, lòng nhiệt huyết, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm của vua Duy Tân và những người trong cuộc.
(còn tiếp)
(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)
(*) Chúng tôi vẫn chưa thể tra tìm được tiểu sử người này.
Bình luận (0)