Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Giờ G của cuộc khởi nghĩa

16/03/2023 07:43 GMT+7

Trong nhiều công trình trước đây, khi đề cập đến cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân đều cho rằng cuộc khởi nghĩa này chưa được chuẩn bị chu đáo, cập rập trong hành động, thời điểm nổ ra không phù hợp, giờ G khởi sự không thống nhất...dẫn đến phong trào sớm bị thực dân Pháp phát hiện và đàn áp. Vậy hồ sơ mật thám Pháp nói gì?

Lực lượng khởi nghĩa cho rằng chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nổ ra là cơ hội để phục quốc, khi nước Pháp bị cuốn vào cuộc đại chiến, Đức tấn công xâm chiếm Pháp, nhân dân Đông Dương ngày càng căm phẫn chính sách bóc lột nhân tài, vật lực phục vụ cho "chính quốc"… song hơn hết là khát vọng cháy bỏng về khôi phục độc lập dân tộc của vua Duy Tân và những người đồng chí, điều này tác động mạnh đến thời điểm của cuộc khởi nghĩa.

Càng lớn lên, vua Duy Tân càng cảm nhận thân phận một vị vua không quyền hành của một dân tộc bị nô lệ, ngài luôn mong vua cha Thành Thái quay về trị vì như nhận định của người Pháp "ý tưởng của ông ta là mong muốn đưa vua cha trở lại lên ngôi" và đây là "những tính cách xấu đáng tiếc".

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Giờ G của cuộc khởi nghĩa - Ảnh 1.

Vua Duy Tân lên ngôi

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Vua Duy Tân tuyên bố: "Từ lâu, tôi có ý định đưa yêu sách lên nhà nước Pháp, nhưng tôi tin rằng nếu tôi nói với các vị Thượng thư của tôi thì kế hoạch của tôi sẽ không thực hiện được. Vì vậy, tôi muốn tạo ra tình trạng hỗn loạn và gây ra cuộc nổi dậy trong nước, để buộc nước Pháp phải mang lại hòa bình và quan tâm các yêu sách của tôi. Đây không phải quyền lợi cá nhân xui khiến, vì điều đầu tiên của yêu sách là mong cho người cha của tôi trở lại ngai vàng!".

Chính tâm trạng đó của ông nên trong quá trình chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, Thái Phiên và Trần Cao Vân luôn bị ông thúc ép khởi nghĩa sớm, nếu không ông sẽ bỏ cuộc!

Có hai sự kiện tác động trực tiếp đến cuộc khởi nghĩa: Ngày 16.8.1915, khi vua Duy Tân đang đi nghỉ mát ở Cửa Tùng thì người Pháp cho đào mộ vua Tự Đức để tìm châu báu, khi biết việc này ông cực kỳ phẫn nộ và không ngừng mắng nhiếc các Thượng thư. Tiếp đó, ngày 7.10.1915, người Pháp tự ý đào kho báu thứ hai trong Đại Nội, lúc nhà vua đang có mặt tại đây.

Khi Khâm sứ Trung Kỳ đến để cùng các vị trong Phủ Phụ chính bàn việc khai quật, vua Duy Tân tức giận nói: "Xin lỗi Ngài, theo tôi là không nên khai quật kho báu, bởi vì tôi cũng như chính phủ An Nam không cần tiền, tôi thấy tốt nhất là để nguyên nó tại chỗ!". Sau đó, vua Duy Tân còn đòi xem xét việc thực hiện Hiệp ước Giáp Thân 1884 ký với Pháp, người Pháp xem đây là vấn đề "rất nghiêm trọng" song nhà vua kiên quyết: "Khi tôi quyết định một điều gì tôi sẽ không nương tay. Tôi biết quyền của tôi và những việc tôi phải làm!".

Cũng chính vì nôn nóng đánh đổ thực dân Pháp nên ngay trong lần gặp đầu tiên, vua Duy Tân đã hỏi: "Vậy bao giờ các khanh sẽ khởi sự, để khỏi bỏ lỡ mất cơ hội thuận lợi như hiện nay?". Họ đã trả lời: "Nếu bệ hạ muốn vậy, chúng thần sẽ cố gắng hết sức để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa, nhưng chúng thần nghĩ phải hoãn lại đến tháng tư hoặc tháng năm âm lịch để mọi việc được sẵn sàng".

Đức vua giục: "Phải gấp lên!". Lần khác, khi bàn chuyện khởi nghĩa vua Duy Tân lại ra tối hậu thư cho Thái Phiên phải khởi sự ngay, "nếu không Trẫm sẽ phải đi", đây cũng là một trong những lý do mà Thái Phiên và Trần Cao Vân buộc phải quyết định phát động cuộc khởi nghĩa sớm hơn so với dự định, dù thực lực chưa như mong muốn.

Một nguyên nhân cho cuộc khởi nghĩa diễn ra sớm là số lính tập đang ở tại Đà Nẵng, Huế sắp bị đưa sang Pháp mà lực lượng khởi nghĩa muốn tranh thủ lực lượng này, khi "Sáu Cụt còn cho biết số lính chiến chắc là sắp bị đưa sang Pháp nay mai", trong khi vua Duy Tân quyết "ngăn cản không cho lính bản xứ sang Pháp để đánh lại quân thù, vì lợi ích chung".

Đến những ngày cuối cùng để khởi sự, khi Thái Phiên, Trần Cao Vân dự tính vào ngày 8.5.1916, thì vua Duy Tân không đồng ý và "phải bắt đầu vào đêm ngày 3 tháng 4, bởi đây là lúc thích hợp nhất, nếu họ không tuân lệnh thì Trẫm sẽ không xuất cung!".

Sau đó, "Trần Cao Vân trình bày với vua ngày tấn công sẽ vào đêm 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5 nhưng chuẩn bị không kịp nên nhà vua quyết định vào đêm 7 rạng ngày 8 tháng 5!". Tuy nhiên, vào ngày 2 tháng 5 khi biết tin ở Quảng Ngãi đã bị lộ, Thái Phiên đi ngay ra Huế, "xin ý kiến nhà vua giữ ngày hành động như chiếu chỉ đã ban, tức là vào đêm 3 rạng sáng ngày 4 tháng 5".

Về giờ G, nhiều tài liệu cho rằng Trần Cao Vân đã làm một bài thơ vịnh về xe lửa Huế - Hàn trong đó có câu "Phút thâu muôn dặm một giờ trưa" để ám chỉ thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa sẽ là "giờ ngọ, ngày ngọ, tháng ngọ" năm 1916! Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu lưu trữ có thể xác quyết rằng, giờ G của cuộc khởi nghĩa diễn ra vào lúc 1 giờ 30 phút, ngày 3.5.1916. Một báo cáo của mật thám Pháp cho biết: "Phiên nói, tín hiệu cho cuộc nổi dậy đêm nay sẽ được phát ra vào lúc 1 giờ 30 cho đến 2 giờ sáng ở Huế cũng như ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi".

Như vậy, việc chọn thời điểm khởi sự và giờ G của cuộc khởi nghĩa có sự tác động từ phía vua Duy Tân. Chính Trần Cao Vân cũng thừa nhận rằng, chọn thời điểm trên là "chưa cân nhắc đầy đủ tương quan lực lượng giữa ta và địch", Thái Phiên thì cho rằng "thời gian quá eo hẹp". Dĩ nhiên, khó có chuyện cuộc khởi nghĩa diễn ra đúng "một giờ trưa", nếu không muốn chuốc lấy thất bại ngay lập tức! (còn tiếp) 

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.