Những câu chuyện về Kỳ Ngoại hầu Cường Để và vua Duy Tân: Tư liệu quý lộ diện

08/11/2021 06:48 GMT+7

Mới đây, người viết may mắn có được tờ báo Pháp Combat (Chiến đấu) số ra ngày 16.7.1947, có một bài viết đề cập đến bản tuyên bố của cựu hoàng Duy Tân .

Đây là một tư liệu quý lần đầu lộ diện, rất cần thiết cho người đọc yêu lịch sử và các nhà nghiên cứu. Bài báo có nhan đề Bản tuyên bố chính trị của cựu hoàng Việt Nam Duy Tân.

Ở bài trước, chúng ta biết rằng vào ngày 29.8.1945, cựu hoàng Duy Tân có phổ biến một tuyên bố chính trị quan trọng đề cập nhiều vấn đề liên quan đến mối quan hệ Việt - Pháp trong tình hình mới, khi cuộc thế chiến II đã kết thúc. Ngay phần đầu văn kiện này, cựu hoàng Duy Tân xác định rõ lập trường của mình: “Tôi nghĩ rằng tương lai của Việt Nam, dù là tương lai trước mắt, phải được đặt trên cơ sở tình hữu nghị và quyền lợi chung, chứ không phải trên ý tưởng thống trị…”.

Cựu hoàng Duy Tân trong quân phục và cấp bậc thiếu tá

TƯ LIỆU CỦA LÊ NGUYỄN

Tiếp sau đó, cựu hoàng đặt ra cho nước Pháp một yêu cầu thẳng thắn về sự cần phải loại bỏ ý tưởng “chia để trị” để chứng tỏ thiện chí đối với nhân dân Việt Nam. Đây là một trong những vấn đề thời sự nổi bật khi vào thời điểm này, chính quyền Pháp đang chuẩn bị cho sự ra đời của một thực thể chính trị gọi là chính thể Cộng hòa tự trị Nam kỳ; và cựu hoàng, thiếu tá thuộc lực lượng nước Pháp tự do, cực lực phản đối việc làm này. Trong bản tuyên bố, ông viết: “Tôi nghĩ rằng nước Pháp cần phải đưa ra chứng cứ về ý muốn thật sự nhằm giúp đỡ người Việt Nam trong sự phát triển, và như vậy sẽ đạt được sự tin cậy và gắn bó của họ. Chứng cứ ấy là sự triệt tiêu rào cản chia cách Bắc - Trung và Nam kỳ. Dân ba miền kết hợp với nhau, có một lý tưởng chung, gắn bó với lý tưởng đó, và để thực hiện lý tưởng, họ sẽ hợp tác toàn diện với Pháp, là nước có thể đảm bảo sử dụng quân đội để bảo vệ một nền kinh tế quốc gia hình thành nhờ vào sự hỗ trợ về vốn liếng và thiết bị của Pháp”.

Tư tưởng lớn của cựu hoàng

Với quan niệm cho rằng chế độ bảo hộ đang áp dụng cho Cambodge ((Campuchia)) là chế độ tốt nhất, cựu hoàng vạch ra một thể chế chính trị theo ông là phù hợp cho Việt Nam: “… kết hợp Trung và Bắc kỳ dưới hình thức một sự phục tùng duy nhất, trao cho cơ cấu trung ương quyền tự chủ toàn diện về kinh tế và nội trị, trong lúc vẫn dành cho quân đội và ngành ngoại giao Pháp sự bảo vệ và mối quan hệ với các quốc gia ngoài nước Pháp. Điều này sẽ diễn ra trong một thời kỳ mà sự kéo dài bao lâu sẽ được xác định tại Paris bởi thỏa hiệp giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp. Về phương diện kinh tế là sự miễn trừ thuế quan giữa nước Pháp và Đông Dương; lắp đặt ngay các nhà máy để khai thác những nguyên liệu phổ biến nhất ở Đông Dương…”.

Cuối cùng, ông tóm lược chủ trương chung của mình như sau:

“Tóm lại, tôi nhắm đến Liên bang Đông Dương như sự kết hợp giữa một quốc gia Việt Nam tự trị với hai nước bảo hộ (ám chỉ Lào và Campuchia - Lê Nguyễn), tất cả đặt dưới quyền hành trực tiếp của một toàn quyền sẽ mang danh xưng là cao ủy của nước Cộng hòa Pháp. Viên cao ủy này sẽ có những quyết định dựa theo các nghị quyết của một hội đồng bao gồm đại diện của ba nước, về những vấn đề liên quan đến quyền lợi chung của Liên bang Đông Dương. Hiển nhiên là thể thức áp dụng hệ thống này phải là đối tượng của một cuộc nghiên cứu sâu xa được thực hiện trước khi có sự giải phóng lãnh thổ, để không bị buộc phải tuân theo những sự ngẫu hứng gây ra hậu quả tai hại”.

Báo Combat trích bản tuyên bố của cựu hoàng Duy Tân

Như vậy, có thể thấy qua bản tuyên bố này, chủ trương của cựu hoàng Duy Tân vẫn là một Liên bang Đông Dương, song nét mới mẻ ở đây là các nước trong liên bang có sự tự trị rộng rãi về kinh tế và nội trị, giao cho chính quốc (Pháp) đảm trách hai lĩnh vực quốc phòng và ngoại giao.

Phần cuối tuyên bố của cựu hoàng như những di ngôn dành cho người ở lại: “Người Pháp cần phải biết rằng, với tư cách cá nhân, tôi sẵn sàng hy sinh vì họ, và rằng trong mọi hoàn cảnh, tôi sẽ hành động vì sự tốt đẹp của dân tộc tôi, cũng như vì sự tốt đẹp của nước Pháp, vì thế, tôi muốn rằng khi tôi chết đi, người ta có thể ghi trên phần mộ của tôi cái câu đã được ghi bên dưới pho tượng của tướng Foch (*) tại London, chỉ cần thay đổi cái tên: “Tôi ý thức được rằng phụng sự cho nước Pháp cũng là phụng sự cho chính đất nước của tôi”. (Lê Nguyễn trích dịch từ tư liệu riêng, báo Combat số ra ngày 16.7.1947). (còn tiếp)

(*) Ferdinand Foch, tướng lãnh, người hùng của nước Pháp trong Thế chiến thứ nhất (1914 - 1918).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.