Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Tài chính cho cuộc khởi nghĩa

19/03/2023 07:37 GMT+7

Lâu nay, các nhà nghiên cứu ít chú ý đến vấn đề kinh tài của cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân năm 1916. Sẽ là bất khả thi nếu không có đủ nguồn lực cần thiết để chi dùng trong một thời gian ngắn nhằm quy tụ lực lượng, mua sắm và rèn đúc vũ khí, may quân trang, chi phí đi lại... cho cả cuộc khởi nghĩa.

Quy mô, mức độ của cuộc khởi nghĩa trải dài qua nhiều tỉnh, thành, phủ, huyện, xã với nhiều thành phần xã hội tham gia, nhu cầu chi dùng với nhiều hạng mục khá lớn vậy tiền ở đâu ra?

Tài liệu lưu trữ cho thấy, ngoài tiền vua Duy Tân góp và chi cho những người thân tín, số tiền còn lại đều do Thái Phiên tài trợ. Chúng ta chưa biết được Thái Phiên đã chi tổng cộng bao nhiêu cho cuộc khởi nghĩa này song chắc chắn số tiền đó là không nhỏ. Theo báo Nông Cổ Mín Đàm, số 101, ngày 8.6.1916, tường thuật vụ thực dân Pháp tử hình ông, có đoạn: "Thái Phiên nguyên là kẻ bao tiền, nó làm đô đốc binh ngụy, lãnh việc Sở Tạo tác, trong sở đó đều tin cậy nó, giỏi dắn trong việc trù nghĩ".

Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ: Tài chính cho cuộc khởi nghĩa  - Ảnh 1.

Mộ chí sĩ Thái Phiên tại Huế

TƯ LIỆU CỦA LƯU ANH RÔ

Để có nguồn tài chính, lực lượng khởi nghĩa đã thành lập các "hội buôn" ở khắp các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên (một hình thức từng có từ phong trào Duy Tân trước đó ở khắp Trung kỳ). Một chi tiết thú vị là, ở vùng ven kinh thành Huế, đã xuất hiện "hội buôn" "Quế viên thương mãi Hội" tại làng Thanh Lam, đứng đầu là ông Nguyễn Thượng Trung, cựu tá lý Bộ Binh đã về hưu (song thực chất đứng đằng sau của Hội này chính là Nguyễn Quang Siêu).

Khi phát hiện các tổ chức này, Khâm sứ Trigon rất bất ngờ và đề nghị "chuyển cho tôi tất cả các tin tức liên quan đến vấn đề này" và Nguyễn Quang Siêu cũng cho biết tổ chức Việt Nam Quang Phục hội ở Nam kỳ và Bắc kỳ "sẵn sàng hỗ trợ tiền bạc bao nhiêu tùy ý".

Hoạt động của ông diễn ra âm thầm, lặng lẽ, cho đến khi ông hy sinh, người ta mới biết đến số tài sản của ông chi cho cuộc khởi nghĩa cũng như tài sản còn lại bị thực dân Pháp "tịch thu sung công quỹ". Từ năm 1904, Thái Phiên làm thông dịch viên cho nhà thầu khoán Leroy ở Đà Nẵng, lúc này Leroy đang thi công một gói thầu ở chân núi Ngũ Hành Sơn, cung đường sắt từ cảng Tiên Sa đi Hội An.

Từ năm 1910 trở đi, Thái Phiên trở thành nhà thầu khoán, ông trúng thầu nhiều công trình quan trọng. Thời điểm sắp diễn ra cuộc khởi nghĩa, Thái Phiên trúng thầu và đang thi công nhiều công trình tại Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Theo lời ông khai "Tôi tiến hành việc rải sỏi một đoạn đường mà tôi đã trúng thầu" đường cái quan đi qua Quảng Ngãi; thi công các đập tại Thuận An và Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên)…

Với số tiền tích cóp được qua nhiều năm, khi khởi sự đại cuộc, Thái Phiên đã đem ra chi dùng cho nhiều hạng mục khác nhau như: "Việc mộ binh phải đạt cho được từ 500 đến 600 người. Chi phí cho việc tuyển mộ do Trần Cao Vân và Thái Phiên chi trả, với yêu cầu có chữ ký của người nhận tiền. Tôi thường thấy Trần Cao Vân phái Thừa Phong, người làng La Bông đi lấy chữ ký ở Bình Định và Phú Yên" (lời khai của Phan Thành Tài). Riêng việc chiêu mộ tại Hòa Vang do đích thân Thái Phiên thực hiện, ông đã chi tiền rất nhiều tại Quảng Nam và Đà Nẵng để may áo quần, rèn giáo, mác, mã tấu; việc sắm cờ, đúc ấn, đúc con dấu cho cuộc khởi nghĩa (Tài liệu số 21, Hồ sơ 65530).

Khi đi ra Huế để chỉ huy cuộc khởi nghĩa đêm 3.5.1916, Thái Phiên đã đem theo một số tiền khá lớn để chi dùng. Đến khi khởi nghĩa bất thành, ông tìm đường trở về Đà Nẵng và đuổi theo đoàn của vua Duy Tân do Trần Cao Vân dẫn đường như kế hoạch thì ông đã "gửi cho cô Ba Tị ở Cầu Hai (Thừa Thiên) hàng nghìn đồng, để tiện việc lẩn trốn". Đó là chưa kể, trước khi chết ông còn dặn lại rằng "khi tổ chức bí mật cần tài chính, Phan Thành Tài chỉ việc đến Đội Mại - người giúp việc cho ông Cuénin ở Đà Nẵng và Khóa Trá - người buôn gạo ở gần chợ Hàn (chợ Đà Nẵng) để lấy".

Ngay sau khi khởi nghĩa thất bại, thực dân Pháp và chính quyền Nam triều lập tức xét hỏi những người liên quan để truy tróc, tịch thu tài sản: Ngày 10.5.1916, khi Toàn quyền Roume đang thị sát tình hình ở Huế, đã điện cho Tổng chưởng lý ở Hà Nội đề nghị lập tức tiến hành các thủ tục tịch thu tài sản của các can phạm, trong đó tài sản của Thái Phiên là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, việc tịch thu tài sản của Thái Phiên tại "nhượng địa" Đà Nẵng có một chút trở ngại, vì thuộc vào quy chế "nhượng địa" nên phải một thời gian sau, thực dân Pháp mới "tịch thu toàn bộ tài sản của tử tội Thông Phiên cho lợi ích quốc gia", gồm: Phần hùn trong Công ty Nguyễn Đông và Công ty thầu khoán, Công ty này có ở Đà Nẵng một miếng đất trên đường đi Quảng Nam (tức đường Đỗ Hữu Vị, nay là đường Hoàng Diệu, thành phố Đà Nẵng), đã cầm cho Jeandot và Battesty 4.200 đồng. Hiệp hội Thương mại Đông Dương cho ông Thái Phiên vay và hiện ông còn nợ 7.000 đồng nên Hiệp hội này đề nghị phong tỏa tài sản của Thái Phiên ở ngân hàng cũng như tịch thu khu đất do ông chủ sở hữu với diện tích 2.935 mét vuông…

Chí sĩ Thái Phiên đã hy sinh toàn bộ gia sản và tính mạng của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ông xứng đáng một tấm gương lớn cho hậu thế noi theo. (còn tiếp)

(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.