Về lực lượng "dân binh" các tỉnh, Công sứ De Tastes tại Quảng Ngãi báo cáo: "Phong trào này đã được tổ chức từ lâu. Theo những lời khai báo đã thu thập được thì việc tuyên truyền chỉ mới bắt đầu từ tháng giêng năm nay và chỉ giới hạn trong một số người: nhà nho, lính tập, hào lý", "Để tránh việc làm phản, họ tổ chức thành từng nhóm độc lập, người này không biết người kia". Tài liệu lưu trữ cho thấy không có liên hệ vào của công nhân mỏ đồng Đức Bố, đồn điền chè Đức Phú, đồn điền chè Phú Thượng, mỏ vàng Bồng Miêu… như truyền ngôn lâu nay.
Theo sự phân công của các lãnh tụ cuộc khởi nghĩa thì: "Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi thì Thái Phiên đã gặp trực tiếp với các nhân vật trọng yếu để giao trách nhiệm cho họ lo việc tổ chức, xây dựng lực lượng tại mỗi địa phương. Trần Cao Vân được giao nhiệm vụ móc nối với các yếu nhân tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên" (lời khai của Lê Châu Hàn).
Tại Quảng Ngãi, Thái Phiên giao cho Võ Hàng, Lê Ngung, Nguyễn Thụy, Cao Gia. Tại Quảng Trị, giao cho Phạm Thành Chương, Khóa Bảo, Dâu Binh. Tại Huế thì Lê Châu Hàn, Trần Quang Trứ, Sáu Cụt (lúc này Thái Phiên chưa biết Trứ và Sáu Cụt là do mật thám Pháp cài vào) chịu trách nhiệm vận động, khuyến dụ số lính mới tuyển dụng để tấn công vào đồn Mang Cá.
Tại Quảng Nam, giao cho Lâm Nhĩ, Lê Đình Dương đảm nhiệm đánh chiếm Hội An, hỗ trợ Phan Thành Tài chiếm tỉnh thành La Qua, Nguyễn Quang Siêu có nhiệm vụ tiếp quản kinh thành Huế… Thái Phiên là Tổng chỉ huy các lực lượng.
Hiện chưa có tư liệu nào về việc lực lượng khởi nghĩa liên hệ, móc nối số lính tập và các đồn binh của Pháp tại Hội An, Đà Nẵng và Huế; không có viên sĩ quan người Đức nào hỗ trợ lực lượng nổi dậy cả, lại cũng không có ai là cố đạo Bàu Gốc và viên sĩ quan người Đức tại đồn Mang Cá trợ giúp cuộc khởi nghĩa cả.
Về cố đạo Bàu Gốc: Nhiều tài liệu cho rằng cố đạo ở Bàu Gốc là một người Đức, người trực tiếp đưa thư của Việt Nam Quang Phục hội ở hải ngoại về cho Nguyễn Công Mậu, trong thư cho biết là lãnh sự Đức hứa"giúp đỡ" cách mạng Việt Nam và gửi 10.000 đồng tiền Xiêm cho Hội.
Người Đức yêu cầu "cố gắng hạ cho được lá cờ tam tài xuống ở một cửa bể nào đó, dựng quốc kỳ Việt Nam lên hoặc ở Đà Nẵng, Quy Nhơn hay Cam Ranh… để cho tàu bè Đức có thể ra vào buôn bán được thì thứ gì chính phủ Đức cũng sẵn sàng giúp đỡ". Theo đó, khi khởi nghĩa thất bại, vị cố đạo người Đức này bị chuyển sang Ấn Độ và dọc đường đi thì Pháp giết chết.
Có tài liệu nói người cố đạo đó tên là Đặng Đức Tuân (hoặc Tuấn) ở Bàu Gốc, là gián điệp cho Đức và chính Lê Đình Dương trực tiếp gặp người này để liên lạc với viên thiếu tá người Đức chỉ huy quân đội Pháp đóng tại đồn Mang Cá để làm nội ứng... Trong hồ sơ khởi nghĩa vua Duy Tân cũng như lời khai của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương không hề thấy nhắc gì đến người "cố đạo Bàu Gốc" này!
Về viên đại tá người Đức (nhiều tài liệu nói là thiếu tá): Các nhà nghiên cứu từng cho rằng, một đại tá người Đức chỉ huy đồn Mang Cá (Huế) làm nội ứng cho cuộc khởi nghĩa, thông qua thầy Ebérhard (người Đức) và Lê Đình Dương và người đó là đại tá Harmandes. Theo kế hoạch, khi thấy đốt lửa trên đồi Thiên Mụ thì Harmandes chỉ huy nổ súng chiếm các bộ và bắt bọn hoàng thân, tôn thất, cơ mật viện, thượng thư, quan lại thân Pháp, ai chống cự sẽ bị giết…
Thực tế cho thấy, thời điểm cuộc khởi nghĩa diễn ra tại Huế không hề có ai tên là Harmandes, cũng không có sĩ quan nào của Pháp ở cấp trung tá hoặc đại tá cả. Lực lượng quân Pháp ở Huế lúc đó đặt dưới sự chỉ huy của Quân trấn trưởng tên là Tajugue, cùng 2 sĩ quan, 4 hạ sĩ quan, 2 liên đội gồm 250 lính, được trang bị súng trường 1892, do Giám binh Lanneluc và hai Lãnh binh Pagani và Larquetout chỉ huy. Ngoài ra, còn có 2.000 tân binh người Việt, đang tập trung tại đây để chuẩn bị xuống tàu sang Pháp.
Việc này cũng được chỉ rõ qua cuộc gặp của viên chỉ huy cao nhất tại Mang Cá với vua Duy Tân sau khi nhà vua cho rằng việc cử một trung sĩ trông coi, giám sát mình là thì không xứng đáng với địa vị của mình nên phản đối, người Pháp liền cử đại úy Mallarmé thay thế.
Nhân vật thứ hai ở đồn Mang Cá là thiếu tá Pérez, Pérez kể rằng khi gặp vua Duy Tân thì ông có hỏi liệu người Pháp sẽ xử tử ông thì viên sĩ quan này trả lời "Không, tôi không tin như vậy!". Tại Huế lúc đó chỉ duy nhất có một người mang hàm thiếu tá là Tajugue, khi ông này đến dự cuộc duyệt binh tại Huế, vào lúc 5 giờ chiều ngày 10 tháng 5 năm 1916, có vua Khải Định và Toàn quyền Roume cùng dự (Tài liệu số 273, Hồ sơ 4199).
Tóm lại, hầu hết các tài liệu trong hồ sơ lưu trữ không hề nhắc đến cố đạo Bầu Gốc, viên sĩ quan Harmandes người Đức và yếu tố người Đức trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân có lẽ chỉ là "thanh viện" của lực lượng khởi nghĩa chăng? (còn tiếp)
(Trích Khởi nghĩa vua Duy Tân qua hồ sơ lưu trữ - DT Books và NXB Đà Nẵng xuất bản)
Bình luận (0)