Khởi nghiệp không như là mơ: Những cách để tăng khả năng thành công

Thanh Nam
Thanh Nam
06/07/2024 06:00 GMT+7

Tính đến tháng 4.2024, Việt Nam có hơn 17.000 dự án khởi nghiệp đang hoạt động. Nhiều dự án đã xuất hiện trên thị trường quốc tế, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.


Số liệu trên được dẫn từ Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có không ít dự án khởi nghiệp thất bại. Thắc mắc mà nhiều người quan tâm là làm thế nào để hạn chế rủi ro và nâng cao cơ hội thành công khi khởi nghiệp?

Khởi nghiệp không như là mơ: Những cách để tăng khả năng thành công- Ảnh 1.

Theo Khương (giữa), người trẻ đang có ý tưởng khởi nghiệp, hãy thử bắt đầu với quy mô nhỏ

THANH NAM

Sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt

Nguyễn Hoàng An Khương (26 tuổi), người sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty TNHH The Greenmart Vietnam (TP.HCM), chia sẻ kinh nghiệm: "Để khởi nghiệp thành công, cần có quyết tâm cao, khát khao đóng góp cho xã hội bằng chính sản phẩm chất lượng, dịch vụ tốt. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch kinh doanh chỉn chu, chi tiết, để mọi việc được thực hiện đúng theo lộ trình, hạn chế những phát sinh. Tiếp đến, sản phẩm dịch vụ cần phải đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường và phải có được điểm khác biệt, sáng tạo so với đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, nên tham gia các cộng đồng, hệ sinh thái khởi nghiệp để nhận được sự hỗ trợ sâu về chuyên môn lẫn nguồn vốn".

Cũng theo Khương: "Đối với những người trẻ đang có ý tưởng khởi nghiệp, hãy thử bắt đầu với quy mô nhỏ để dễ vận hành cũng như có thêm thời gian thăm dò thị trường".

Chị Nguyễn Thị Hải Như, chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở KH-CN trên toàn quốc, cho rằng trước khi khởi nghiệp cần xây dựng ý tưởng một cách chi tiết, khoa học. Sau đó nhờ sự tư vấn của các chuyên gia, người thành công đi trước. Qua đó sẽ trả lời được những câu hỏi: Ý tưởng có khả thi? Dự án, mô hình kinh doanh sẽ giải quyết được vấn đề nào mà xã hội đang cần? Liệu có được thị trường đón nhận, ủng hộ?

"Nếu chẳng may thất bại, cần dám đối mặt với khó khăn và tìm cách tháo gỡ. Không nên buông xuôi hoặc bỏ cuộc chóng vánh. Cần mạnh mẽ và lạc quan. Ngoài ra, thay vì hướng đến một thị trường nhỏ hẹp, có thể "nghĩ lớn". Tức khai thác những thị trường lớn hơn, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người", chị Như chia sẻ thêm.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sbooks, khi khởi nghiệp cần có sự chuẩn bị cẩn thận. Bởi việc đo lường rủi ro, đề xuất phương án dự phòng, chuẩn bị nguồn lực hỗ trợ, kiểm tra chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đánh giá trải nghiệm người dùng là một số yếu tố cần thực hiện kỹ lưỡng. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng giai đoạn. Kế hoạch sẽ giúp định hướng tầm nhìn, đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đánh giá được hiệu quả phát triển…

Những điều kiện cần và đủ

Theo chị Nguyễn Thùy Linh Cát (34 tuổi), người sáng lập thương hiệu thời trang nam Catsa và đồng sáng lập thương hiệu thời trang nữ Catci, để khởi nghiệp thành công, cần phải hội tụ những điều kiện cần và đủ.

"Điều kiện cần" là phải có lý do khởi nghiệp rõ ràng, ý tưởng đủ hay và đột phá. Người khởi nghiệp cần trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức cơ bản về kinh doanh, quản lý tài chính, marketing, nghiên cứu sản phẩm, nghiên cứu thị trường… Để có được những điều đó, bắt buộc phải học hỏi không ngừng.

"Kinh nghiệm của tôi, để thành công trong khởi nghiệp cần có đội ngũ nhân sự có năng lực, kinh nghiệm và đồng lòng. Với những kỹ năng bổ trợ cho nhau và nhiều cái đầu cùng cộng hưởng, khởi nghiệp sẽ sớm mang lại những thành quả. Một điều kiện cần nữa là nguồn vốn. Đảm bảo có đủ nguồn vốn để khởi nghiệp và duy trì hoạt động trong giai đoạn đầu là rất quan trọng", chị Cát nói.

Còn "điều kiện đủ", chị Cát cho rằng người trẻ khởi nghiệp cần đam mê, kiên trì, kiên định, nhất quán. Trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục như hiện nay đã "nảy sinh" một "điều kiện đủ" khác. Đó là khả năng học hỏi và thích nghi.

Thạc sĩ Hoàng Thanh Tùng, giảng viên Trường ĐH Tài chính - Kế toán (tỉnh Quảng Ngãi), cho rằng nếu muốn khởi nghiệp thành công, người trẻ hãy tỉnh táo, suy nghĩ mọi thứ một cách thực tế chứ đừng viển vông.

"Đừng nghĩ người khác khởi nghiệp thành công, sở hữu doanh nghiệp cả ngàn tỉ đồng, có sản phẩm chiếm lĩnh thị trường… mà cho rằng bản thân cũng làm được. Khởi nghiệp rất khó chứ không đơn giản. Trước khi bước vào thương trường, có thể dành nhiều thời gian để học hỏi kinh nghiệm. Có thể đi làm cho các công ty khởi nghiệp để trải nghiệm, hiểu rõ hơn về việc kinh doanh, hiểu biết xã hội", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, trong thời đại công nghệ phát triển, hãy ứng dụng chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo vào khởi nghiệp. Cần nghĩ đến việc tung ra thị trường những sản phẩm mang tính đột phá về sự sáng tạo, công dụng… Sau đó, theo thời gian hãy cải tiến, nâng cấp để hoàn thiện và đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của thị trường. Trong quá trình vận hành doanh nghiệp, đừng quên quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Ngoài ra, nên học hỏi từ câu chuyện thành công hoặc thất bại của người khác qua sách, báo. Để từ đó có những bài học quý giá cho bản thân. (còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.