Nhiều cơ hội nếu đầu tư vào thị trường ngách
Năm 2004, Huỳnh Đăng Nhật Tâm (38 tuổi) bắt đầu lập công ty du lịch chỉ với 20 triệu đồng. Sau hơn 10 năm tích lũy kinh nghiệm và tài chính, đến năm 2016, anh Tâm đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái giáo dục Về Quê rộng 3 ha với vốn đầu tư 25 tỉ đồng. Đầu tháng 4, mô hình này được Hiệp hội Du lịch VN trao giải thưởng Sản phẩm du lịch độc đáo năm 2017.
Anh Tâm chia sẻ: “Trước khi triển khai, chúng tôi đã khảo sát và phân khúc thị trường, nghiên cứu, đầu tư chuyên sâu vào mảng du lịch học đường. Đối tượng mà công ty hướng đến là học sinh, sinh viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường… Đây là mô hình nông trại kết hợp học tập ngoại khóa với du lịch trải nghiệm, trang bị kỹ năng sống rất bổ ích dành cho học sinh”.
Anh Tâm chỉ là một trong số rất nhiều những người trẻ thành công khi mạnh dạn đầu tư vào thị trường du lịch với sản phẩm mới sáng tạo.
Theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Hanoi Redtours, du lịch là môi trường rất thuận lợi để người trẻ khởi nghiệp. “Trong những năm qua, mặc dù kinh tế có chững lại, nhưng ngành du lịch vẫn tăng trưởng khá cao. Du lịch được Chính phủ đưa lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do vậy, cơ hội khởi nghiệp là rất lớn. Du lịch là ngành có nhiều sản phẩm khá đa dạng, nhiều thị trường ngách cho các bạn trẻ mới bắt đầu. Mỗi người có thể tự tìm ra mảnh đất riêng để khai phá, miễn là có sản phẩm đặc trưng riêng, có ý tưởng riêng”, ông Hoan nói.
|
Với thời đại công nghệ số, theo ông Hoan, khởi nghiệp không có nghĩa là mở doanh nghiệp, mở công ty riêng. Có rất nhiều mô hình cho các bạn trẻ khởi nghiệp từ thị trường ngách, như: mảng du lịch cộng đồng, đến kinh doanh dịch vụ tour, kinh doanh du lịch online và dịch vụ đặt phòng, đặt vé máy bay, vé xe... Khi đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm có thể chinh phục những thị trường lớn hơn.
Tích lũy kiến thức và kinh nghiệm
Theo ông Trần Bình Giang, đồng sáng lập và là Giám đốc điều hành Sàn du lịch trực tuyến Tripi, các bạn trẻ, nhất là sinh viên, cần có ý thức nghiêm túc về công việc. Ông Giang bày tỏ: “Chúng tôi thường xuyên tuyển sinh viên làm thực tập và nhiều bạn có hồ sơ xin việc khá tốt. Tuy nhiên, khi nhận công việc ban đầu là gọi điện "chào hàng", nhiều bạn chỉ hôm sau đã nản, xin nghỉ với nhiều lý do như bị ốm, bận học... Để khởi nghiệp, lập nghiệp, bạn nên bắt đầu từ việc nhỏ trước”.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, hiện nhiều bạn trẻ đang hiểu chưa đúng về ngành du lịch. Học du lịch không có nghĩa chỉ ra làm hướng dẫn viên, các bạn trẻ có thể làm nhân viên kinh doanh, phát triển sản phẩm, điều hành dịch vụ, cung cấp dịch vụ vé máy may, visa…
Ông Hoan cho hay: “Ngoài học kiến thức, bạn trẻ nên tranh thủ thời gian tham gia vào các công ty du lịch ở các vị trí thực tập, làm thêm. Ngành du lịch là ngành thực hành, các công ty du lịch sẵn sàng đón chào bạn trẻ, giúp các bạn tiếp cận với thực tế. Từ đó, các bạn thấy lĩnh vực nào, vị trí nào phù hợp với mình có thể khởi nghiệp. Khởi nghiệp không nhất thiết phải đợi ra trường. Tuy nhiên, chỉ nên khởi nghiệp khi đã có sự va chạm với thực tế, tích lũy kiến thức”.
Chia sẻ về mô hình khởi nghiệp trong ngành du lịch, GS Nguyễn Văn Đính, Trường ĐH Hà Tĩnh, cho rằng ai cũng có thể khởi nghiệp, nhưng không phải ai cũng sẽ gặt hái được thành công. Những diễn đàn về khởi nghiệp dành cho sinh viên, thanh niên giúp các bạn trẻ được tiếp xúc, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia sẽ mang đến tinh thần khởi nghiệp. Tuy nhiên, với lĩnh vực du lịch, chỉ nên khởi nghiệp khi đủ kinh nghiệm, vốn và tầm nhìn.
Bình luận (0)