Chè khúc bạch ăn béo ngậy, vừa mềm dẻo lại dai giòn, cắn miếng chè thơm mùi sữa cùng vài lát hạnh nhân bùi bùi, thêm miếng vải giòn sựt hòa với vị nước đường thanh mát… mới thấy hết được sự tinh tế của người nấu.
Tôi biết đến món chè khúc bạch cách đây ngót nghét cũng gần 10 năm. Cái thời sinh viên còn đi học, món chè này nổi lên như một “hiện tượng”. Giá mỗi chén chè từ 15.000 - 20.000 đồng thì không phải rẻ, để tìm ăn chén chè khúc bạch ngon mà vừa túi tiền thì cứ như mò kim đáy bể.
Tôi cùng đám bạn rủ nhau mày mò làm thử. Làm theo mấy công thức trên mạng đúng mười mươi, nhưng khi ra thành phẩm lại nồng mùi tinh dầu hạnh nhân đến không thể nuốt nổi. Vậy là bỏ cuộc.
Nhớ có một dạo, tôi đi ngang chân cầu Hoàng Hoa Thám (quận 1), thấy lấp ló dưới chân cầu là một xe chè khúc bạch tên Thanh, tôi gọi đó là "chè gầm cầu".
Chén chè ở đây nhỏ thôi, nhưng ăn vào thấy mát rượi, từng viên khúc bạch trắng nõn nà, beo béo vị sữa, nước chè ngọt thanh chứ không hề gắt. Nhưng vì tôi ở xa và cũng không có nhiều tiền nên lâu lâu mới được ghé ăn một lần.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi quay lại tìm thì không còn thấy xe "chè gầm cầu" đâu nữa, thay vào đó là một quán chè với cái tên Chè Khúc Bạch Thanh.
Đúng là chị chủ quán ngày xưa, chị vui vẻ chào và hỏi tôi ăn gì. Vào quán chè khúc bạch dĩ nhiên là ăn chè khúc bạch, nhưng câu hỏi của chị không hề vô lý, bởi khúc bạch ở đây có đến 6 vị gồm: sữa, dừa, chanh dây, trà xanh, dâu tằm và cà phê.
Tôi gọi một lèo 3 chén chè và ung dung lên lầu ngồi đợi. Không gian quán khá rộng rãi, có bàn ghế gỗ ngồi ăn đàng hoàng.
Theo lời chị, toàn bộ khúc bạch đều do chính tay chị làm ra. Nhân viên chỉ bán chè chứ không được tham gia vào quá trình nấu và chế biến nguyên liệu. “Chị sợ nhất là mùi vị không chuẩn và vệ sinh không được đảm bảo. Chè khúc bạch ở đây có nhiều vị, nhưng tất cả chị đều dùng trái cây tươi để xay ra và làm riêng từng loại chứ không sử dụng hương liệu hay màu thực phẩm. Trái cây bán trong ngày, nếu không hết sẽ bỏ chứ không để lại hôm sau”, chủ quán cho biết.
Chè khúc bạch ăn béo ngậy, vừa mềm dẻo lại dai giòn, cắn miếng khúc bạch mềm thơm mùi sữa cùng vài lát hạnh nhân bùi bùi, thêm miếng vải giòn sựt hòa với vị nước đường thanh mát và ngọt nhẹ, tôi chỉ muốn thốt lên: “Nó đây rồi, đúng cái hương vị này không lẫn vào đâu được, thật sự tinh tế”.Vì nguyên liệu làm ra món này đa phần là đồ ngoại nhập nên giá thành cũng không phải rẻ. Mỗi chén khúc bạch ở đây có giá 25.000 đồng, tùy vị. Riêng khúc bạch trái cây hoặc khúc bạch thập cẩm sẽ có giá dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/chén. Tôi thắc mắc: “Chữ Thanh trong tên quán chè có phải tên chị không?”, chị cười xòa, đáp lại: “Không đâu, chị tên Châu, người em cùng làm chung với chị tên Phụng chứ không ai tên Thanh cả. Chè khúc bạch thanh, nghĩa là nói đến cái vị thanh mát, ngọt dịu của món chè”.
Bình luận (0)