Thầy giáo Tây theo vợ Việt 'về quê', mê ẩm thực nhưng 'bất lực' với tiếng Việt

Hoài Nhân
Hoài Nhân
08/08/2019 12:14 GMT+7

Trót phải lòng và cưới một nữ du học sinh Việt Nam, Monty quyết định rời New Zealand sang sống cùng vợ. Để rồi ông lại tiếp tục… phải lòng “những cô cậu học sinh hết sức dễ thương, dễ mến” nơi đất nước này.

Chuyện tình nàng Việt - chàng New Zealand

Nhiều học sinh ở TP.HCM đều biết đến thầy giáo vui tính Monty (tên thật Hamish Montgomery, 49 tuổi, người New Zealand). Trót phải lòng và cưới một du học sinh Việt Nam, ông quyết định đặt chân đến dải đất hình chữ S để sống cùng vợ và tiếp tục nghề dạy học của mình.
Monty sinh ra ở một thành phố khá nhỏ của đất nước New Zealand xinh đẹp, nhưng là một nơi lý tưởng để du học sinh các nước tìm đến giao lưu, trải nghiệm cuộc sống xứ sở này. Người vợ Việt hiện tại của Monty cũng là một trong số đó. Trong một khóa học về văn hóa, cuộc sống, chị đặt chân đến quê hương Monty và gặp ông ở đó.

Người Sài Gòn sống nhanh lắm, có lẽ vì vậy mà hay kẹt xe… để giảm nhịp độ lại! Nói vui là thế, chứ với tôi, Sài Gòn rất tích cực

Ông Monty 

“Năm đó, cô ấy sang và vừa học vừa làm thêm ở tiệm làm móng. Tôi tình cờ gặp cô ấy và ấn tượng ngay với một người phụ nữ rất điềm đạm, từ đi đứng cho đến cử chỉ đều khoan thai. Gia đình theo đạo Phật, cô ấy ăn chay trường nên trông rất thiền định. Tôi cũng theo đạo, nên chúng tôi có rất nhiều câu chuyện chung để chia sẻ và ngày càng cảm thấy gắn kết hơn. Cô ấy khiến tôi nghĩ tất cả phụ nữ Việt hẳn đều rất tuyệt vời”, Monty mở đầu câu chuyện bằng tình yêu với người phụ nữ của đời mình.

Theo chân cô vợ Việt về Sài Gòn, Monty quyết định chọn nơi đây làm quê hương thứ hai

HOÀI NHÂN

Sau khóa học 4 năm, một đám cưới hạnh phúc đã diễn ra ở New Zealand. 6 tháng sau, ông quyết định cùng vợ về TP.HCM định cư. Hai đám cưới nữa ở Hà Nội và Sài Gòn, vốn là quê nội -của vợ, diễn ra trong niềm hạnh phúc của cả hai bên.
“Ở New Zealand, nhà tôi là một đại gia đình với khá nhiều anh chị em, nên mẹ rất thoải mái trong việc tôi rời đi. Tôi từng có nhiều người thầy là người Pháp, trong lịch sử Việt Nam lại từng là thuộc địa của Pháp, nên họ nói rất nhiều về Việt Nam. Ở đây có những điều rất tuyệt vời, như lối sống, đồ ăn… Bản thân tôi cũng từng đi nhiều nơi, nhưng Việt Nam thì chưa. Ngoài lý do hàng đầu là vợ, thì với tôi đây cũng là một cuộc hành trình khám phá bản thân ở một nơi xa lạ”, Monty hào hứng.
Và quả thực, Monty bị "mê hoặc" bởi cuộc sống Sài Gòn, nhất là văn hóa ẩm thực. “Ở New Zealand, mọi người thường ăn trong nhà, nếu ra ngoài thì chỉ đến nhà hàng. Ở Sài Gòn, người ta có thể ăn lề đường, hoặc một góc hẻm, băng ghế đá nào đó. Điều đó thật thoải mái và bình dị, không chỉ là ăn mà gần như là một sự thưởng thức, trải nghiệm cộng đồng”, Monty tấm tắc.
Còn ấn tượng đầu tiên của ông về TP.HCM là “một thành phố chục triệu dân luôn luôn vội vàng và tấp nập, người ta xây đường, xây nhà không ngừng nghỉ”.
“Người Sài Gòn sống nhanh lắm, có lẽ vì vậy mà hay kẹt xe… để giảm nhịp độ lại! Nói vui là thế, chứ với tôi, Sài Gòn rất tích cực. Có cảm giác mọi người luôn sống rất tập trung, với mục tiêu phát triển bản thân và phát triển thành phố này vươn tầm hơn nữa. Duy chỉ có một điều khiến tôi lo lắng, mọi người muốn phát triển thành phố nhanh, nhưng lại không tôn trọng môi trường tự nhiên. Rất nhiều rác, rất nhiều nước sông ô nhiễm, điều đó rất nguy hiểm”, Monty chia sẻ.

"Các em học sinh Việt cho tôi rất nhiều cảm hứng" 

Monty từng có nhiều năm tháng làm giáo viên về nghệ thuật tạo hình, lịch sử nghệ thuật. Khi đến Sài Gòn, ông tiếp tục con đường đứng lớp của mình. Với khả năng sư phạm và sự vui tính của mình, ông dạy ngoại ngữ ở các trung tâm, trường trung học, và tiếp tục nhận ra những điều thú vị của thành phố này qua những lớp học sinh Việt của mình.
Monty chia sẻ, khi đi dạy ở Việt Nam, ông có nhiều cảm hứng hơn, vì có một sự khác biệt khá lớn giữa giáo dục hai nước. Ở New Zealand, chính phủ đầu tư và hỗ trợ rất nhiều thứ, miễn phí các cấp học, tạo điều kiện tối đa cho học sinh.

Học sinh Việt có thể học tiếng Anh rất tốt, nhưng tôi thì không tài nào học được tiếng Việt 

Ông Monty

“Có một thực tế là khi bạn có quá nhiều thì bạn sẽ mong muốn ít lại. Chính phủ đầu tư một hệ thống giáo dục tốt về mọi mặt, nhưng cũng vì thế mà khiến học sinh có tâm lý tự do, không ràng buộc. Nhiều bạn không cố gắng nhiều, vì ỷ lại rằng dù có thế nào cũng sẽ được hỗ trợ. Giáo dục Việt Nam có thể không được đầu tư, phòng học rất ít trang thiết bị, một lớp học rất đông. Nhưng tôi thấy học sinh lại rất tích cực, sự tương tác với giáo viên rất lớn. Các em đặt mục tiêu rõ ràng, về việc sẽ làm kĩ sư, bác sĩ và rất cố gắng để làm được”, Monty phân tích.

Monty cho biết, có một sự khác biệt giữa cách tương tác của học sinh với giáo viên ở hai nước

HOÀI NHÂN

Sự tôn trọng, đồng cảm với giáo viên cũng như tư duy học tập tích cực của học sinh Việt Nam đã truyền cho ông rất nhiều cảm hứng

HOÀI NHÂN

“Tôi thực sự bất ngờ về sự hiểu biết và tính cách của các em học sinh ở đây. Có một kỉ niệm khó quên, vào lần ở New Zealand có vụ xả súng khiến tôi rất buồn và lo lắng. Lúc tôi vừa bước vào một lớp học ở trường cấp 3, có 3 cô cậu học trò trong lớp đã đại diện đứng dậy, động viên, an ủi tôi. Tôi xúc động vì các em không chỉ lưu tâm đến sự kiện thế giới mà còn có sự đồng cảm đến giáo viên như vậy”, Monty chia sẻ.

"Nhiều lần ra ngoài, tôi cứ tưởng người ta cãi nhau, nhưng không phải. Là do tiếng Việt trầm bổng với rất nhiều thanh sắc. Vì vậy mà nó khó học quá..."

ông cười chia sẻ.

HOÀI NHÂN

Thế là mặc dù không có con, nhưng Monty lại có rất nhiều “con”, đó là những học trò của ông. Không những thế, ông cho biết, gia đình vợ ông còn có hỗ trợ cưu mang khoảng 200 em nhỏ mồ côi, ông cũng xem như con mình.
“Sắp tới, có thể tôi sẽ tập trung làm những điều tốt đẹp gì đó cho những đứa trẻ không may mắn này. Bên cạnh đó là phát triển đam mê vẽ dang dở của mình bằng những khung ảnh đời sống ở Việt Nam. Rất nhiều điều thú vị như thế, nên tôi không định rời quê hương thứ hai này đâu” Monty cười.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.