Tìm kiếm nguồn lực
Chiều tối 10.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao VN rời Hà Nội, lên đường đi Mỹ tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc, từ ngày 11 - 17.5, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joseph Robinette Biden Jr.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ; thăm, làm việc tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc |
TTXVN |
Trong khuôn khổ chuyến đi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12 - 13.5 tại thủ đô Washington D.C.
Tháp tùng Thủ tướng trong chuyến công du lần này có Bộ trưởng các bộ: Công an, Ngoại giao, KH-ĐT, Công thương, TT-TT, TN-MT, NN-PTNT, LĐ-TB-XH, KH-CN, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thống đốc NHNN…
Theo chương trình dự kiến, ngoài 2 ngày dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN để bàn thảo các vấn đề quan trọng về kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác và an ninh biển, ứng phó và phục hồi sau đại dịch, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững…, Thủ tướng dự định sẽ tiếp xúc với lãnh đạo nhiều nước ASEAN bên lề hội nghị như Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Campuchia, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Lào…
Trong khi đó, với chuyến thăm, làm việc tại Mỹ, dự trù người đứng đầu Chính phủ dự định sẽ tới thăm sàn chứng khoán New York - nơi một số doanh nghiệp lớn của VN đang thúc đẩy để được niêm yết trên sàn này. Cùng với đó, Thủ tướng dự định có những cuộc tiếp xúc với các bộ trưởng Tài chính, Thương mại, Năng lượng, Nông nghiệp, mục sở thị đại bản doanh các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ và thế giới… cũng như hai trường đại học danh giá nhất là Harvard và Stanford.
Nhìn vào thành phần đoàn cấp cao gần như đầy đủ các bộ trưởng, trưởng ngành khối kinh tế, khoa học - công nghệ, môi trường cũng như những địa điểm mà đoàn lên kế hoạch làm việc sẽ thấy rõ một trong những ưu tiên của chuyến đi là tìm kiếm các nguồn lực tài chính, các hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao, môi trường - là những lĩnh vực mà VN đang lựa chọn trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xanh, bền vững.
Còn rất nhiều dư địa
Theo các báo cáo của Chính phủ, dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng thương mại song phương Mỹ - VN đạt gần 113 tỉ USD vào năm 2021, tăng 26% so với năm 2020. Còn trong 27 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ, trung bình tăng 20%/năm, từ 450 triệu USD năm 1995. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN và VN là nước xuất khẩu lớn nhất ASEAN vào Mỹ. Hiện VN cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ.
PGS-TS Ngô Trí Long đánh giá, những số liệu trên đã cho thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước đã phát triển rất mạnh. Đặc biệt, VN xuất khẩu vào Mỹ rất nhiều mặt hàng có giá trị. Doanh nghiệp hai nước hợp tác ngày càng rộng về lĩnh vực, lớn về quy mô. Các công ty, tập đoàn hàng đầu của Mỹ cũng có mặt tại VN như Intel, Apple, Google, Lockheed Martin, Ford, Pepsi Cola, Nike, UPS, FedEx... Tuy nhiên, ông Long cũng thẳng thắn cho rằng tiềm năng và dư địa quan hệ kinh tế của hai quốc gia còn rất lớn. Bởi tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ có gần 1.150 dự án đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỉ USD, nhưng mới chỉ xếp thứ 11 trên 141 nền kinh tế có đầu tư tại VN. Do đó, chuyến đi này của Thủ tướng được cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng mở ra cơ hội mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, y tế, chuyển đổi số.
Đánh giá về mối quan hệ kinh tế Việt - Mỹ, ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng trong một thời gian dài và xu hướng sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hai nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau rất mạnh thay vì cạnh tranh lẫn nhau, tức là việc xuất khẩu của VN sang Mỹ hay Mỹ sang VN không lấy đi công ăn việc làm của người dân hai nước. Đây là điểm thuận lợi.
Về dư địa phát triển, theo ông Vũ Tú Thành, VN đã xuất khẩu hàng trăm tỉ USD sang Mỹ nhưng con số này chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Trung Quốc hay nhiều nước khác xuất khẩu sang Mỹ. Những mặt hàng có thế mạnh của VN như thủy hải sản, tiêu dùng… hoàn toàn có thể tiếp tục tăng trưởng. Đặc biệt, một “mảnh đất” chưa được khai thác nhiều về thương mại dịch vụ, trong đó những dịch vụ về nền kinh tế số của VN rất tiềm năng, có thể xuất khẩu đi thế giới và sang Mỹ. Cả hai chính phủ đều đang cố gắng thúc đẩy để hai bên khai thác các tiềm năng, dư địa rất lớn trong lĩnh vực này.
Ông Vũ Tú Thành kỳ vọng qua chuyến thăm và làm việc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hy vọng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ thành công tốt đẹp, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp hai nước.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại VN Marc E.Knapper cho biết, quan hệ đối tác giữa VN và Mỹ đang ở giai đoạn tốt nhất từ trước đến nay và mong muốn sẽ nâng cấp mối quan hệ này lên thành đối tác chiến lược. Chúng tôi tin rằng từ “chiến lược” mô tả chính xác hơn công việc chúng ta đang cùng thực hiện. Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chúng tôi đã nêu rõ về mối quan hệ đối tác này. VN là trọng tâm trong cam kết của chúng tôi đối với khu vực quan trọng này.
Về quan hệ kinh tế, Đại sứ Mỹ tại VN khẳng định đây là thời điểm quan trọng đối với cả Mỹ và VN. Theo ông Marc E.Knapper, lịch trình bận rộn của phái đoàn trong chuyến thăm sắp tới này thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ VN - Mỹ đối với cả hai quốc gia, với nhiều hoạt động ở các lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng, thương mại và phát triển. “Chúng tôi rất vui mừng bởi lẽ Thủ tướng sẽ gặp gỡ không chỉ lãnh đạo Chính phủ Mỹ mà còn với các đối tác khu vực tư nhân, những người đang đi đầu trong sáng tạo, chuyển đổi số và tạo ra các sản phẩm xanh hơn”, ông Marc E.Knapper nói.
Truyền thông quốc tế viết về chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trang Foreign Policy ngày 10.5 đăng bài viết của ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của tổ chức The Stimson Center (Mỹ), về chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Mỹ. Theo đó, Mỹ và VN đã đạt được nhiều điều đáng kể trong mối quan hệ song phương kể từ giữa thập niên 1990, khi cựu Tổng thống Bill Clinton và nhiều quan chức lưỡng đảng Mỹ thiết lập mối quan hệ chính thức với VN. Bài viết nêu rõ rằng VN giờ đây là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong khu vực và việc Mỹ chi hàng tỉ USD giải quyết vấn đề chất độc da cam và những vấn đề hậu chiến tồn đọng cho thấy hai bên có thể trở thành đối tác với sự kiên trì và lòng tin. Ông Eyler nhắc lại rằng các quan chức Mỹ, gần đây là Đại sứ Mỹ tại VN Marc Knapper, kêu gọi chính thức nâng cấp lên mối quan hệ “đối tác chiến lược” từ mối quan hệ “đối tác toàn diện” hiện nay, nhằm ghi nhận thành công của mối quan hệ. Theo ông Eyler, nền kinh tế VN đang công nghiệp hóa nhanh và trong 1 - 2 thập niên tới, VN có thể đóng vai trò tương tự Hàn Quốc trong mối quan hệ kinh tế với thế giới, nhất là Mỹ. Ngoài ra, chuyên gia này còn nhận định rằng việc hợp tác trên lĩnh vực thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu còn là lĩnh vực hứa hẹn trong sự hợp tác Việt - Mỹ.
Trang Asia Sentinel cũng đăng bài của cựu nhân viên ngoại giao Mỹ David Brown về chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ. Ông Brown cho rằng VN nên được xóa tên khỏi danh sách 11 nước bị Mỹ xem là có “nền kinh tế phi thị trường”. Về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN mà Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự, trang web của Viện Hòa bình Mỹ nhắc lại việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng sự kiện này thể hiện rằng “cam kết lâu dài” với ASEAN và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên an ninh quốc gia của Mỹ. Ngoài ra, sự kiện sẽ đem lại cơ hội củng cố mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ với ASEAN, hiệp hội có nền kinh tế gộp lại lớn thứ 7 trên thế giới, bên cạnh việc thảo luận nhiều vấn đề khác như Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Khánh An
Bình luận (0)