Xuất khẩu cá ngừ sang Mỹ tăng 210%

Chí Nhân
Chí Nhân
24/02/2022 09:08 GMT+7

Trong tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt gần 44 triệu USD, tăng đến 210% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5% so với tháng liền kề trước đó.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu trong tháng 1.2022, đạt gần 44 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ tháng đầu năm 2022 đạt gần 88 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng 12.2021 nhưng tăng tới 108% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới

Hoàng Trọng

“Các sản phẩm thịt (philê) cá ngừ đông lạnh mã HS0304 vẫn là “át chủ bài” trong xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, chiếm tới hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu”, báo cáo cho biết. Đáng chú ý một số sản phẩm tăng đến 3 con số như: thịt (philê) cá ngừ đông lạnh mã HS0304 tăng 172% và cá ngừ chế biến khác mã HS16 tăng 278% so với cùng kỳ.

Cùng với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang các nước EU cũng đã tăng tốc trong tháng đầu năm. Ngược lại thị trường Trung Quốc tiếp tục sụt giảm. Điều này cho thấy sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, tận dụng tốt xu hướng gia tăng nhu cầu trên thị trường thế giới để tăng thêm thị phần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động gia tăng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng để có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, TP.HCM và Bình Dương là 5 địa phương dẫn đầu về doanh số xuất khẩu cá ngừ.

Các thị trường đã mở cửa trở lại và nhu cầu của các chuỗi dịch vụ thực phẩm tại các thị trường tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam

Đức Huy

VASEP dự báo, năm nay ngành cá ngừ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, như hoạt động giao thương giữa các quốc gia vẫn còn khó khăn, giá cước vận chuyển đường biển chưa có xu hướng giảm. Cùng với đó là sự thay đổi về quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia cũng như những cảnh báo về an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, do các thị trường đã mở cửa trở lại và nhu cầu của các chuỗi dịch vụ thực phẩm tại các thị trường tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Nhờ vậy mà xuất khẩu thủy sản nói chung và cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.

Thủy sản đông lạnh đang ngày càng trở thành động lực thúc đẩy doanh thu của siêu thị. Thị trường thủy sản đông lạnh Bắc Mỹ đạt tổng giá trị 13,4 tỉ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026, báo cáo của IMARC Group, một công ty nghiên cứu thị trường cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.