Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, số thí sinh đăng ký dự thi vào một số ngành khối ngoại ngữ như Pháp, Nga những năm gần đây rất hạn chế. Nhiều năm liền, dù tuyển sinh đồng thời cả thí sinh dự thi từ môn tiếng Anh (khối D1) vào các ngành này, nhưng hồ sơ luôn thấp hơn chỉ tiêu cần tuyển.
Chẳng hạn, năm 2011 ngành song ngữ Nga - Anh chỉ có 24/40 hồ sơ chỉ tiêu, sư phạm tiếng Pháp 37/40, ngôn ngữ Nga - Anh 8/50… Năm 2012 cũng tương tự, ngành ngôn ngữ Nga 28/60, sư phạm tiếng Nga 36/40, sư phạm tiếng Pháp 36/40… Điều đáng nói, số thí sinh dự thi bằng ngôn ngữ chính (tiếng Nga, Pháp) vào các ngành này luôn thấp hơn thí sinh dự thi bằng tiếng Anh. Thậm chí, có năm cả khối thi chỉ có một thí sinh dự thi.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết: “Những năm trước, thí sinh dự thi tiếng Nga vào trường còn được trên dưới 10 người mỗi năm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây mỗi năm chỉ có một vài thí sinh. Năm nay có 3 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ một thí sinh dự thi khối này. Dù chỉ một người dự thi một khối nhưng trường vẫn phải in đủ 6 mã đề thi trắc nghiệm để đảm bảo khách quan đúng quy chế”.
|
Tuy nhiên, khó khăn không phải ở việc thi tuyển mà ở khâu đào tạo. Thạc sĩ Lâm chia sẻ: “Vì lượng thí sinh vào học ngành tiếng Nga quá ít nên có năm trường đã phải ghép sinh viên hai ngành ngôn ngữ Nga và sư phạm tiếng Nga vào học chung chương trình đại cương và chỉ tách ra ở những học phần chuyên ngành. Có những năm toàn ngành học chỉ có trên dưới 10 sinh viên nhưng vẫn phải mở một lớp riêng để duy trì ngành học”.
Không riêng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều trường khác. Trường ĐH Luật TP.HCM có tuyển sinh khối D3 (thí sinh dự thi tiếng Pháp) vào cả 3 ngành của trường: luật, quản trị kinh doanh, quản trị luật. Tuy nhiên, số thí sinh dự thi khối này qua các năm rất thấp và ngày càng giảm. Năm 2012, toàn trường chỉ có 115 thí sinh đăng ký dự thi khối D3 và chỉ có 95 thí sinh dự thi. Đến năm 2013, số thí sinh đăng ký dự thi giảm xuống còn 62 thí sinh và chỉ 49 thí sinh dự thi.
Tương tự, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) năm 2011 cũng chỉ có 10 thí sinh đăng ký dự thi ngành song ngữ Nga - Anh. Năm 2010, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phải đóng cửa ngành ngôn ngữ Thái Lan và sư phạm tiếng Trung Quốc vì không có người học. Đến năm 2011, số thí sinh đăng ký dự thi vào ngành ngôn ngữ Thái Lan trường này chỉ có 15 thí sinh, ngành sư phạm tiếng Pháp chỉ 11. Tiếp trong năm 2012, ngành ngôn ngữ Thái Lan của trường này chỉ thu hút 10 hồ sơ đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu không đổi của ngành này nhiều năm luôn là 35.
Ngay cả trường có thế mạnh đào tạo các ngành ngoại ngữ lớn cả nước là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng không tránh khỏi xu thế này. Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Một số năm gần đây ngành ngôn ngữ Nhật Bản, Hàn Quốc thu hút nhiều người học. Trong khi đó, ngành tiếng Nga và đặc biệt là tiếng Pháp đầu vào ngày càng ít”.
Hà Ánh
>> Ngoại ngữ là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10
>> Dạy ngoại ngữ trên cơ sở tự nguyện
>> Thí sinh quan tâm đến ngoại ngữ Pháp, Nga, Thái, Trung
>> Học ngoại ngữ giúp não tăng trưởng
>> Có thể điều chỉnh tiến độ việc dạy học ngoại ngữ bắt buộc
>> 497 tỉ đồng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
>> Điểm trúng tuyển dự kiến ĐH Kinh tế Đà Nẵng, Ngoại ngữ Đà Nẵng
>> ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng sửa bằng in sai bằng... cạo sửa
Bình luận (0)