Khởi tranh lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

01/09/2022 17:53 GMT+7

Lễ hội đua thuyền trên sông Nhật Lệ của huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, sáng 1.9, tại Di tích lịch sử bến phà Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ và đón nhận bằng công nhận lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội đua thuyền được cả ngàn người theo dõi

Thanh lộc

Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Nhật Lệ là nét đẹp trong đời sống văn hóa và hoạt động thể thao của người dân huyện Quảng Ninh, được khơi nguồn và phát triển từ hơn 500 năm nay. Từ hội bơi, đua cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... của làng, của tổng với mục đích cầu cho mưa thuận, gió hòa mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên; thi thố sức trai, sức gái để chuẩn bị ứng phó với mưa bão, chế ngự thiên nhiên.

Trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội được tổ chức 6 năm/lần hay gọi là lục niên cạnh độ; sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2.9.1946 - mừng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tròn 1 tuổi, lần đầu tiên nhân dân Quảng Ninh tổ chức đua thuyền mừng Tết Độc lập. Ngày 2.9.1975, huyện Quảng Ninh tổ chức đua thuyền trên sông Nhật Lệ và hằng năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2.9, huyện mở hội đua thuyền gắn với mừng Tết Độc lập

Các đội tranh tài

Thanh lộc

Tham dự lễ hội năm nay có sự tham gia của 12 đội thuyền bơi nam và 9 đội đua nữ với gần 700 vận động viên đến từ các xã trong huyện Quảng Ninh. Các đội thuyền bơi nam đua tranh trên đường đua dài 14km, đội đua nữ 7km. Trong sự reo hò, cổ vũ nhiệt tình của hàng chục nghìn người dân địa phương và du khách dọc theo sông Nhật Lệ, các đội thuyền bơi, đua của huyện Quảng Ninh đã thể hiện được sự đua tranh quyết liệt, sôi động và kịch tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.