Kênh huy động vốn hàng ngàn tỉ đồng
Cách đây 2 ngày, Tập đoàn tài chính quốc tế IFC - đơn vị thành viên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) - phát đi thông báo đã đăng ký mua trái phiếu với tổng trị giá 1.000 tỉ đồng (khoảng 44 triệu USD) do Công ty CP đầu tư Nam Long phát hành. Nam Long sẽ sử dụng số tiền thu được từ phát hành trái phiếu cho giai đoạn 2 của dự án nhà ở Waterpoint - dự án phát triển đô thị tích hợp tại tỉnh Long An, bao gồm không gian công cộng xanh, công trình thể thao, trường học, trường đại học, cơ sở y tế, cũng như công trình giao thông, bán lẻ và văn phòng. Khoản đầu tư của IFC dự kiến sẽ tạo ra 1.500 việc làm và kiến tạo một đô thị vệ tinh cung cấp nhà ở cho trên 50.000 người dân.
Trái phiếu doanh nghiệp sẽ trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế |
Ngọc Thắng |
Việc IFC rót vốn mua trái phiếu của nhiều doanh nghiệp (DN) tại VN không phải mới. Nhưng trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo lắng thị trường này đang bị “siết” lại sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy 9 lô phát hành trái phiếu cho thấy đối với các công ty có uy tín thì đây vẫn là kênh huy động vốn lớn và tiếp tục phát triển. Thực tế đã cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mới phát triển mạnh trong vòng 2 năm qua, nhất là khi dư nợ tín dụng tăng trưởng giảm. Báo cáo về thị trường trái phiếu của Công ty chứng khoán SSI cho biết, tổng giá trị phát hành TPDN năm 2021 đạt 723.000 tỉ đồng. Quy mô thị trường TPDN tăng mạnh từ 4,93% GDP vào năm 2017 lên đến 16,6% GDP năm 2021. SSI đánh giá, dù kênh tín dụng vẫn là kênh huy động vốn chính của các DN nhưng kênh chứng khoán đang tăng tốc mạnh mẽ, quy mô thị trường cổ phiếu và TPDN tăng nhanh từ mức 68% năm 2020 lên mức tương đương 88% (2021) so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Sự tăng trưởng này phù hợp với định hướng phát triển thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc của DN vào tín dụng ngân hàng của cơ quan quản lý.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông tin về việc ông Đỗ Anh Dũng bị bắt |
Theo Nghị quyết 54 cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025 vừa được Chính phủ ban hành, mục tiêu đến 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu đạt 85% GDP và dư nợ TPDN đạt 20% GDP. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng trái phiếu là kênh huy động vốn trung dài hạn hiệu quả cho DN. Các công ty phát hành trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh thay vì phải vay ngân hàng với những quy định thẩm định khắt khe, nghiêm ngặt, đòi hòi phải có tài sản thế chấp và phương án sản xuất kinh doanh. Nhưng không loại trừ nhiều DN đã “lách” các quy định khiến nhà đầu tư bị mất niềm tin. Chính vì vậy, việc Chính phủ tăng cường giám sát, thanh tra lại hoạt động phát hành hay sử dụng vốn từ TPDN là để giúp thị trường phát triển lành mạnh hơn trong thời gian tới. “TPDN cần có sự chọn lọc, chất lượng tốt chứ không phải DN nào muốn đều có thể phát hành. Cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định lại thị trường an toàn hơn, chẳng hạn minh bạch thông tin tài chính DN và các quy định xoay quanh việc bảo lãnh phát hành, tài sản đảm bảo”, ông Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh.
Giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng
TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật), nhận định ở các nước có thị trường tài chính phát triển thì thị trường trái phiếu nói chung chiếm tỷ lệ cao. Song song với trái phiếu Chính phủ thì TPDN được phát hành khá nhiều và giao dịch sôi động. Nếu VN muốn phát triển thị trường vốn thì cũng phải đi vào xu hướng chung này. Từ đó giảm bớt gánh nặng cung cấp vốn của hệ thống ngân hàng. Sau vụ Tân Hoàng Minh, TS Nguyễn Anh Phong cho rằng những DN đã có uy tín, các tập đoàn lớn trên thị trường sẽ không bị ảnh hưởng gì trong việc huy động vốn bằng trái phiếu. Thậm chí ngược lại thay vì phải chạy đua đưa ra lãi suất quá cao với nhiều DN như vừa qua lên hơn 10%/năm thì nay chỉ cần cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng khoảng 2% là có thể thu hút được nhà đầu tư tham gia. Nhưng để tạo niềm tin cho người mua, Chính phủ phải xem xét và vá lại các “lỗ hổng” trong những quy định liên quan. Chẳng hạn, cần bổ sung quy định bắt buộc mọi TPDN phải có tài sản đảm bảo. Nhưng tài sản đảm bảo được chấp thuận rộng hơn là tài sản thế chấp vay vốn của ngân hàng. Ví dụ như quyền thu phí của một con đường sau khi huy động vốn để xây dựng... Bên cạnh đó, cũng phải quy định rõ cơ quan quản lý chứng khoán giám sát hồ sơ phát hành TPDN vì đây là một bộ phận của thị trường chứng khoán nói chung.
Quy định pháp lý phải trên nguyên tắc thị trường
Luật sư Trương Thanh Đức nêu quan điểm: Luật không hạn chế các cá nhân, tổ chức vay vốn lẫn nhau nên việc siết lại phát hành TPDN riêng lẻ là không nên. Thay vì vậy, quy định pháp lý phải trên nguyên tắc thị trường để làm sao thị trường TPDN minh bạch, cảnh báo và có chế tài. Việc mua bán giữa DN và nhà đầu tư theo thỏa thuận. Người tạo lập chợ trái phiếu phải giám sát và phát hiện những vi phạm gian lận, trục lợi để cảnh báo và xử phạt.
TS Nguyễn Anh Phong đặt vấn đề: Hiện quy định về phát hành TPDN riêng lẻ lại để công ty chưa phải đại chúng tự do phát hành và chỉ tự thông báo sau đó. Nếu không ai quản thì làm sao phát hiện được sai phạm để xử lý, ngăn chặn rủi ro cho người mua lẫn thị trường tài chính?
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng TPDN là kênh huy động vốn khá tốt trong những năm gần đây. Những DN sai phạm, lừa đảo nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu không phải nhiều mà chỉ là thiểu số, còn lại hầu hết các DN thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh. Không thể vì số ít mà siết lại thị trường này. Do đó chính sách ban hành cần tạo điều kiện để các DN phát triển. Chẳng hạn cần phải xem xét, bổ sung quy định đối với TPDN phát hành công chúng đều phải thông qua quá trình thẩm định, cấp phép của cơ quan quản lý. Còn đối với TPDN phát hành riêng lẻ nếu quy định siết chặt sẽ sai nguyên tắc thị trường. Cơ quan chức năng cần phát hiện nhanh, xử lý nghiêm những trường hợp lừa đảo, gian lận để thị trường TPDN phát triển lành mạnh.
Bình luận (0)