Tình trạng công trình thi công kiểu "rùa bò", án binh bất động án ngữ giữa đường khiến kẹt xe triền miên nhưng hết hạn lại được gia hạn giấy phép, cấp phép mới khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về quy trình giám sát, kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng “có vấn đề”.
[VIDEO] Ám ảnh, khốn khổ vì lô cốt ở trung tâm Sài Gòn mã “án binh bất động”
|
Cứ kiểm tra là “lòi” ra vi phạm
tin liên quan
Khốn khổ vì ‘lô cốt’Đúng 22 giờ ngày 14.5, PV cùng tổ công tác của Đội TTGT số 8 đến "lô cốt" tại giao lộ Phạm Thế Hiển - Dạ Nam (P.3, Q.8) kiểm tra. Lúc này bên trong công trình chỉ có 2 nhân viên bảo vệ. Tổ công tác phải gọi điện cho chủ đầu tư yêu cầu cử người đến làm việc.
Chờ khoảng 20 phút sau, anh Trần Đình Phương, kỹ sư công trình, mới tới làm việc với tổ công tác. “Việc đào đường, chiếm dụng mặt đường tới 50%, trong khi 2 làn đường xe chạy lại không bố trí người điều tiết giao thông là không được. Lúc anh chưa ra, có thời điểm kẹt xe và chúng tôi đã ghi hình rồi. Chúng tôi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu đơn vị thi công phải bố trí người điều tiết giao thông”, thanh tra viên Võ Hoàng Sơn thông báo. Nghe vậy, kỹ sư Phương trình bày: “Em nói thật, giờ này anh đi hết tất cả các công trình trên địa bàn TP cũng không chỗ nào có người phân luồng giao thông đâu. Em làm từ Q.1 ra đây nên em biết hết. Còn giờ tụi anh nói về nguyên tắc thì em… chịu”!
|
Đúng 10 giờ 40 ngày 15.5, PV tiếp tục “tháp tùng” TTGT đi kiểm tra, xử lý “lô cốt” trên đường Cao Lỗ. Thời điểm này, lô cốt được tháo một phần rào chắn, tôn dựng đứng cạnh làn đường xe chạy. Đường sá gồ ghề, đất đá vương vãi khắp nơi. Cạnh đó, các công nhân đang hút nước từ “lô cốt” ra ngoài nhưng để lộ thiên, vô cùng nguy hiểm cho người đi đường. Kinh khủng hơn, ổ gà được công trình “vá” bằng một… cục đá to tướng. “Công trình này không đảm bảo an toàn gì hết! Công trình bị xử phạt nhiều lần lắm rồi”, thanh tra viên Lê Hoàng Dũng thốt lên. Lúc này, giám sát công trình mới vội vã đốc thúc công nhân… lấy rào chắn lại.
Qua kiểm tra, tổ công tác ghi nhận đơn vị thi công vi phạm các lỗi: không bố trí người điều khiển, hướng dẫn giao thông theo quy định; không lắp đặt bảng công bố thông tin tại công trình; bơm nước thải từ công trình ra đường... TTGT lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu công trình khắc phục hậu quả để đảm bảo an toàn giao thông. “Nhớ khắc phục vì tụi tôi sẽ tái kiểm tra. Nếu không khắc phục tiếp tục bị xử lý đó”, thanh tra viên Lê Hoàng Dũng nhắc nhở.
|
Không nhớ đã gia hạn bao nhiêu lần !
|
Để làm rõ việc cơ quan chức năng gia hạn thi công cho các công trình "rùa bò" có quá dễ dàng, PV Thanh Niên đã trao đổi nhanh với ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM).
Trả lời câu hỏi “Điều kiện nào để công trình được cấp phép gia hạn thi công?”, ông Dũng nói: “Theo quy định một công trình chỉ được gia hạn 1 lần, không có chuyện gia hạn thi công 2 - 3 lần. Nếu hết số lần gia hạn phải làm lại hồ sơ, có nghĩa là cấp phép mới lại và việc cấp phép mới lại thì không có quy định số lần”. Cũng theo ông Dũng, nếu công trình thi công dở dang, Sở không cho gia hạn, không cấp giấy phép mới lại thì công trình càng ì ạch và không hoàn thành. Để làm thủ tục cấp lại giấy phép mới, chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải trình về lý do chậm trễ, sau đó Sở mới xem xét cấp lại.
Vậy công trình thi công chậm thường vì lý do gì, theo ông Dũng: “Họ chậm có thể vì khâu khảo sát, thiết kế, điều hành dự án gặp trục trặc, vướng cái này cái kia. Cũng có trường hợp chủ đầu tư điều hành kém dẫn đến dự án kéo dài”. Cũng theo ông này, “Sở GTVT rất bức xúc những trường hợp thi công rùa bò”. “Sở đã giao TTGT xử lý nghiêm những trường hợp kéo dài chứ không có chuyện “bắt tay” với nhà thầu đâu. Việc cấp giấy phép thi công chỉ là khâu cuối cùng của dự án thôi”, ông Dũng nói.
|
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM, các đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc tại địa phương cũng phải có trách nhiệm giám sát quá trình thi công. “Nếu công trình chậm tiến độ vì các lý do khách quan như: vướng giải tỏa mặt bằng hay gặp sự cố gì đột xuất có thể chấp nhận. Còn trường hợp không đủ kinh phí hay lý do chủ quan thì các cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, xử lý nghiêm chứ không thể để khơi khơi được. Còn việc kéo dài thời gian thi công, Sở GTVT phải có trách nhiệm rà soát, xử lý theo quy định”, ông Tường nhấn mạnh.
Chạy xe như...phi ngựa
Ông Phạm Hồng Hải, cán bộ địa chính P.4, Q.8, cho biết việc chạy xe qua khu vực đang thi công công trình trên đường Cao Lỗ giống như đang… phi ngựa. “Việc này trong quá trình đi thực tế mình thấy liền chứ cần gì người dân phản ảnh. Bữa trước mưa lớn, nước cống xì lên và nước thì không thoát được. Nhìn khu vực này giống như con sông. Trong khi nắng thì bụi bặm kinh khủng”, ông Hải nói và chia sẻ bản thân ông cũng xót xa khi thấy người dân vào Bệnh viện Q.8 cấp cứu mà đường sá gồ ghề, có khi bệnh lại càng nặng thêm. “Phường cũng thường xuyên kiểm tra nhắc nhở các đơn vị thi công, ngoài ra đâu thể xử lý gì được”, ông Hải bức xúc.
|
Chế tài chưa đủ mạnh ?
Trong báo cáo tháng 4.2019 về kết quả kiểm tra công tác thi công xây dựng công trình thiết yếu trên địa bàn TP.HCM (từ 21.3.2018 - 20.4.2019), Sở GTVT TP cho biết đã kiểm tra nhắc nhở 107 trường hợp vi phạm. Nổi cộm nhất là tình trạng không đảm bảo về rào chắn; gia hạn giấy phép thi công; các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông; tình trạng vệ sinh trong và ngoài khu vực công trường… Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT chỉ phát hiện và tiến hành lập 40 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 242 triệu đồng. Mức xử phạt phổ biến nhất ở mức 4 triệu đồng/lần vi phạm. Với mức phạt trên, nhiều ý kiến cho rằng quá nhẹ mà cần phải tăng mức xử phạt, làm mạnh tay hơn để các đơn vị thi công không “lờn thuốc”.
|
Bình luận (0)