Không ai được bao che thủ phạm gây ô nhiễm

Chiều 1.5, tại Hà Tĩnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp bàn phương án khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển, hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại.

* 12.570 tàu đánh bắt ngừng hoạt động, 63.000 lao động ngừng việc
Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng các bộ Công thương, KH-CN, NN-PTNT, TN-MT, Tài chính, Thông tin - Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Thứ trưởng Bộ Công an và lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Dân hỏi không biết trả lời thế nào
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát cho biết thảm họa môi trường khiến cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung đã làm 12.570 tàu đánh bắt phải ngừng hoạt động và 63.000 lao động phải tạm ngừng việc.
Phải làm rõ để giải thích cho nhân dân hiểu rằng chúng ta không bao che cho ai, nhưng phải làm một cách thận trọng, trên cơ sở khoa học
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Ông Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân cá chết và sớm công bố cho dân biết khi nào ăn cá biển thì an toàn. Ông Quang cũng đề nghị sớm có chính sách đảm bảo đời sống nhân dân ổn định; khẩn trương giải quyết các vấn đề hỗ trợ ngư dân như thu mua cá, khai thác gần bờ, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh hải sản và các chính sách ưu đãi vay vốn cho dân chuyển đổi nghề. “Chúng tôi đề nghị Chính phủ cần sớm công bố vùng an toàn để dân khai thác vì hiện dân hỏi chúng tôi không biết để trả lời”, ông Quang nói.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng hiện nay người dân muốn đi biển, không muốn nhận gạo hỗ trợ. Vì vậy, đề nghị bộ, ngành liên quan sớm có kết luận và công bố nguyên nhân để người dân ra biển đánh bắt trở lại.
Ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị sớm công bố chất lượng nước biển, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nước biển. Cần thông tin rõ ràng cho người dân biết, không úp mở gây nghi ngờ cho người dân.
70 nhà khoa học vào cuộc
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, sau khi sự cố ô nhiễm xảy ra, Bộ đã tập trung xác định một số nguồn có khả năng gây ô nhiễm, trong đó có các nhà máy của Formosa đang trong giai đoạn vận hành chạy thử. Bộ trưởng Hà thừa nhận việc lấy mẫu phân tích để tìm nguyên nhân gây ô nhiễm của cơ quan chức năng chưa kịp thời, đây là một điểm yếu.
Đến nay, kết quả phân tích mẫu nước biển cho thấy, tại vùng biển Vũng Áng hàm lượng ni tơ và phốt pho cao hơn mức cho phép, còn các thông số môi trường khác không phát hiện ra điều bất thường. Ngoài ra, trong mẫu nước biển lấy tại bè cá nổi tại vịnh Vũng Áng của một hộ dân địa phương, nơi người dân phát hiện có dòng triều màu nâu tràn vào bè gây cá chết, có mật độ tảo nghi là tảo độc với số lượng khoảng 350 triệu tế bào/lít, là cao bất thường. Đây là dấu hiệu cho thấy sự xuất hiện cục bộ ở một thời điểm cụ thể của tảo có khả năng gây chết cá, không đại diện cho toàn bộ vùng biển Vũng Áng.
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tại cuộc họp Ảnh: Khánh Hoan
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo tại cuộc họp Ảnh: Khánh Hoan

Theo Bộ trưởng Hà, việc xác định nguyên nhân ô nhiễm nước biển là rất phức tạp, nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm ra. Riêng hệ thống xả thải của Formosa, Bộ trưởng TN-MT cho rằng, họng xả đặt trong khuôn viên nhà máy là không hợp lý, Bộ đã yêu cầu phải đưa ra ngoài, đồng thời phải lắp đặt hệ thống camera, hệ thống đấu nối với cơ quan quản lý nhà nước để giám sát.
Chính phủ sẽ xuất 4.500 tấn gạo để hỗ trợ cho các hộ dân có tàu đánh cá xa bờ bị ảnh hưởng bởi sự cố này với mức 15 kg gạo/người/tháng, tàu thuyền khai thác ven bờ không ra khơi được hỗ trợ 5 triệu đồng/tàu, thuyền. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước giảm, giãn, khoanh, xóa nợ tạo và điều kiện cho các đội tàu xa bờ được miễn lãi suất trong 6 tháng.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, căn cứ trên cơ sở quan trắc nước biển, vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế nếu đánh bắt cách bờ 30 hải lý trở ra là an toàn cho việc đánh bắt.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh cũng cho biết bộ này đang phối hợp với các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu xem xét các mẫu vật cá, nước, san hô… để tìm nguyên nhân. Để xác định được nguyên nhân là rất khó và phức tạp, hiện Bộ KH-CN đã mời 70 nhà khoa học vào cuộc và sẽ có câu trả lời sớm nhất.
Xử lý nghiêm không loại trừ tổ chức, cá nhân nào
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hiện tượng cá biển chết hàng loạt là sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ngay sau khi nhận được thông tin, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào kiểm tra, chỉ đạo khắc phục sự cố. Thủ tướng cho biết, dù sự cố này xảy ra lần đầu tại nước ta và việc xử lý ban đầu còn bất cập nhưng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo các ngành, địa phương vào cuộc xử lý. Các bộ, ngành và địa phương đã có cố gắng nhưng một số địa phương còn chậm trễ trong việc giải quyết tình hình tại địa phương mình. Công tác quản lý về môi trường còn nhiều bất cập, thụ động, việc quản lý quan trắc nước thải một số nhà máy liên quan, chúng ta cần quan tâm hơn nữa.
Thủ tướng yêu cầu phải có các biện pháp đảm bảo đời sống người dân, nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người dân để đáp ứng kịp thời. Trước hết, hỗ trợ gạo cho ngư dân vùng bị ảnh hưởng.
Thủ tướng giao Bộ KH-CN và ngành chức năng nếu cần phải mời các nhà khoa học nước ngoài để xác định nguyên nhân, tìm thủ phạm gây ô nhiễm. Quan điểm của Chính phủ là sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào, không ai được bao che. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, sớm công bố kết luận. “Phải làm rõ để giải thích cho nhân dân hiểu rằng chúng ta không bao che cho ai, nhưng phải làm một cách thận trọng, trên cơ sở khoa học”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp ven biển. Dù chưa có cơ sở khẳng định thủ phạm, nhưng Bộ TN-MT phải có báo cáo về ống xả thải của Formosa đúng sai thế nào, cơ sở pháp lý nào và kiểm điểm trách nhiệm. Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT phải khẩn trương công bố cho người dân biết vùng biển nào được đánh bắt, vùng nào được ăn cá. Bộ Công thương chỉ đạo thu mua sản phẩm đánh bắt xa bờ cho ngư dân.
Trả lời Thanh Niên, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này được Chính phủ giao phối hợp cùng Bộ NN-PTNT xây dựng cơ chế để đôn đốc doanh nghiệp thu mua hải sản cho ngư dân tại các vùng biển ngoài tác động của điều kiện bất lợi. "Điều quan trọng là làm sao có chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ để hoạt động này được diễn ra thuận lợi và chúng tôi sẽ cùng Bộ NN-PTNT sớm đưa ra chính sách", ông Tuấn Anh nói và cho biết thêm: "Hải sản sạch, được đánh bắt ở các ngư trường an toàn thì phải khẩn cấp lên phương án tiêu thụ cho ngư dân. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ việc thu mua hải sản tại các địa bàn nghi có ảnh hưởng, mà quan trọng nhất là thông qua các doanh nghiệp lớn".
Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.