“Không biết, không ngờ, không lường trước…” đã trở thành điệp khúc của nhiều vị lãnh đạo. Lạ là những “Ông không biết” này vẫn nghiễm nhiên tại vị dù hậu quả của vụ việc có ra sao…
Ngang nhiên bán chỗ và thu tiền đậu xe tại giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) nhưng chính quyền địa phương lại không biết gì - Ảnh: Đức Tiến (chụp tháng 3.2015)
|
Nhà tôi trong hẻm sâu. Ông hàng xóm kề bên muốn sửa lại căn gác. Lén lén lún lút kêu vật liệu xây dựng chở vài xe cát, vài bao xi măng vào chiều tối. Đống vật liệu xây dựng được đưa vào tận bên trong nhà. Thế nhưng, khi chỉ vừa xây vài viên gạch đã thấy mấy anh thanh tra xây dựng của quận xuất hiện, lập biên bản phạt...
Ai cũng thắc mắc là vì sao việc xây dựng không xin phép ở một nơi “hẻo lánh” và có vẻ “kín đáo” như vậy lại bị phát hiện nhanh thế?
Nêu trường hợp trên để dễ thấy, việc các cơ quan hay những người lãnh đạo “không biết, không ngờ, không lường” trên thực tế phải là điều hiếm có. Chỉ lạ là nó lại diễn ra khá phổ biến. Có thể dẫn chứng ra hàng loạt vụ việc lớn nhỏ gần đây, như vụ đốn hạ cây xanh Hà Nội, vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 gây ô nhiễm, vụ một nhóm người Trung Quốc đào xới tìm “đá lạ” ở Thừa Thiên – Huế, vụ dân vây bắt lâm tặc trước chính quyền…
Không phải trong chuyện thần thoại, mà trong thực tế có những con lạc đà đã… chui qua lỗ kim.
Trong vụ đốn hạ cây xanh Hà Nội, một lãnh đạo tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, có phát biểu rằng: “Không lường được tình cảm của người dân với cây xanh”. Mới đây, ông Lê Tiến Phương, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã xác định: “Việc ô nhiễm của nhà máy Vĩnh Tân 2 đã đẩy dân vào tình trạng bức xúc và phản ứng là xác đáng”.
Thế nhưng, việc gây ô nhiễm của nhà máy Vĩnh Tân 2 không chỉ là một ngày một bữa, mà đã diễn ra từ nhiều tháng qua với mức độ khá nặng nề. Người dân đã phản ảnh, khiếu nại nhiều lần, sao chính quyền Bình Thuận không chịu giải quyết dẫn đến xung đột không đáng có, sự xung đột “không chỉ đổ mồ hôi mà còn đổ máu” như ông Phương xác nhận?
Đối với sự kiện nhóm người Trung Quốc sang đào xới hàng chục tấn đất đá để tìm “đá lạ” ở Thừa Thiên–Huế hay chuyện người dân tộc ít người ở Gia Lai vây bắt lâm tặc cũng vậy. Chính quyền và cơ quan hữu quan không hề hay biết gì (hay biết mà không làm gì?) khiến người dân bức xúc phải đứng ra làm thay cái công việc mà lẽ ra là của chính quyền.
Cái cách giải quyết của Hà Nội hay Bình Thuận là điều mà cánh phóng viên thể thao trong nghề hay gọi là “bình luận ngày thứ hai”, có nghĩa chỉ giỏi “tán” khi sự việc xảy ra rồi (đối với các môn thể thao, sự kiện thường diễn ra ngày chủ nhật). Và tất nhiên, tiếp đó sẽ là “nghiêm khắc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục hậu quả…”
Nhưng nếu như người dân không bức xúc phản ứng, liệu những hậu quả của các sự kiện ấy có được sớm được khắc phục hay không? Năng lực của những người chịu trách nhiệm có phải là “không biết, không ngờ, không lường” và sau đó lo khắc phục hậu quả không? Hay một trong những năng lực lãnh đạo quan trọng là phải “biết, ngờ và lường trước những hậu quả có thể xảy ra”?
Những người lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm, liệu có “trách nhiệm” gì không đối với những chuyện “không biết, không ngờ, không lường” của mình? Hay là như câu nói dân gian: không biết là không có tội…?!
Bình luận (0)