|
“Con buồn quá... muốn chết cho rồi !”
Gần đây, vào trưa 19.11, em P.T.T.T (học sinh lớp 9 tại Q.Gò Vấp, TP.HCM) đã nhảy lầu tự tử ở Bệnh viện Gò Vấp. Theo thông tin ban đầu, trước khi quyết định quyên sinh, P.T.T.T để lại những bức thư, bày tỏ sự mặc cảm bởi hoàn cảnh gia đình nghèo túng, bị áp lực và thất vọng về bản thân vì sức học sa sút…
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, rất nhiều học sinh hiện nay không có kỹ năng ứng phó với áp lực. Thế nên, khi gặp những khó khăn cùng lúc, các em sẽ rất dễ bộc phát thành những hành vi đáng tiếc.
Bà Mỹ Linh kể: “Tôi thường nhận những lá thư các em gửi đến nhờ tư vấn. Nhiều em thổ lộ: Cô ơi! Con buồn quá vì không biết tâm sự với ai; con muốn chết cho rồi. Bạn bè thì xa lánh, còn cha mẹ cứ chửi mắng, đánh đập con”. Bà Mỹ Linh cho rằng: “Gia đình và thầy cô, bạn bè nếu thật sự quan tâm, chia sẻ thì có thể nắm bắt kịp thời tâm tư và ngăn ngừa những em có ý định tự tử. Bởi trước đó, các em thường có những dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài như chán ăn, đi học không tập trung, hoang mang, thể trạng sa sút…”.
Nhiều năm tham gia tư vấn tại Trung tâm công tác xã hội trẻ em (thuộc Sở LĐ - TB - XH TP.HCM), tiến sĩ giáo dục Thạch Ngọc Yến đúc kết: rất nhiều trẻ vị thành niên từ lớp 8 đến lớp 12 có nguy cơ cao trước những căng thẳng, dễ đưa ra những quyết định sai lầm. Bà Yến nêu lên một nghịch lý rằng, khi trẻ gặp khó khăn, thất bại, lẽ ra phụ huynh càng cần thông cảm, động viên cho con. Đằng này, họ thường chì chiết những lỗi lầm của trẻ. “Ở trường, có những trẻ hay bị mắng là cái mặt em không làm gì được đâu, chỉ có nước đi bán vé số thôi. Còn khi về nhà, đứa trẻ lại tiếp tục bị cha mẹ mạt sát nên cảm giác bức bối gia tăng. Các em thấy mình không có giá trị gì nên không biết sống tiếp để làm gì!”, bà Yến dẫn chứng.
Cuộc đời song hành buồn - vui
Nhìn nhận trẻ tự tử là vấn đề rất đáng quan tâm trong xã hội hiện đại, thạc sĩ Lê Minh Công, giảng viên bộ môn tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: Ở môi trường chuyển dịch rất nhanh, trẻ chưa bắt kịp nên gặp khó khăn và cô đơn trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là những quan hệ gia đình. Trong khi đó, các em đang tuổi mới lớn nên chưa đủ trải nghiệm cuộc sống để tự vệ hoặc ứng phó với những áp lực, dễ có nguy cơ dẫn đến hành vi tiêu cực.
Theo ông Công, điều quan trọng là cần định hướng những giá trị tích cực để trẻ theo đuổi và có thái độ ứng xử tích cực trong cuộc sống. Bên cạnh đó, trang bị những kỹ năng cần thiết cho trẻ, như kỹ năng quản lý stress, nhận diện bản thân, kiểm soát cảm xúc…
Để chuẩn bị tâm lý cho trẻ biết chấp nhận cả những điều không như mong đợi, chuyên viên tư vấn Nguyễn Thị Mỹ Linh lưu ý phụ huynh nên dạy trẻ từ nhỏ rằng cuộc sống muôn hình vạn trạng, có niềm vui lẫn những nỗi buồn đan xen. Bà Linh bổ sung: trẻ rất cần có kỹ năng giao tiếp, biết cách bộc lộ những điều bức bối trong lòng. Mặt khác, trẻ rất cần có một nguồn nào đó giúp các em xả stress.
Trước đây từng tự tử nhưng được phát hiện kịp thời, N.T.H - học sinh lớp 12, ngụ ở Q.Bình Tân, TP.HCM, nhắn nhủ: “Thử hỏi, chúng ta chết đi thì có giải quyết được gì? Chỉ mang lại đau khổ, dằn vặt suốt đời cho gia đình mình mà thôi! Trong cơn tuyệt vọng, đừng để đầu óc mình luẩn quẩn và tràn ngập những suy nghĩ bế tắc. Hãy tìm một ai đó để giải tỏa. Hãy bắt tay làm việc gì đó, dù là việc nhỏ để phân tán tâm trí và thấy thời gian không trôi qua vô ích. Và đừng bao giờ quên, không có cái gì là không có lối thoát cả!”.
Bình luận Cao Đăng Nguyên,
Đinh Nguyễn Châu Giang,
Bùi Đỗ Đạt |
Như Lịch
>> Trẻ em và màn hình máy tính
>> Cảm nhận mô hình chăm sóc trẻ em ở Mỹ
>> Tỏi chống nhiễm khuẩn ở trẻ em
>> Hành động vì trẻ em
Bình luận (0)