Không chấp hành án dân sự, bị truy tố ra tòa

05/08/2024 06:00 GMT+7

Vụ việc hiếm gặp ở Bình Dương khi ông Trần Quốc Tân (61 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tân Tân) và ông Trần Quốc Tuấn (56 tuổi) bị truy tố về hành vi không chấp hành án.

Ngày 2.8 vừa qua, Viện KSND TP.Dĩ An, tỉnh Bình Dương đã ban hành cáo trạng truy tố ông Trần Quốc Tân về tội "trốn thuế" và "không chấp hành án"; truy tố Trần Quốc Tuấn về tội "không chấp hành án". Trả lời PV Thanh Niên, lãnh đạo Công an TP.Dĩ An cho biết các cá nhân nói trên đang được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú để phục vụ quá trình tố tụng.

Tranh chấp giữa các cổ đông

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Dĩ An, Công ty CP Tân Tân có địa chỉ tại KP.Nội Hóa 1 (P.Bình An, TP.Dĩ An, chuyên gia công sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và kinh doanh đậu phộng các loại) thành lập năm 2007.

Không chấp hành án dân sự, bị truy tố ra tòa- Ảnh 1.

Công ty CP Tân Tân hiện vẫn đang hoạt động

Đỗ Trường

Trong đó có 3 cá nhân là cổ đông tham gia góp vốn gồm: ông Trần Quốc Tân (61 tuổi, ở TP.HCM) góp 64 tỉ đồng tương ứng tỷ lệ 80% cổ phần (CP), giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT; ông Trần Quốc Tuấn (56 tuổi, em ông Tân) góp 8 tỉ đồng tương ứng tỷ lệ 10% CP và bà Châu Ngọc Phụng (53 tuổi, vợ ông Tân) góp 8 tỉ đồng tương ứng 10% CP.

Tháng 7.2011, ông Tân lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà Nguyễn Thị Thanh (55 tuổi, ở TP.HCM) trên 36,66 tỉ đồng, tương ứng với tỷ lệ 45,83% CP.

Sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của công ty, bà Thanh nhiều lần yêu cầu HĐQT cung cấp thông tin về tình hình hoạt động kinh doanh, tài chính, triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu lại HĐQT… Tuy nhiên, HĐQT của công ty không thực hiện nên tháng 11.2015 bà Thanh khởi kiện ra TAND tỉnh Bình Dương.

Tháng 9.2018, TAND tỉnh Bình Dương ban hành bản án tuyên buộc các thành viên HĐQT phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu lại thành viên theo luật định. Đến tháng 10.2018, bà Châu Ngọc Phụng kháng cáo, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm nhưng sau đó lại có đơn tự nguyện xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên TAND cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và thực hiện y án sơ thẩm.

Không chấp hành án dù có đủ điều kiện thực hiện

Sau khi có quyết định của TAND cấp cao tại TP.HCM, tháng 6.2019 bà Thanh có đơn yêu cầu Cục Thi hành án dân sự Bình Dương yêu cầu tổ chức thi hành bản án sơ thẩm, và cơ quan thi hành án đã ra quyết định buộc các thành viên HĐQT thi hành nhưng các thành viên vẫn không thực hiện.

Đến tháng 9.2020, Cục Thi hành án dân sự Bình Dương tiếp tục ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện quyết định thi hành án nhưng vẫn không được các thành viên HĐQT tuân thủ, mặc dù có đầy đủ điều kiện để thực hiện. Do đó, tháng 4.2021, Cục Thi hành án dân sự Bình Dương đã có văn bản kiến nghị khởi tố hình sự đối với ông Tân, ông Tuấn và bà Phụng về hành vi không chấp hành án.

Riêng đối với bà Phụng, quá trình điều tra xác định bà Phụng được ông Tân cho 10% CP nhưng bà không tham gia điều hành hoạt động của công ty. Tháng 11.2017, Công ty CP Tân Tân cũng đã bán đấu giá 9,77% CP của bà Phụng để thi hành một bản án khác nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Phụng.

Việc khởi tố là cần thiết

Liên quan đến vụ án không chấp hành án, trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Thái Thanh Hải, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết việc khởi tố hình sự người không chấp hành bản án dân sự là khá hiếm hoi trong lịch sử tố tụng.

"Tuy nhiên, trong cáo trạng của Viện KSND TP.Dĩ An đã thể hiện rất rõ hành vi không chấp hành án trong điều kiện có đủ khả năng để thực hiện, gây thiệt hại cho người được thi hành án, cụ thể là bà Thanh trong suốt quá trình hơn 6 năm ròng đã mất quyền và lợi ích tham gia HĐQT… nên việc khởi tố hình sự là cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho bà Thanh", luật sư Thái Thanh Hải nói.

Nhân vụ án này, luật sư Thái Thanh Hải cũng mong rằng các bản án dân sự sau này nếu bị buộc thi hành mà không chấp hành cũng cần phải khởi tố hình sự để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo một kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.HCM, điều 380 bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội không chấp hành án quy định "người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm". Như vậy, trường hợp các bị can trong vụ án đã được cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác, bị can có điều kiện nhưng không chấp hành án thì buộc cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng biện pháp cuối cùng là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Kiểm sát viên này cho biết thêm hành vi không chấp hành bản án là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của người được thi hành án. Do đó, người không chấp hành án sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Bị can Trần Quốc Tân bị truy tố thêm hành vi trốn thuế

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND TP.Dĩ An, từ năm 2013 đến 2015, Công ty CP Tân Tân cho Công ty TNHH MTV thương mại - sản xuất - trồng trọt Tân Tân (là công ty con) thuê nhà xưởng ở TP.HCM với giá thuê 100 triệu/tháng.

Năm 2015, Công ty CP Tân Tân kinh doanh thua lỗ, nợ đọng thuế nên đã bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Tuy nhiên, từ tháng 7.2015 đến tháng 11.2022, Công ty CP Tân Tân vẫn tiếp tục cho thuê nhà xưởng và chỉ thiết lập phiếu thu, không xuất hóa đơn.

Theo kết luận của cơ quan điều tra từ việc cho thuê nhà xưởng, bị can Trần Quốc Tân có hành vi cho thuê nhà xưởng mang lại doanh thu nhưng không xuất hóa đơn, kê khai, báo cáo thuế, trốn đóng thuế tổng số tiền trên 1,947 tỉ đồng.

Do đó, bị can Tân bị khởi tố thêm hành vi trốn thuế. Riêng bà Phụng và ông Tuấn không được hưởng lợi từ việc kinh doanh cho thuê nhà xưởng nên được miễn trách nhiệm hình sự vụ trốn thuế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.