Không chấp nhận ai xem vỉa hè là 'tài sản' riêng

13/01/2018 18:00 GMT+7

TP.HCM chủ trương cho người dân cùng chính quyền quản lý vỉa hè, nhưng không chấp nhận, xử lý nghiêm bất cứ ai xem vỉa hè là 'tài sản' riêng.

Đó là khẳng định của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Liên quan đến việc TP.HCM tạm thời cho người dân khai thác, sử dụng vỉa hè, đã có ý kiến lo ngại rằng việc giao vỉa hè cho người dân quản lý có thể nảy sinh nhiều trường hợp mà chủ nhà sẽ hành xử như đó là “tài sản” riêng của mình.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 12.1, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định chủ trương của TP là tạm thời cho phép khai thác sử dụng một phần vỉa hè, người dân cùng chính quyền quản lý vỉa hè. Tuy nhiên, TP.HCM không chấp nhận bất cứ ai xem vỉa hè là "tài sản" riêng. Chính quyền địa phương cấp quận, huyện, phường phải chịu trách nhiệm xử lý triệt để (nếu có), ra quyết xử phạt và thu hồi quyết định "tạm cho quản lý sử dụng vỉa hè".
“Không thể chấp nhận chuyện nếu có ai đó coi vỉa hè là 'tài sản riêng'. Việc sử dụng một phần vỉa hè phải nằm trong khuôn khổ cho phép, đúng quy định pháp luật, phải được cơ quan chính quyền cấp phép chứ không phải ai cũng được tạm sử dụng vỉa hè", ông Tuyến nhấn mạnh.
n phải cam kết quản lý vỉa hè cùng chính quyền
Ông Tuyến phân tích: “Cho sử dụng tạm vỉa hè để giải quyết nhu cầu cần thiết của người dân, ví dụ nhà anh A có mặt tiền đường, trước nhà có vỉa hè rộng 4 mét, anh A thành lập công ty nhưng không có chỗ để xe, thì anh A sẽ xin quận cấp phép cho sử dụng tạm 1 m vỉa hè để xe 2 bánh tự quản trước cửa nhà. Hoặc nhà anh B kinh doanh cà phê có nhu cầu thuê vỉa hè sử dụng tạm 1 mét để thêm vài bộ bàn ghế thì sẽ được xem xét giải quyết. Với các mục đích kinh tế như kinh doanh cà phê thì dĩ nhiên phải có phí, mức phí theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên anh phải cam kết có trách nhiệm quản lý toàn bộ khu vực vỉa hè trước nhà anh sạch sẽ, không có tình trạng lấn chiếm, buôn bán vỉa hè, không mất vệ sinh, không buôn bán kinh doanh".
Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định dân cùng chính quyền giám sát vỉa hè mới là giải pháp căn cơ Ảnh: Ngọc Lê
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Phương Nam, Chủ tịch UBND P.12 (Q.5, TP.HCM), cho biết mình hoàn toàn ủng hộ chủ trương của TP. Ông Nam nói: "Việc cho người dân có nhu cầu sử dụng vỉa hè, dân tự quản chính là giải pháp căn cơ, lâu dài, tạo ý thức cho người dân sẽ cùng chính quyền bảo vệ vỉa hè, lòng lề đường sạch sẽ, không để bị lấn chiếm, kinh doanh buôn bán hàng rong lộn xộn".
Tuy nhiên, theo ông Nam, mỗi phường mỗi quận, huyện có một số đặc thù khác nhau, có vỉa hè lớn nhỏ khác nhau, vì vậy cần bàn tính kĩ lưỡng để ra chủ trương cụ thể, đầy đủ mới dễ triển khai đồng bộ. 
Đảm bảo 2 nguyên tắc về giao thông và môi trường
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, người dân sử dụng tạm vỉa hè phải trên 2 nguyên tắc: không gây cản trở giao thông cho người đi bộ; đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh và mỹ quan đô thị.
"Không thể nào giám sát được 24/24, càng không thể cứ đẩy đuổi hoài, đó không phải là giải pháp hay. Xuất phát từ thực tế là trong điều kiện chính quyền không thể giám sát được toàn bộ thì chính quyền làm từng bước, cho những người có quyền lợi hợp pháp cùng chính quyền giữ vỉa hè, như vậy sẽ khả thi hơn. Giữ 2 nguyên tắc trên sẽ đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông", ông Tuyến nói.
Người kinh doanh chiếm dụng vỉa hè để xe máy trên đường Cách mạng tháng 8, Q.3 (TP.HCM), người đi bộ phải đi dưới lòng đường Ảnh: ĐỘC LẬP
Ông Tuyến khẳng định, việc sử dụng tạm vỉa hè phải có quyết định cho phép của chính quyền địa phương cũng như sự giám sát đoàn thể, cộng đồng. Hiện tại TP đang chỉ đạo UBND Q.1 xây dựng kế hoạch, trước mắt cho thí điểm một số con đường có vỉa hè rộng để tạm sử dụng vỉa hè.
"Đẩy đuổi" không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài
Trước nhiều ý kiến cho rằng trước đây chính quyền liên tục ra quân tái lập trật tự lòng lề đường, bây giờ lại có chủ trương cho tạm sử dụng vỉa hè, cho dân tự quản lý, liệu có hợp lý?.
Ông Tuyến nêu ý kiến: “Nhiều nước phát triển trên thế giới, chính quyền cũng cho người dân cùng chính quyền quản lý phần vỉa hè trước nhà mình. Vì quyền lợi của họ, họ sẽ giữ cho vỉa hè sạch đẹp, không để ai lấn chiếm, không để ai kinh doanh, buôn bán nhếch nhác. Như Pháp, họ nổi tiếng với văn hóa cà phê vỉa hè. Pháp cho phép hộ dân kinh doanh quán cà phê kê bàn ghế bên ngoài vỉa hè, họ tuân thủ và bảo vệ cho khu vực vỉa hè đó rất sạch đẹp. Hay cách bài trí trong buôn bán vỉa hè ở Singapore cũng rất bài bản".
Ông Tuyến nhấn mạnh: "TP.HCM phải học hỏi các nước trên thế giới về cách sử dụng vỉa hè, bởi giải pháp đẩy đuổi để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ không phải là giải pháp căn cơ, lâu dài".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.