Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga:

'Không chỉ chung cư mini, cháy chung cư cao tầng cũng không dễ mà thoát được'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/10/2023 10:26 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng công tác phòng cháy "rất sơ hở", chưa tốt và cứ mỗi vụ cháy xảy ra thì lại đi rà soát.

Sáng 16.10, tiếp tục phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ.

'Không chỉ chung cư mini, cháy chung cư cao tầng cũng không dễ mà thoát được' - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhìn nhận, tình hình cháy nổ được bàn từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa trước tới nay vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy "rất sơ hở".

"Thường cứ mỗi vụ cháy xảy ra ở khu vực nào thì sau đó chúng ta rà soát lĩnh vực đấy. Ví dụ, cháy karaoke sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke. Bây giờ cháy chung cư mini chúng ta lại rà soát chung cư mini. Chúng tôi cho rằng, công tác phòng cháy chúng ta thực hiện chưa tốt. Không chỉ chung cư mini mà đối với chung cư cao tầng khi xảy ra cháy hậu quả cũng sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được", bà Nga nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vào năm 2018, Quốc hội có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy, chữa cháy và đã ban hành Nghị quyết 99 về công tác phòng cháy, chữa cháy. "Chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh giúp Quốc hội kiểm tra lại Nghị quyết về phòng cháy, chữa cháy, đề xuất Chính phủ tăng thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đề ra trong nghị quyết", bà Nga kiến nghị.

Công tác phòng cháy, chữa cháy cũng là một điểm mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý khi thẩm tra báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2023 của Chính phủ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong năm 2023, trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm có lúc, có nơi còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác phòng, chống cháy nổ gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Ông Thanh cũng cho hay, tình trạng các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường của nhiều tỉnh, thành trên cả nước vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy diễn ra phổ biến. Riêng Hà Nội hiện có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 cơ sở không đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trước đó, báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 99 của Quốc hội về công tác phòng cháy, chữa cháy năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, từ 1.10.2022 - 30.9.2023, toàn quốc xảy ra hơn 1.938 vụ cháy, làm chết 144 người, bị thương 113 người, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 315 tỉ đồng và 306 ha rừng.

Trong đó, đã xảy ra 93 vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng (chiếm 4,8% số vụ cháy toàn quốc), làm chết 144 người, bị thương 67 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng hơn 280 tỉ đồng.

Các vụ cháy, xảy ra chủ yếu trong khu dân cư, nhất là loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Điển hình là vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (P.Khương Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 12.9, khiến 56 người tử vong.

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, trong kỳ báo cáo năm 2023, tình hình cháy, nổ diễn biến phức tạp, khó lường. So với cùng kỳ năm trước, số vụ cháy tăng 190 vụ, tăng 33 người chết và 34 người bị thương.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Công an cho hay, một số nơi còn tình trạng buông lỏng quản lý với hoạt động xây dựng; tình trạng xây dựng không phép, sai phép, trái phép xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là các thành phố lớn có mật độ xây dựng cao.

Nhiều loại hình nhà ở riêng lẻ bị người dân tự ý chuyển đổi công năng thành nhà ở nhiều căn hộ, nhà trọ (thường gọi là chung cư mini) với mật độ người ở cao, nhà kết hợp sản xuất, kinh doanh...

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, các loại hình chung cư mini "biến tướng" này chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể nên gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý, do không được xem xét, cấp phép thiết kế các điều kiện an toàn trước khi đưa vào sử dụng, nguy cơ mất an toàn cháy, nổ rất cao.

Nhiều công trình cố tình cho người dân vào ở khi chưa bảo đảm an toàn dẫn đến khó áp dụng các biện pháp xử lý, cưỡng chế do ảnh hưởng đến an sinh xã hội của người dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.