Lăng kính bạn đọc:

Không chỉ 'làm đẹp' học bạ mà còn học được nhiều điều

M.Giao
M.Giao
(tổng hợp)
04/05/2023 06:11 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng việc bắt buộc sinh viên tham gia công tác xã hội là cần thiết để giúp sinh viên trưởng thành hơn, thích ứng tốt hơn với xã hội...

Như Thanh Niên đã thông tin không chỉ tích lũy đủ số tín chỉ và hoàn thành các nội dung bắt buộc theo chuẩn đầu ra, sinh viên (SV) một số trường ĐH còn cần hoàn thành số ngày công tác xã hội (CTXH) mới đủ điều kiện được xét và công nhận tốt nghiệp. Thực tế một số trường khi tuyển sinh đầu vào còn có xu hướng "chuộng" thí sinh có thành tích nổi bật trong hoạt động xã hội.

Lăng kính bạn đọc: Không chỉ 'làm đẹp' học bạ  mà còn học được nhiều điều - Ảnh 1.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) là một trong những đơn vị đầu tiên áp dụng quy định bắt buộc SV tham gia CTXH. Quy định này được ban hành từ năm 2008 và bắt đầu áp dụng cho SV từ khóa 2007. Theo đó, việc đạt đủ ngày CTXH là một trong những tiêu chí quan trọng để SV được đăng ký luận văn và xét tốt nghiệp. Cụ thể, SV trường này cần tích lũy ít nhất 10 ngày CTXH để được đăng ký luận văn tốt nghiệp và ít nhất 15 ngày để được xét tốt nghiệp. Số ngày này được tính sau khi tham gia hoặc phối hợp tổ chức các chiến dịch tình nguyện, hoạt động SV do Đoàn - Hội hoặc ban tổ chức khác quy định. Ví dụ, SV tham gia hiến máu tình nguyện và có giấy xác nhận được trường công nhận 1 ngày CTXH.

Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có quy định chuẩn tham gia CTXH với SV chính quy tập trung. SV cần tích lũy tối thiểu 150 điểm tương đương 15 ngày CTXH trong toàn khóa học để được xét tốt nghiệp.

Tuy nhiên, các trường đều có quy định trong trường hợp vì lý do sức khỏe dẫn đến khó khăn hoặc không thể tham gia các hoạt động CTXH, SV được xem xét miễn giảm tham gia hoạt động này.

Không chỉ đầu ra, vài năm gần đây một số trường còn ưu tiên cho thí sinh tham gia tích cực CTXH trong tuyển sinh đầu vào. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) thực hiện ưu tiên xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT với thí sinh có thành tích xuất sắc, đặc biệt nổi bật trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao…

Nhiều người tham gia các hoạt động tình nguyện

Nói về những hoạt động xã hội mà các học sinh, SV tham gia, bạn đọc (BĐ) H.Hải cho biết: "Có nhiều em từ THPT, mặc dù việc học ở trường khá căng thẳng, nhưng cũng nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện. Tất nhiên, có em tham gia vì muốn "làm đẹp" học bạ để xin du học, hoặc có lợi hơn khi xét tuyển đại học ở trong nước, nhưng cũng có những em tình nguyện tham gia những hoạt động phù hợp, vừa để "làm đẹp" học bạ, vừa "học được rất nhiều điều" mà nhà trường không dạy".

Cùng ý kiến, BĐ Long cho biết thêm: "Đừng nghĩ học sinh, SV không thích tham gia CTXH. Thời tôi đi học, lớp trưởng mới đề xuất tổ chức chuyến đi thăm trẻ em nghèo ở vùng ven, thế là các bạn xung phong tham gia liền. Các bạn còn góp tiền, góp quà, sách vở, quần áo cũ... Mọi người tự nguyện tham gia, rất vui vẻ, cũng chẳng ai nghĩ đây là "tiêu chí" hay "yêu cầu bắt buộc" gì hết".

BĐ Hieu Khang nhận xét: "Các chiến dịch Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, chương trình Tiếp sức mùa thi, Tiếp sức tân sinh viên, Tư vấn tuyển sinh, hoạt động hiến máu tình nguyện... vẫn luôn thu hút được nhiều học sinh, SV tình nguyện tham gia. Vì sao các bạn tình nguyện tham gia? Tôi không nghĩ vì các bạn muốn đạt "tiêu chí để tuyển sinh và xét tốt nghiệp" đâu... Thật ra, rất đơn giản, các bạn tham gia vì muốn giúp đỡ người khác, thích giúp đỡ các đàn em như họ đã từng được các đàn anh, đàn chị giúp đỡ khi họ chân ướt chân ráo vào đại học...".

Học được nhiều điều mà nhà trường không dạy

"Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những ngày cùng các SV cùng khóa đại học tham gia chương trình Tiếp sức mùa thi. Chúng tôi có mặt ở bến xe từ sáng sớm, khi thấy các bạn thí sinh và phụ huynh là cười tươi bước tới hỏi han, giúp đỡ. Có bạn còn chuẩn bị sẵn xe để chở thí sinh và phụ huynh đến trường dự thi, cũng như giới thiệu các nhà trọ miễn phí cho thí sinh và phụ huynh. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ với những thí sinh là đồng hương. Chúng tôi vui thích vì được giúp đỡ các thí sinh, có lúc quên cả bữa ăn trưa. Buổi tối, cả nhóm ngồi lại ăn mì gói mà tưng bừng chuyện hôm nay chở được mấy thí sinh đến trường, chỉ đường cho bao nhiêu phụ huynh… Đó là những kỷ niệm đẹp của thời SV mà tôi sẽ chẳng bao giờ quên!", BĐ Xuan Thanh kể.

BĐ Y.T.Thi cũng kể: "Tôi thì không quên được những ngày tham gia chiến dịch Mùa hè xanh khi còn là SV. Đến với bà con vùng sâu, vùng xa, tham gia những hoạt động như hiến máu tình nguyện, xây dựng đường nông thôn, xóa mù chữ… lại càng thấy muốn đóng góp nhiều hơn cho những người dân còn nhiều khó khăn ở đó. Phải nói là chúng tôi đã học được nhiều điều mà ở nhà trường không dạy".

Thật ra, đưa CTXH trở thành một tiêu chí để tuyển sinh và xét tốt nghiệp cũng là việc tốt. Như thế sẽ càng có nhiều SV tham gia hơn.

Gia Yen

Theo tôi, bản thân các hoạt động xã hội phải trên tinh thần tự nguyện chứ không phải ép buộc hay là điều kiện trao đổi. Nếu ép buộc thì đi ngược với tinh thần thiện nguyện rồi...

Tôn Võ

Ở nhiều nước, họ không coi CTXH là yêu cầu bắt buộc, nhưng họ rất đề cao và khuyến khích thí sinh, SV tham gia, và tất nhiên ai tham gia sẽ có lợi thế hơn trong việc xét tuyển…

Tùng


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.