Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất học sinh trường chuyên được thi tín chỉ bậc ĐH

Bích Thanh
Bích Thanh
19/05/2021 16:01 GMT+7

Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất cho phép học sinh của các trường chuyên thi tín chỉ một số môn tương ứng ở bậc đại học.

Cụ thể, học sinh của các trường chuyên, lớp chuyên có thể thi tín chỉ một số môn tương ứng đang được giảng dạy tại trường đại học, để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản, theo đề xuất của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá và công nhận tốt nghiệp THPT. Còn Bộ GD-ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC...) và công bố rộng rãi toàn quốc.
Đó là một số kiến nghị nhằm triển khai những giải pháp dạy học mang tính đột phá, đổi mới trong báo cáo do Sở GD-ĐT TP.HCM công bố vào ngày 19.5 về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16 và 54 của Chính phủ.
Cũng trong nội dung kiến nghị, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép nhà trường chủ động điều chỉnh thời lượng giảng dạy các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế...
Mặt khác, Sở GD-ĐT TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT điều chỉnh tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia tùy theo đặc thù từng địa phương, đồng thời kiến nghị Bộ Nội vụ chấp thuận việc thành phố muốn tăng số lượng giáo viên mầm non nhằm thực hiện được 2 ca giữ trẻ cho con công nhân đến 20 giờ 30 và giữ trẻ vào thứ bảy lẫn chủ nhật…

TP.HCM đề xuất cho học sinh các trường chuyên, lớp chuyên có thể thi tín chỉ một số môn tương ứng đang được giảng dạy tại trường đại học

Thanh Sang

Về đề xuất cho học sinh các trường chuyên, lớp chuyên có thể thi tín chỉ một số môn tương ứng đang được giảng dạy tại trường đại học, giáo viên Nguyễn Thị Huyền Thảo, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng đề xuất của Sở GD-ĐT phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh chỉ học và chọn nhóm các môn mình muốn và phù hợp với năng lực. Khi đó, giáo viên dạy học theo các chuyên đề thì mới có khả năng xây dựng khung bộ môn và  mới có thời gian để giảng dạy một số môn từ đại học.
Một giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng cho biết ủng hộ đề xuất này. "Trong quá trình học chuyên, các em học sinh được học nội dung liên quan chương trình sách giáo khoa cơ bản, từ đó học đến nội dung chuyên sâu để có thể trả lời được các câu hỏi trong đề thi học sinh giỏi quốc gia, olympic quốc tế. Nội dung chuyên sâu trong mỗi chủ đề chuyên gần tương đương với nội dung đại cương của một số tín chỉ ở một số môn tương ứng  chương trình đại học", giáo viên này giải thích.
"Vì vậy, nếu học sinh có cố gắng, việc đề xuất trên của sở giáo dục sẽ giúp cho học sinh chuyên giảm thời gian học ở đại học, đồng thời còn có thể giúp đánh giá chất lượng dạy chuyên của một số trường", giáo viên này khẳng định.
Đề xuất cho học sinh các trường chuyên, lớp chuyên có thể thi tín chỉ một số môn tương ứng đang được giảng dạy tại trường đại học được xem là một đột phá của ngành giáo dục thành phố. Với đề xuất này, giáo viên và đặc biệt học sinh có thể rút ngắn thời gian học ở bậc đại học và có nhiều thời gian đầu tư cho môn chuyên ngành và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp nếu có.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.