Trong buổi ra mắt tập sách này, anh cho biết đã viết đi sửa lại đến cả bốn lần: “Cuốn sách hóa ra quá khó viết. Chỉ có ba nhân vật chính, nhưng ai cũng có một cuộc đời chìm nổi, lại trong một thời kỳ đầy biến động. Ba người bạn thân, cũng có một cuộc tình tay ba, từng thề nguyền “không có gì và không một ai” có thể thay đổi tình bạn tụi mình, sẽ sống như thế nào trước bao biến cố cuộc đời?”. Đây cũng chính là câu hỏi của bạn đọc khi tiếp cận với tác phẩm mới nhất của anh.
Ba nhân vật Thương, Phong, Tiềm là bạn học của nhau. Trong cơn lốc của năm 1975 đã thay đổi số phận một dân tộc, tình bạn ấy không đứng ngoài ngọn gió của thời cuộc. Họ đã có những thay đổi khác nhau. Cũng như bao thanh niên thời đó, có người đi thanh niên xung phong, có người thành cô giáo, có người đi bộ đội… Ở đây nhân vật của Nguyễn Đông Thức lại đi làm báo. Từ đây, thông qua những chuyện tình vừa đau đớn, vừa lãng mạn và cũng có lúc vừa vụng trộm… tác giả dẫn người đọc đi vào ngóc ngách của làng báo từ sau ngày giải phóng. Ở tiểu thuyết này, Nguyễn Đông Thức phát huy triệt để thế mạnh của anh: vốn sống của tháng ngày sống ở tuyến lửa thanh niên xung phong; và chất liệu của ngày tháng làm báo. Không những thế, những đồng đội cũ của anh như Phạm Quang Đẩu, Đỗ Đình Hòa, Trần Viết Thu, Phan Quan Hùng…; đồng nghiệp cũ như nhà báo Nam Đồng… đã tận tình giúp đỡ anh khá nhiều về mặt tư liệu.
Có lẽ đây là quyển tiểu thuyết trước nhất khắc họa lại thăng trầm của làng báo miền Nam. Thông qua nội tình của tờ báo Vì Dân, Nguyễn Đông Thức viết lại rất hấp dẫn những đổi thay cần thiết về quan niệm làm báo, qua nhiều thời kỳ. Có những đấu tranh gay gắt, có những dằn vặt trong từng số phận cũng không ngoài mục đích thay đổi quan niệm về nghề báo. Chẳng hạn, “Báo chí phải sống được bằng sự chi trả của người đọc” (tr.196) - như nhân vật Ba tuyên bố và chấp nhận rời khỏi làng báo sau khi nhận hết “sai sót” về mình…
Đọc và ta thấy nhà văn Nguyễn Đông Thức vẫn là cây bút sung sức của thời viết tiểu thuyết Ngọc trong đá, Ngôi sao cô đơn… Chính vì thế, NXB Trẻ chọn in và phát hành Không có gì và không một ai, đúng vào dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam năm nay.
Lê Minh Quốc
>> Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đoạt giải thưởng lớn
>> Đoàn nhà văn Mỹ sang thăm Việt Nam
>> 35 “nhà văn nhí” đoạt giải Tuổi Hồng
>> Xuất bản tác phẩm cuối đời của cố nhà văn Trần Hoài Dương
Bình luận (0)