“Giáo sư Lê Ngọc Trụ cho rằng từ nguyên của GIÁ là NHA [芽]. Tôi thấy rằng “ứng cử viên” này cũng rất nặng ký: biết rằng, về mặt nghĩa thì, ĐẬU NHA [豆芽] có nghĩa là “giá” (đậu), mà về âm thì mối tương quan NH > GI thì cũng có (?), như: - nhiêu [饒] > giàu; - nhiêu [饒] > giồi (dồi)”.
Như lần trước chúng tôi đã chứng minh rất rõ, không phải bao giờ đẳng thức ngữ nghĩa tuyệt đối (đậu nha = giá) cũng có thể là cơ sở để khẳng định mối quan hệ về nguồn gốc giữa nguyên từ và từ phái sinh. Ngay cả trong trường hợp giống hệt nhau như tính từ bad của tiếng Anh và của tiếng Iran - thí dụ này đã trở thành cổ điển - thì hai từ này cũng không liên quan gì với nhau về nguồn gốc mặc dù cả tiếng Anh lẫn tiếng Iran đều là những ngôn ngữ Ấn - Âu (Indo - European languages). Về mặt từ nguyên thì J.Vendryes từng cảnh báo: “Tous les sosies ne sont pas des parents” (Không phải những kẻ giống hệt nhau đều là họ hàng).
Huống chi, tương quan ngữ âm giữa NH và GI cũng được bạn Minh đưa ra với dấu hỏi (?) trong ngoặc đơn. Trong thực tế thì mối quan hệ này chỉ có một chiều, nghĩa là không có NH > GI, mà chỉ có GI > NH (nhưng cũng không nhiều), như:
- gia [家] > nhà trong nhà cửa;
- giác [覺] > nhắc trong nhắc nhở;
- gián [諫] > nhắn trong nhắn nhủ;
- giao [交] > nhau trong đánh nhau.
Hai dẫn chứng về NH > GI (?) mà bạn Minh đưa ra thì lại không chính xác.
Nhiêu không phải là nguyên từ của giàu mà chỉ là điệp thức hậu khởi của nhiều (từ này có trước). Còn giàu là điệp thức của trù [稠] trong trù phú. Trước nhất là về tương quan phụ âm đầu TR > GI thì ta có:
- trá [詐] > giá trong dối giá (Khai trí Tiến đức viết “dá”!); - trại [砦, 寨], hàng rào chung quanh > giại trong phên giại;
- tranh [爭] > giành trong giành giật;
- trầm [沈] > gìm trong gìm xuống nước;
- trí [剚], cắm xuống đất > gí trong gí xuống;
- trỉ [滓], cặn > gỉ trong gỉ sắt;
- trục [逐], xua, đuổi > giục trong giục giã;
- trữ [貯], cất chứa > giữ trong giữ gìn;
- trương [張], mở lớn ra > giương trong giương cao ngọn cờ.
Còn về tương quan nguyên âm chính U > ÂU, thì xin nhấn mạnh rằng trù [稠] là một chữ vốn thuộc vận mục vưu [尤] nên âm gốc của nó phải là trừu. Về hiện tượng ƯU > AU
(trừu [稠] > giàu), xin nói rằng đây là một mối tương quan rất xưa (trước khi trừu chuyển thành trù) nhưng ta vẫn còn có hai dẫn chứng quý báu, trước nhất là trường hợp mà Nguyễn Bạt Tụy đã nêu từ năm 1953:
- lưu [流], chảy > làu trong thuộc làu. Thuộc làu là “thuộc như nước chảy” (Nguyễn Bạt Tụy, Ngôn - ngữ - học Việt - Nam, in lần thứ - nhì, Sài Gòn, 1958, tr. 61 [lần thứ - nhất: 1953]). Ông viết với “â” thành “lầu”.
Rồi ta còn có:
- trứu/trưu [皺] trong trưu mi [皺眉], mà Mathews’ Chinese - English Dictionary đối dịch là “to frown” > chau trong chau mày.
Cứ như trên thì chẳng có gì lạ nếu trừu→trù [稠] là nguyên từ của giàu. Đến như từ dồi trong dồi dào mà bạn Minh đã cưỡng chế thành “giồi” để đưa ra cái biểu thức “nhiêu [饒] > giồi (dồi)” thì không fair play tí nào. Chỉ có trong trau giồi thì giồi mới có thể viết thành dồi chứ trong dồi dào thì dồi tuyệt đối không thể bị hô biến thành “giồi”. Cứ như trên thì ý kiến của GS Lê Ngọc Trụ cũng chẳng lấy gì làm nặng ký vì trong ngữ âm học lịch sử liên quan đến lĩnh vực Hán Việt thì không có chuyện NH > GI.
Bình luận (0)