Lắt léo chữ nghĩa - Đao to búa lớn: Đao hay là dao?

23/02/2020 06:54 GMT+7

Đao to búa lớn là một thành ngữ mà ta đã dịch từ thành ngữ đại đao khoát phủ [大刀闊斧] của tiếng Hán.

Nhưng có ý kiến cho rằng phải dịch thành dao to búa lớn mới là hoàn toàn hợp lý. Tác giả của ý kiến này đã lập luận nguyên văn như sau:
“Trong tiếng Việt, ta thấy:
Có câu ca dao: Cau già dao sắc lại non. Đâu có ai nói “đao sắc”.
Cây “boa nha” (tiếng Pháp là poignard), ta gọi là cây dao găm. Đâu có ai gọi nó là “đao găm”.
Huống chi, bốn tiếng dao, to, búa, lớn đều là tiếng Việt; còn “đao” mà kết hợp với to, với búa, với lớn thì nghe không thuận tai!”.
Thực ra thì đao là một từ Việt gốc Hán, y như băng, tuyết, hoa, xuân, hạ, thu, đông... mà chữ Hán lần lượt là [刀], [冰], [雪], [花], [春], [夏], [秋], [冬]. Tất cả các từ Việt gốc Hán, cũng như mọi từ Việt gốc Khmer, gốc Pháp, gốc Anh... đều là tiếng Việt. Ở đây, có một điểm đặc biệt cần chú ý: đao có một điệp thức là dao, do tương quan ngữ âm lịch sử Đ ↔ D: cây đa ↔ cây da; bánh đa (bánh tráng) ↔ bánh da (Huình - Tịnh Paulus Của, Đại Nam quấc âm tự vị); bát đĩa ↔ chén dĩa; đàn đúm ↔ một dúm nhỏ; cưa đứt đục suốt ↔ dứt khoát, dứt điểm...
Tác giả kia cho rằng (nguyên văn) “dao là tiếng Việt có sẵn, nên người Việt xưa không có mượn thẳng âm đao của Tàu. Chớ nếu không, Tam thiên tự đã giảng đao > đao, đâu có cần đến đao > dao. Thực ra, khi điệp thức đã xuất hiện thì thường có sự phân công ngữ nghĩa: đao dùng để chỉ vũ khí; dao dùng để chỉ đồ gia dụng. Huống chi, trong nhiều trường hợp, Tam thiên tự vẫn dùng cái chữ Hán được giảng để giảng chính nó. Chỉ từ chữ 67 đến chữ thứ 74, ta đã có 4 trường hợp như thế: 67.[役] Dịch = việc; 68.[功] Công = công; 69.[翰] Hàn = lông; 70.[翼] Dực = cánh; 71.
[聖] Thánh = thánh; 72.[賢] Hiền = hiền; 73.[僊] Tiên = tiên; 74.[佛] Phật = bụt.
Các chữ 68, 71, 72 và 73 đều được dùng chính nó để giảng nó; còn sở dĩ đao [刀] được giảng thành dao là do sự phân công ngữ nghĩa đã nói. Theo sự phân công đã nói thì, trong đao to búa lớn, đao là binh khí chứ không phải đồ dùng để cắt thông thường.
Như đã nói ngay từ đầu, đao to búa lớn là một thành ngữ dịch từ đại đao khoát phủ [大刀闊斧]. Xuất xứ của thành ngữ này là tác phẩm Thủy hử của Thi Nại Am đời Minh. Các hồi thứ 34, 47 và 118 đều có sử dụng, trong đó đại đao và khoát phủ đều là vũ khí thời xưa. Hán Đại thành ngữ đại từ điển giảng là “miêu tả khí thế uy mãnh của quân đội” [形容军队威猛的气势].
Có điều là trong tiếng Hán thì đại đao khoát phủ chỉ hiện tượng tốt nghĩa (meliorative) còn đi vào tiếng Việt thì đao to búa lớn lại mang tính xấu nghĩa (pejorative). Nhưng điều này không quan trọng. Quan trọng là: Đao vẫn là đao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.