Lắt léo chữ nghĩa: Ái, ưu và âu, yêu

09/02/2020 06:15 GMT+7

Yêu là nghĩa của ái [愛] nhưng ái lại không phải là nguyên từ (etymon) của yêu. Đồng thời, trong khi yêu là một từ độc lập, một động từ, thì ái chỉ là một hình vị Hán Việt phụ thuộc, như chỉ có thể thấy trong bác ái, nhân ái, ái quốc ái quần, ái hữu, ái nữ...

Chàng trai có thể nói với cô gái: “Anh yêu em” chứ không thể nói “Anh ái em”. Còn câu Ngã ái nhĩ (Wǒ ài nǐ) thì chỉ là chuyện riêng của tiếng Hoa mà thôi.
Động từ yêu có một hình vị Hán Việt đồng âm, mà chữ Hán là [要], như có thể thấy trong yêu cầu, yêu sách. Đây là một động từ của tiếng Hán, có nghĩa là “mong muốn, đòi hỏi”, không có liên quan gì về nguồn gốc với động từ yêu trong yêu nước, yêu thương, tình yêu... của tiếng Việt cả.
Trong yêu nước, yêu thương, tình yêu... thì yêu là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [憂], mà âm Hán Việt hiện hành là ưu, có nghĩa là “lo lắng, buồn rầu”.
Chữ ưu [憂] cũng có điệp thức là âu, như trong lo âu, âu sầu. Chữ âu này còn có một cái nghĩa nữa là “yêu” - thực ra, ở đây, âu và yêu là hai điệp thức, như có thể thấy trong ngữ vị từ đẳng lập âu yếm, mà Nguyễn Du đã dùng trong câu Kiều thứ 500 (Xem trong âu yếm có chiều lả lơi) và câu 3.151 (Những như âu yếm vành ngoài). Ngoài ra, ta còn có ca dao:
Nhớ khi anh bủng anh beo,
Tay cất chén thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh khỏi, anh lành,
Anh âu duyên mới, anh tình phụ tôi!
Ở đây, âu có nghĩa là yêu mà yêu cũng là một điệp thức của âu vì cả hai đều có chung một nguyên từ là ưu [憂]. Yêu có thể đã đi vào tiếng Việt theo một trong hai con đường sau đây.
Một là trực tiếp từ chữ ưu [憂] theo tương quan ngữ âm ƯU ↔ IÊU, mà cứ liệu thì tuy thực sự ít ỏi nhưng hoàn toàn chắc chắn, điển hình là chữ [柳], hiển nhiên thuộc vận mục hữu [有], tức vận bộ vưu [尤], lẽ ra phải đọc thành lữu, nhưng ta lại đọc thành liễu tự bao giờ, như trong bồ liễu, dương liễu, hoa liễu, liễu my (lông mày lá liễu), liễu ti (tơ liễu)...
Hai là yêu đến từ âu theo tương quan ÂU ↔ IÊU: biều [瓢], là bầu ↔ bầu trong bầu bí; kiều trong kiều lộ ↔ cầu trong cầu đường; đặc biệt là trường hợp sau đây: chữ [妙], nay đọc thành diệu, vốn là miệu vì thuộc thanh mẫu minh [明] và vận mục tiếu [笑], có một điệp thức là mầu trong mầu nhiệm mà mầu nhiệm thì lại chính là điệp thức của diệu nghiệm [妙驗].
Cứ như trên thì quan hệ “tay ba” giữa ưu ↔ âu ↔ yêu về mặt ngữ âm là điều đã được chứng minh. Điều còn lại là chuyện ngữ nghĩa: Ưu là lo lắng, buồn rầu thì liên quan gì đến chuyện yêu đương? Có chứ! Đó là diễn tiến theo hướng: lo lắng → quan tâm → gắn bó → thương yêu. Nếu không phải như thế thì ta đã không có cặp đôi ưu ái [憂愛] trong đó ưu là nguyên từ của âu và yêu còn ái thì lại có nghĩa là yêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.