Vẫn nằm trong nhóm những quốc gia tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, nhưng trong vòng 3 năm trở lại đây, sức mua xe máy tại Việt Nam đang từng bước sụt giảm.
Sức mua xe máy tại Việt Nam đang giảm |
Bá Hùng |
Liên tục sụt giảm
Sau giai đoạn liên tiếp tăng trưởng trong những năm 2015 - 2018, cú “hãm phanh” của thị trường xe máy Việt Nam trong năm 2019 với doanh số bán 3,254 triệu xe, giảm 3,87% so với năm 2018 (đạt 3,386 triệu xe)... làm không ít người nhận định thị trường xe máy chuẩn bị bước vào giai đoạn “bão hoà”. Tức là sức mua vẫn đạt mức cầm chừng khoảng 3 triệu xe/năm, đồng thời có sự thay đổi, chuyển dịch trong xu hướng lựa chọn của người tiêu dùng giữa các phân khúc. Phổ biến nhất là việc chuyển đổi từ xe máy số sang xe tay ga, xe côn tay cùng với sự bùng nổ nhu cầu mua sắm mô tô thể thao.
Doanh số bán xe máy tại Việt Nam những năm gần đây |
Nguồn: VAMM |
Thực tế, sự tăng trưởng thị phần của phân khúc xe tay ga cùng với sự nở rộ của các mẫu mã thương hiệu mô tô tại Việt Nam đã cho thấy sự thay đổi trong xu hướng chọn mua mô tô, xe máy của người Việt. Tuy nhiên, thay vì được cho là “bão hòa” sức mua xe máy lại sa sút và liên tục sụt giảm. Những con số trong các báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đã nói lên tất cả.
Sau bước chững lại vào năm 2019, doanh số bán xe máy trong năm 2020 tiếp tục giảm còn 2,712 triệu xe, giảm tới 16,6% so với năm 2019. Đến năm 2021, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 kéo sức mua xe máy giảm thêm 8,1% về mức 2,492 triệu xe trong năm 2021 - đây cũng là mức doanh số thấp nhất trong gần 10 năm qua của thị trường xe máy Việt Nam.
Đà “lao dốc” của thị trường xe máy Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại |
Bá Hùng |
Bước sang năm 2022, tình hình sản xuất, kinh doanh xe máy tại Việt Nam bắt đầu ổn định trở lại khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Cuối tháng 3.2022, VAMM đưa ra báo cáo nghe có vẻ khả quan với 753.571 xe máy bán ra trong quý 1/2022, tăng 7,43% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nếu so với quý 4/2021 (đạt 756.521 xe) sức mua xe máy vẫn đang tiếp đà sụt giảm.
Điều này cho thấy, đà “lao dốc” của thị trường xe máy Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt trong bối cảnh, hàng loạt mẫu mã chạy đua tăng giá bán do khan hàng, thị trường khan hiếm các dòng xe máy mới để kích cầu… Sức mua được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Khó khăn bủa vây thị trường xe máy
Không giống như thị trường ô tô đang nhận được sự hỗ trợ để phát triển, ngành sản xuất kinh doanh xe máy tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Ngành sản xuất kinh doanh xe máy tại Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt khó khăn |
Bá Hùng |
Trong đó, theo ông Suzuki Yasutaka - Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam, có ít nhất 3 yếu tố dẫn đến sự sụt giảm liên tiếp của thị trường xe máy Việt Nam trong suốt 3 năm qua. Cụ thể trong một sự kiện gặp gỡ truyền thông mới đây, vị Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam chia sẻ: “Việc Chính phủ Việt Nam tiến tới hạn chế số lượng xe máy hoạt động trên đường phố, cũng như sự tăng trưởng thị trường xe điện và việc mở rộng sở hữu ô tô trong nước”… chính là những yếu tố kìm hãm và dẫn đến sự sụt giảm của thị trường xe máy.
Thực tế những năm gần đây, nhiều tỉnh thành phố tại Việt Nam như Hà Nội, TP.HCM… đã lên kế hoạch, lộ trình để hướng đến việc hạn chế xe máy nhằm giảm tình trạng kẹt xe và ô nhiễm không khí đang có nguy cơ ngày càng trầm trọng. Các phương án về việc hạn chế, cấm sử dụng xe máy cũ, không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, an toàn cũng đang được triển khai.
Sự tăng trưởng về số lượng xe máy đang thực sự tạo ra áp lực lên hạ tầng giao thông, chất lượng không khí |
Bá Hùng |
Dù chưa thực sự có phương án phù hợp để nâng cao hiệu quả nhưng việc hạn chế xe máy tại các thành phố lớn được cho là xu hướng để phát triển. Bởi sự tăng trưởng về số lượng xe máy đang thực sự tạo ra áp lực lên hạ tầng giao thông, chất lượng không khí nhiều hơn so với hiệu quả, cũng như sự tiện lợi mà loại hình phương tiện này mang lại.
Chính vì vậy, trong vòng 3 năm qua, một số nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang xe điện. Sau VinFast, hàng loạt thương hiệu xe điện đang đổ bộ thị trường Việt Nam, ngay cả bản thân Yamaha - một hãng xe máy có danh tiếng và thâm niên chinh chiến tại thị trường Việt Nam cũng đang xây dựng những tiền đề để chuyển đổi sang xe máy điện. Điều này, phần nào khiến cho thị phần xe máy truyền thống sử dụng động cơ đốt trong tại Việt Nam đang giảm dần, trong khi doanh số bán xe điện lại liên tục gia tăng.
Thị phần xe máy truyền thống sử dụng động cơ đốt trong tại Việt Nam đang giảm dần, trong khi doanh số bán xe điện lại liên tục gia tăng |
Bá Hùng |
Đặc biệt, việc sở hữu ô tô không còn khó khăn như trước khiến cho một bộ phận người Việt “xa dần” chiếc xe máy. Trái ngược với các hoạch định để hạn chế xe máy, trong vòng 2 năm qua, nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho thị trường ô tô trong nước phát triển, trong đó có việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô lắp ráp trong nước được áp dụng… giúp thị trường ô tô vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Ngoài 3 lý do chính được Tổng giám đốc Yamaha Motor Việt Nam, vẫn có hàng loạt yếu tố khác khiến cho người Việt đang giảm dần việc mua sắm xe máy. Trong đó, vấn đề an toàn, thuận tiện và phát triển chất lượng cuộc sống cũng được nhiều gia đình chú trọng.
Thực tế diễn ra trong thời gian qua cho thấy, thị trường xe máy Việt Nam đã thoát ra giai đoạn bão hoà, nhưng thay vì tăng trưởng, sức mua đang “lao dốc” không phanh. Nguy cơ kéo dài đà sụt giảm doanh số năm thứ 4 liên tiếp đang hiển hiện trước mắt các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xe máy tại Việt Nam.
Bình luận (0)