Không công nghệ, bục giảng giàu cảm xúc hơn?

Hà Ánh
Hà Ánh
22/03/2019 16:41 GMT+7

Khi không có máy tính, máy chiếu, không phải lo các vấn đề về kỹ thuật thì việc dạy học trở nên thoải mái, thời gian như dài hơn và có nhiều cơ hội hơn để quan tâm đến học sinh…

Chiều 22.3, diễn đàn kết nối trẻ “Vai trò của nhà giáo trẻ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.

Thầy giáo hay robot dạy học?”

Thạc sĩ Hà Văn Thắng, giảng viên khoa Địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đặt ra một câu hỏi: “Thầy giáo hay robot dạy học?”. Bắt đầu mổ xẻ câu hỏi này, ông Thắng nêu lên vấn đề người thứ 3 trong mối quan hệ thầy trò ngày nay.


Theo ông Thắng, trong lớp học khoảng cách từ bục giảng đến bàn học rất gần gũi nhưng vẫn có sự ngăn cách. Thầy giáo mải mê với những bài giảng được thiết kế chuyên nghiệp trên các phần mềm, say sưa với các ứng dụng kết nối trực tuyến, máy tính, điện thoại thông minh… và học trò cũng bị cuốn theo dòng chảy đó. Điều này tạo ra bức tường ngăn cách người thầy và trò. Người thứ 3 đó chính là công nghệ, giống như trong gia đình ba mẹ và con cái ngồi cạnh nhau nhưng vẫn có khoảng cách công nghệ.

Theo ông Thắng, giáo viên 4.0 không thể không có năng lực công nghệ. Bài giảng được tạo ra từ công nghệ luôn rất thu hút học sinh, là bài giảng có giá trị. Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh rằng người dạy phải phát triển năng lực công nghệ cho học sinh.

Tuy nhiên, thạc sĩ Thắng lại đưa ra một góc nhìn khác về việc này thông qua bối cảnh khi thực hiện một lớp học không có công nghệ. Từ những lớp học áp dụng với sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Thắng cho rằng khi không có công nghệ thì vô hình trung mối quan hệ thầy trò trở nên tốt hơn.

“Khi không có máy tính, máy chiếu, không phải lo các vấn đề về kỹ thuật… tôi thấy việc dạy học trở nên thật thoải mái, thời gian như dài hơn và có nhiều cơ hội hơn để quan tâm đến học sinh. Khoảng cách giữa chúng tôi dần được xóa bỏ và những ngày tháng trên bục giảng trở nên giàu cảm xúc”, thạc sĩ Thắng chia sẻ.

Từ phân tích trên, thạc sĩ Thắng rút ra về vai trò của giáo viên trong nền giáo dục của tương lai: “Theo tôi thứ mà công nghệ không thể thay thế được là vai trò của người thầy trong việc truyền bá và lan tỏa những giá trị đến học trò. Những điều này, máy móc hoàn toàn không thể thay thế được và người thầy luôn giữ vị trí độc tôn”.

"Giáo viên 4.0 càng phải kiên trì"

Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đặt ra vai trò của người thầy trong thời hiện đại. Bà Hồng cho rằng, nghề giáo không phải một công việc nhàn hạ mà rất nhọc sức, trong thời đại này còn rất nhọc tâm.

 “Thời đại 4.0 thầy giáo ảo xuất hiện nhiều và thậm chí đông hơn thầy giáo thật, phải chăng khi đó không còn cần thầy giáo thật? Nhưng chức năng giáo dục của người thầy thật khiến cho vai trò của họ không hề bị mất đi”, tiến sĩ Hồng nói.

Cũng theo cô Hồng, hiện nay tri thức phát triển ồ ạt, người học đôi khi không cần tiếp cận tri thức từ người thầy mà công nghệ còn chính xác và nhanh hơn. Muốn học trò phổ thông tự học được thì người thầy cũng phải có khả năng này.

“Nhiều giáo viên phổ thông có than với tôi rằng học trò hiện nay mất lòng tin, khó tiếp cận và khó cảm hóa. Vì vậy, giáo viên thời đại mới cần ý thức được sự thay đổi này, càng 4.0 thì càng phải kiên trì, khéo léo để thuyết phục học sinh rèn luyện và định hướng giá trị lành mạnh. Họ còn phải biết tự kiểm soát nâng cao bản lĩnh sư phạm”, bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, trong khi thu nhập luôn là con số bí ẩn, giá trị nghề giáo đang bị lung lay thì vai trò của những giáo viên sư phạm hiện nay cần phải khôi phục lòng tin này”, bà Hồng nói thêm.

“Gần đây chúng ta đã thấm thía nỗi đau trước những vụ việc xảy ra bởi cách cư xử vụng về, sai trái của đồng nghiệp. Phải chăng do họ chưa được trang bị chưa tốt kỹ năng ứng xử sư phạm?”.

Định vị nghề giáo
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Hồng còn đặt ra một tình huống về định vị nghề giáo: “Khi tôi hỏi hỏi sinh viên đang theo học ngành giáo dục mầm non, có người tự định vị nghề nghiệp của mình giống như một “ô sin”, người cho rằng “vú em”. Cách nhận thức này thực sự chưa ổn, nếu đào tạo sư phạm mà chưa giúp sinh viên ý thức được vai trò của mình như một nhà giáo dục thì đừng nói gì đến chuyện cải thiện chất lượng giáo dục”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.